Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 30/12
Ninh Bình điều chỉnh hơn 6 ha đất tiểu thủ công nghiệp thành khu đất ở thấp tầng; Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu loạt giải pháp gỡ khó thị trường bất động sản;... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu loạt giải pháp gỡ khó thị trường bất động sản
Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra ngày 30/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin về kết quả làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng về tháo gỡ các dự án bất động sản.
Sau thời gian làm việc với một số địa phương và doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Xây dựng thông tin về một loạt khó khăn, vướng mắc chủ yếu nổi lên cần tháo gỡ. Trong đó, khó khăn được nhiều ý kiến phản ánh nhất liên quan đến pháp luật về đất đai như tính tiền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng… Tiếp đến là việc điều chỉnh quy hoạch, trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng dự án nhà ở, dự án.
Việc khan hiếm nguồn lực tài chính của doanh nghiệp cũng nằm trong nhóm vướng mắc lớn. Doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, khó khăn trong phát hành trái phiếu và áp lực đáo hạn trái phiếu; khó khăn, trong huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ.
"Nhiều doanh nghiệp phải dừng triển khai dự án, một số nhà thầu cho công nhân nghỉ việc", ông Sinh cho hay.
Về giải pháp, Tổ công tác đã kiến nghị với Chính phủ làm việc với Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, việc này đã tạo thuận lợi bước đầu cho doanh nghiệp về nguồn vốn.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Sinh, cũng là giải pháp quan trọng. Ngoài ra, ông Sinh cũng nhắc đến trách nhiệm của các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư bất động sản. "Khi thị trường tốt, tích cực, doanh nghiệp thực hiện cùng một lúc nhiều dự án song không cân bằng nguồn lực", ông nói và cho rằng, các doanh nghiệp tạo nên khó khăn cho mình bên cạnh những vướng mắc khác.
Ninh Bình điều chỉnh hơn 6 ha đất tiểu thủ công nghiệp thành khu đất ở thấp tầng
Tỉnh Ninh Bình điều chỉnh cục bộ các ô đất thuộc Quy hoạch phân khu Khu đô thị mở rộng về phía Nam (khu 1-2) có tính chất từ công trình tiểu thủ công nghiệp với quy mô hơn 6ha thành các khu đất ở thấp tầng. Ảnh minh họa.
UBND tỉnh Ninh Bình vừa có quyết định Phê duyệt điều chỉnh cục bộ các ô đất có ký hiệu V-05, V-08 và IV-17 thuộc Quy hoạch phân khu Khu đô thị mở rộng về phía Nam (khu 1-2) trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa bàn xã Ninh Phong, TP Ninh Bình. Phía Bắc, giáp lô đất có ký hiệu IV-12 và IV-16; Phía Đông giáp đường Lý Nhân Tông; Phía Nam giáp đường Trần Nhân Tông; Phía Tây giáp cụm công nghiệp làng nghề Ninh Phong. Quy mô diện tích lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch khoảng 27,92 ha.
Nội dung điều chỉnh theo hướng, tại các lô đất V-05 và V-08, điều chỉnh tính chất khu đất có ký hiệu TN từ tính chất đất công trình tiểu thủ công nghiệp thành khu đất ký hiệu O2 – nhóm ở mới mật độ thấp với tính chất đất ở đô thị. Khu vực sau điều chỉnh có tầng cao xây dựng tối đa là 05 tầng, mật độ xây dựng tối đa là 50%. Diện tích, tính chất các khu đất còn lại thực hiện theo Quy hoạch phân khu Khu đô thị mở rộng về phía Nam (khu 1-2) trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1816/QĐ-UBND ngày 27/12/2016.
Căn hộ được chiết khấu 3 tỷ đồng, người sẵn tiền vẫn ngần ngại
Trong bối cảnh thị trường khan hiếm nguồn cung, giá căn hộ chung cư tăng nóng, thậm chí chỉ trong thời gian ngắn đã tăng lên nửa tỷ đồng. Tuy nhiên, gần đây, do việc kiểm soát tín dụng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay khiến thị trường căn hộ chung cư kém thanh khoản.
Để giải quyết khó khăn này, không ít chủ đầu tư đã áp dụng các chính sách bán hàng hấp dẫn để thu hút dòng tiền vào triển khai dự án. Thế nhưng, điều kiện để áp dụng được chiết khấu cao, thường yêu cầu khách hàng phải đóng tới 95% giá trị hợp đồng.
Theo thông tin cho biết, số lượng dự án chung cư mới đang triển khai không nhiều. Ở thời điểm hiện tại, dù có những chính sách bán hàng hấp dẫn nhưng tỷ lệ chiết khấu giữa các dự án chênh lệch nhau khá lớn.
Đơn cử, tại dự án Tổ hợp thương mại và căn hộ Hà Nội Melody thuộc khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty TNHH Bất động sản Linh Đàm và Tập đoàn Hưng Thịnh là đơn vị phát triển, đang áp dụng các chính sách bán hàng, với mức chiết khấu "khủng". Dự án này được giới thiệu gồm 4 tòa tháp chung cư cao 29 tầng, với hơn 2.000 căn hộ và tiến độ bàn giao vào quý IV/2024.
Theo môi giới đang bán dự án này, khách hàng mua căn hộ được chiết khấu trên 32% khi thanh toán 95% giá trị căn hộ. Giá căn hộ tại đây dao động từ 45 đến 50 triệu đồng/m2, tùy căn, vị trí.
Với chính sách thanh toán sớm 95% giá trị căn hộ, khách hàng mua căn hộ tại dự án này sẽ được giảm từ 1-3 tỷ đồng/căn, tùy diện tích, vị trí. Môi giới dẫn chứng, tại giỏ hàng đang bán, căn hộ 145 m2, đang có giá bán niêm yết 7,5 tỷ đồng, nhưng sau khi chiết khấu, khách hàng chỉ phải trả 4,5 tỷ đồng (chênh 3 tỷ đồng); căn hộ 67 m2 có giá bán niêm yết 3,3 tỷ đồng, nhưng áp dụng chiết khấu giá chỉ còn 2,2 tỷ đồng.
Dù mức giá chiết khấu thấp hơn nhiều so với giá bán niêm yết, nhưng không ít nhà đầu tư đang có tiền mặt vẫn ngần ngại. Bởi, theo họ, yếu tố thanh khoản trên thị trường và tiến độ thực hiện dự án vẫn còn là ẩn số.
Bộ Xây dựng: Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ giúp hạ giá bất động sản đang “nóng”
Ngày 30/12, trao đổi về vấn đề nhà ở xã hội tại cuộc họp báo cuối năm của Bộ Xây dựng, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thừa nhận, việc triển khai làm nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn. Bản chất là các dự án nhà ở xã hội liên quan đến rất nhiều thủ tục, liên quan đến rất nhiều quy định khác nhau. Một trong những khó khăn là do trình tự thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài.
Ông Dũng cho biết: "Giải pháp, trình tự thủ tục đầu tư liên quan nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, đang kéo dài dẫn tới chậm triển khai ở một số địa phương. Chúng tôi sẽ trình và hướng dẫn trình tự thủ tục các dự án nhà ở xã hội, làm căn cứ triển khai thực hiện nhanh gọn hơn".
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết, vấn đề khó khăn vướng mắc của nhà ở xã hội về cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ. “Vừa qua, chúng tôi cũng tham mưu các nội dung liên quan đến cơ chế chính sách như giao đất, đối tượng chủ đầu tư, vay vốn xây dựng hay vay vốn cho người mua nhà…”.
Tuy nhiên, theo ông Sinh, vẫn còn một số vướng mắc. Những vướng mắc này đang được đề xuất sửa đổi, trong đó có vấn đề dành quỹ đất để làm nhà ở xã hội.
“Nếu trước đây, chúng ta chỉ có dành 20% quỹ đất trong xây dựng nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội. Thì lần này sửa đổi, chúng tôi đề xuất sửa đổi theo hướng giao cho UBND địa phương bố trí quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu, mở ra nguồn lực đất đai”, ông Sinh nói.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết thêm, hiện Bộ Xây dựng đang tích cực tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Huyền Diệu