Thứ tư, 23/04/2025 14:00 (GMT+7)
Thứ tư, 23/04/2025 09:28 (GMT+7)

Đề xuất về việc thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh

Theo dõi KTMT trên

Chuyên gia đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh quốc gia do Nhà nước rót vốn, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế là thế mạnh của Việt Nam.

Tại Hội thảo "Hành trình chuyển đổi xanh và các giải pháp tài chính - công nghệ" vừa qua, ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc BIDV, nhấn mạnh, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Trong đó, tài chính và công nghệ đóng vai trò then chốt. Tài chính xanh sẽ dẫn dắt nguồn vốn vào các dự án bền vững, trong khi công nghệ xanh và số giúp tối ưu tài nguyên, giảm phát thải và nâng cao hiệu quả kinh tế. Sự kết hợp này sẽ tạo đột phá trong quá trình chuyển đổi.

Ông Long cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi xanh không chỉ là yêu cầu thị trường mà còn là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh lâu dài.

Đề xuất về việc thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Bà Nguyễn Thị Thu Thảo, phụ trách điều phối Ban ESG (Tập đoàn Gemadept), khẳng định: "Doanh nghiệp cần được tiếp cận nguồn vốn xanh và các hỗ trợ từ tổ chức tín dụng." Tuy nhiên, việc tiếp cận tín dụng xanh hiện vẫn là thách thức, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo bà Thảo, để đủ điều kiện vay vốn xanh, doanh nghiệp cần xác định rõ các chỉ số KPI cụ thể trong lộ trình chuyển đổi. "Hai bên (doanh nghiệp và ngân hàng) cần ngồi lại cùng nhau, dựa trên điều kiện thực tế, để xây dựng các KPI khả thi. Khi doanh nghiệp đạt được những mục tiêu này, việc tiếp cận nguồn vốn xanh sẽ dễ dàng hơn", bà Thảo gợi mở.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn e ngại chuyển đổi xanh do chi phí cao, trong khi các gói vay ưu đãi còn hạn chế. Từ kinh nghiệm của Gemadept, bà Thảo khuyên doanh nghiệp nên nhìn nhận lợi ích dài hạn. Vì ngoài giá trị tài chính, chuyển đổi xanh giúp củng cố thương hiệu và uy tín – những giá trị không thể đo đếm bằng tiền.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nếu coi chuyển đổi xanh là chi phí, doanh nghiệp sẽ khó thành công, mà phải xem đó là khoản đầu tư.

Bên cạnh việc khung pháp lý như danh mục xanh quốc gia chậm ban hành ảnh hưởng đến tiến độ chuyển đổi xanh,  ông Lực cho rằng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính, tín dụng, hay các ưu đãi về thuế, phí, hỗ trợ hệ sinh thái cho các hoạt động xanh chưa thực sự đủ mạnh và đồng bộ cũng là lực cản cho quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế.

Về tín dụng xanh, TS. Lực nhận định, do chuyển đổi xanh là đầu tư dài hạn, chi phí lớn và rủi ro cao, lãi suất cho vay khó có thể quá thấp. Vì vậy, cần sự hỗ trợ từ Nhà nước.

"Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất thành lập Quỹ chuyển đổi xanh Việt Nam. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đều có quỹ tương tự hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Vậy thì tại sao Việt Nam chúng ta lại chưa có?”, vị chuyên gia đặt câu hỏi.

TS. Lực đề xuất, Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh quốc gia nên do Nhà nước rót vốn ban đầu, tập trung vào lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, tạo động lực cho tăng trưởng, sau này sẽ là nơi tiếp nhận tài trợ từ các cam kết quốc tế, các tổ chức tài chính toàn cầu.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất về việc thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới