Chủ nhật, 24/11/2024 06:47 (GMT+7)
    Thứ năm, 12/05/2022 16:05 (GMT+7)

    Đề xuất triển khai dự án đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ trước năm 2030

    Theo dõi KTMT trên

    Ngày 12/5, UBND thành phố Cần Thơ có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) và đơn vị tư vấn về dự án tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ.

    Cần Thơ cơ bản thống nhất về phương án hướng tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ đoạn qua Cần Thơ do đơn vị tư vấn đề xuất và mong dự án sớm triển khai, chậm nhất trước năm 2030.

    Mở rộng đường, vị trí nhà ga điều chỉnh

    Đơn vị tư vấn đã trình bày báo cáo hướng tuyến và ga trên địa phận TP Cần Thơ. Trong đó tại cuộc họp, đơn vị tư vấn xin điều chỉnh một số nội dung như mặt cắt ngang đường, vị trí nhà ga.

    Đề xuất triển khai dự án đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ trước năm 2030 - Ảnh 1
    Tuyến đường sắt Hồ Chí Minh - Cần Thơ dự kiến dài 174,7 km, trong đó có 6,5 km đi qua địa phận thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm – TTXVN)

    Cụ thể, mặt cắt ngang lồng ghép đường sắt với đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cần mở rộng từ 47 m hiện tại lên 91,6 m. Cạnh đó, vị trí nhà ga theo dự kiến trước đây hiện có quy hoạch là nút giao IC2 giữa đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau với đường Quốc lộ 91 – Nam Sông Hậu. Tư vấn đề xuất vị trí nhà ga song song Quốc lộ 91 – Nam Sông Hậu và về phía Tây nút giao IC2 khoảng 1,5 km.

    Đề xuất triển khai dự án đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ trước năm 2030 - Ảnh 2
    Đơn vị tư vấn trình bày báo cáo hướng tuyến và ga trên địa phận TP Cần Thơ tại cuộc họp. (Ảnh: NHẪN NAM)

    Đơn vị tư vấn xin ý kiến TP Cần Thơ về sự cần thiết đầu tư dự án; các thông số kỹ thuật như đường đôi, khổ đường 1435 mm, tốc độ 190 km/h; phương án hướng tuyến trên địa bàn TP Cần Thơ; vị trí, chức năng, tên gọi ga.

    Cùng với đó, các sở, ngành và quận Cái Răng góp ý hầu như thống nhất với đề xuất của tư vấn. Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT cho biết, theo quy hoạch thì đến năm 2030 dự án đường sắt mới tình toán triển khai nhưng trước đó phải xem xét nhiều thứ, trong đó có báo cáo tiền khả thi này. Báo cáo càng cụ thể, rõ ràng thì khi làm việc với nhà đầu tư mới dễ thuyết phục.

    Đề xuất triển khai dự án đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ trước năm 2030 - Ảnh 3
    Giám đốc Sở GTVT Lê Tiến Dũng phân tích các đề xuất của tư vấn tại cuộc họp ngày 12/5. (Ảnh: NHẪN NAM)

    Đồng thời, ông Dũng đề nghị Bộ GTVT xem xét, nếu giai đoạn 2025-2030 mà có nguồn vốn thì nên bố trí làm sớm vì cách đây 40-50 năm đã có đường sắt đến Tiền Giang rồi.

    Đại diện UBND quận Cái Răng cũng đề xuất nghiên cứu làm sớm chứ nếu để 10 năm nữa mới làm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Đại diện Sở Công thương góp ý về tính kết nối của nhà ga với các khu công nghiệp, Trung tâm liên kết, sản xuất tiêu thụ nông sản.

    Đại diện Công ty phát triển nhà TP cho biết, việc mở rộng mặt cắt ngang đường ảnh hưởng đến 128 lô nền tái định cư công ty đã bàn giao cho người dân, trong đó có 12 nhà đã xây dựng đúng quy hoạch 1/500 nên kiến nghị có quỹ đất để bố trí tái định cư…

    Dự án đường sắt dự kiến triển khai trước năm 2030

    Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kết luận cuộc họp cho biết, ngoài sự cần thiết như các ý kiến nêu thì tư vấn cần nhấn mạnh sự cần thiết vì Cần Thơ là đầu mối giao thông của cả vùng theo Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Chính Phủ.

    Đề xuất triển khai dự án đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ trước năm 2030 - Ảnh 4

    Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: NHẪN NAM)

    Song song đó, đường sắt phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hoá của cả vùng tới TP.HCM, trọng tâm là vận chuyển hàng hoá. Đồng thời, ông Hè cho rằng dự án này không chỉ cần thiết mà cần sớm đầu tư, chậm nhất trước năm 2030.

    Về phương án hướng tuyến, thông số kỹ thuật chính, ông Hè thống nhất báo cáo đơn vị tư vấn. Về tên gọi nhà ga thì nhất trí sửa thành ga Cần Thơ.

    Ông Hè nhất trí với kiến nghị của tư vấn, đồng thời đề nghị các Sở GTVT, Xây dựng, TN&MT, Công thương cùng các sở, ngành và đơn vị liên quan rà soát cập nhật phương án hướng tuyến, nhà ga vào quy hoạch tích hợp của TP; quy hoạch quỹ đất để làm mô hình TOD, logistic.

    Ông Hè phát biểu: “Mong Ban quản lý dự án đường sắt sau cuộc họp này sớm hoàn thiện báo cáo tiền khả thi để làm sao dự án được làm sớm, chậm nhất trước 2030. Cạnh đó, tính toán phương án đảm bảo an toàn khu công nghiệp xung quanh; phương án tái định cư; quy hoạch khu xung quanh ga phải có tầm nhìn lớn, hiện đại”.

    Chiều dài tuyến qua Cần Thơ là 6,55 km và 1 nhà ga

    Tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ có điểm đầu là ga An Bình (Bình Dương), điểm cuối là ga Cái Răng. Chiều dài toàn tuyến khoảng 174 km với 13 nhà ga, đi qua 6 tỉnh, thành gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.

    Về phương án hướng tuyến, đơn vị tư vấn cho biết, trên địa phận Cần Thơ, tuyến đi trên trục đường 1A – Khu công nghiệp Hưng Phú 1, vượt qua Quốc lộ 91, khu dân cư Tân Phú, rẽ phải và đi song song về phía Bắc, nối với Quốc lộ 91- Nam Sông Hậu và về cuối tuyến là ga Cái Răng.

    Chiều dài tuyến trên địa phận TP Cần Thơ là 6,55 km (đoạn đi bằng là 2,17 km, đoạn đi cầu cạn 4,38 km), qua địa phận hai phường Tân Phú và Phú Thứ, quận Cái Răng.

    Tại Cần Thơ, nhà ga có chức năng là ga đón trả khách cuối tuyếm có các tác nghiệp xếp dỡ hàng hóa, chuẩn bị đầu máy, toa xe… Diện tích dự kiến khoảng 26 ha; quỹ đất dự kiến phát triển TOD khoảng 150 ha; quỹ đất dự kiến phát triển logistic khoảng 41 ha.

    Khoảng cách từ ga Cái Răng đến trung tâm TP khoảng 4,7 km; đến các tuyến đường như Quốc lộ 91 2,2 km, Quốc lộ 91 – Nam Sông Hậu là 0,5 km, Quốc lộ 1A 4,94 km, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau 1,5 km; đến các khu công nghiệp Hưng Phú 1 và 2 là 3,5 km, khu logistic quy hoạch là 3 km.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Đề xuất triển khai dự án đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ trước năm 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới