Chủ nhật, 24/11/2024 05:25 (GMT+7)
Thứ ba, 09/04/2019 12:55 (GMT+7)

ĐHCĐ Coteccons: Bỏ phương án sáp nhập Ricons do cổ đông lớn phản đối

Theo dõi KTMT trên

Cho rằng “không thấy được tính hợp lý, lợi ích sáp nhập và chiến lược rõ ràng”, cổ đông lớn Kustocem đã không đồng ý chủ trương sáp nhập Ricon vào Coteccons.

ĐHCĐ Coteccons: Bỏ phương án sáp nhập Ricons do cổ đông lớn phản đối - Ảnh 1

ĐHCĐ thường niên sáng 9/4/2019 diễn ra tranh cãi gay gắt của cổ đông Coteccons về vấn đề sáp nhập Ricons

Kustocem: Sáp nhập Ricons là không hợp lý

Sáng nay 9/4, Đại hội cổ đông thường niên của CTCP Xây dựng Coteccons (mã: CTD) đã “nóng” ngay từ đầu khi xảy ra tranh luận gay gắt giữa các nhóm cổ đông về tờ trình sáp nhập Coteccons vào công ty Ricons.

Một ngày trước đại hội, Kustocem – cổ đông lớn nhất nắm 17,75% (13,9 triệu cổ phiếu CTD) đã phát đi thông báo phản đối thương vụ M&A này.

Kustocem cho rằng việc sáp nhập Coteccons và Ricons sẽ không mang lại bất cứ lợi ích và giá trị nào có liên quan tới hoạt động vận hành của Coteccons hiện tại. Đồng thời, cổ đông này yêu cầu ban lãnh đạo tập trung vào giá trị cốt lõi của công ty sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn việc sáp nhập.

Hơn nữa, theo Kustocem, việc sử dụng cổ phiếu CTD để chi trả cho các thương vụ M&A là không hợp lý.

Tại đại hội, HĐQT đã có trình cổ đông xem xét thông qua phương án hoán đổi cổ phiếu CTD để sở hữu 100% cổ phần Ricons và chuyển đổi Ricons từ CTCP thành Công ty TNHH một thành viên. Việc sở hữu Ricons sẽ giúp Coteccons tạo lợi thế cạnh tranh về quy mô, tăng năng lực triển khai các dự án lớn và thúc đẩy việc tăng doanh thu và lợi nhuận công ty.

Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons cho rằng, phương án sáp nhập Ricons vào Coteccons để tăng khả năng phòng thủ, giúp Coteccons vươn lên trở thành một trong 3 công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam. Riêng Coteccons và Unicons đã chiếm 10% thị trường xây dựng.

Chủ tịch HĐQT Coteccons cam kết việc hoán đổi cổ phần Ricons sẽ thực hiện nghiêm túc, trên cơ sở được định giá từ 1 trong 4 công ty định giá lớn nhất.

ĐHCĐ Coteccons: Bỏ phương án sáp nhập Ricons do cổ đông lớn phản đối - Ảnh 2

Cổ đông lớn Kustocem cho biết sẽ không đưa ra bất cứ biểu quyết đồng ý nào cho thương vụ sáp nhập với Ricons

Trong phần thảo luận, một số cổ đông đã chất vấn Kustocem vì sao công bố thông tin phản đối sáp nhập trước ĐHCĐ và vì sao lại không đồng ý M&A?

Đại diện Kustocem cho biết, Kustocem là một trong nhà đầu tư làm việc với CTD về vấn đề M&A nhưng lợi ích sáp nhập chưa được rõ ràng và nhận thấy việc sáp nhập không bổ sung lợi ích về mặt kỹ thuật của Ricons và CTD. Công ty cần tập trung vào giá trị cốt lõi sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn thương vụ M&A này. Kustocem cũng cho rằng việc sử dụng cổ phiếu CTD để mua bán sáp nhập Ricons là không hợp lý nên không đồng ý việc sáp nhập.

Ông Andy Ho, đại diện Vinacapital cho rằng, đại hội lần này xem xét có tiến hành sáp nhập hay không và sáp nhập với giá trị bao nhiều thì cần bỏ phiếu. Cổ đông cần nhìn nhận là giá trị lợi ích của công ty mới sau khi sáp nhập, như doanh thu, lợi nhuận, khách hàng.. còn giá cổ phiếu CTD gần đây không tốt có thể là do những dự án lớn đang triển khai bị hạn chế. Ở mặt tích cực, khi sáp nhập sẽ giúp Coteccons tiếp cận lượng lớn khách, giảm bớt chi phí vốn vay… hi vọng lợi nhuận có thể lớn hơn sau khi sáp nhập.

Động thái Kustocem công bố thông tin phản đối sáp nhập trước thềm ĐHCĐ, theo một cổ đông nhỏ lẻ, hành động này đã gây ảnh hưởng thiệt hại cho nhà đầu tư.

Chưa biểu quyết việc sáp nhập

Đại diện cổ đông lớn Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tưu Thành Công (nắm 14,65% vốn Coteccons) đề nghị chưa biểu quyết nội dung M&A ở đại hội này mà các cổ đông bàn bạc, thống nhất giải pháp phù hợp.

Chủ tịch Coteccons Trần Bá Dương cho hay, vấn đề sáp nhập đã được thảo luận ở ĐHCĐ năm 2018, nên giờ đi đến thống nhất.

Về nghi vấn công ty sáp nhập có liên quan lợi ích, ông Trần Bá Dương phân trần: “Nếu không sáp nhập thì có người bảo công ty “sân sau, sân trước” nhưng nếu sáp nhập thì lại bảo lợi ích những người liên quan. Chúng tôi làm có luật sư tư vấn. Việc sáp nhập không nhằm mang lại lợi ích cho riêng lãnh đạo”.

Trước nhiều câu hỏi dành cho Kustocem, đại diện cổ đông này phát biểu: Khi chúng tôi tìm kiếm việc đầu tư thì chúng tôi thấy CTD, nhất là ông Dương là người đã tạo ra thay đổi, dẫn dắt thị trường. Nếu hỏi ai là người giỏi nhất trong ngành xây dựng Việt Nam thì tôi không ngần ngại trả lời là ông Dương… Chúng tôi tin CTD với khả năng của mình sẽ tập trung chuyên sâu để phát triển, nhất là với minh chứng tòa nhà Landmark 81 tầng. Thay vì theo đuổi M&A thì tập trung tăng trưởng phát triển công ty.

Ông Nguyễn Bá Dương: “Chúng ta mà dừng lại đây thì không bao giờ có M&A nữa. Ricons không phải mang ra để soi mói. Chúng ta sẽ biểu quyết dừng lại việc sáp nhập này”.

Ban chủ toạ ĐHCĐ đã quyết định dừng thảo luận phương án sáp nhập Ricons và đại hội biểu quyết bỏ tờ trình sáp nhập ra khỏi nội dung biểu quyết.

Đại hội đã tiến hành biểu quyết và thông qua hầu hết các tờ trình khác, và không thông qua các tờ trình về chia cổ tức, phát hành cổ phiếu ESOP, sửa đổi Điều lệ công ty.

Năm 2019, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 27.000 tỷ đồng, giảm 5,47%. Lợi nhuận hợp nhất 1.300 tỷ đồng, giảm 14%, cổ tức dự kiến 30% như năm trước.

Kết quả năm 2018, công ty đạt doanh thu thuần gần 29.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.874 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 1.510 tỷ đồng, lần lượt vượt 2% và 1% so với kế hoạch đặt ra. Việc chi trả cổ tức cho năm 2018 dự kiến thực hiện trong quý 2/2019 với tỷ lệ là 30%.

Công ty trình kế hoạch thưởng cho ban điều hành theo kết quả kinh doanh đạt được của năm 2018 như sau: mức khuyến khích là 4% lợi nhuận sau thuế, tương đương 60,5 tỷ đồng. Hình thức khuyến khích bằng cách phát hành 572.500 cổ phiếu ESOP dành cho cán bộ có đóng góp lớn. Giá 64.000 đồng/CP (bằng 60% giá trị sổ sách), hạn chế chuyển nhượng 2 năm.

Hải Nam

Bạn đang đọc bài viết ĐHCĐ Coteccons: Bỏ phương án sáp nhập Ricons do cổ đông lớn phản đối. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới