Chủ nhật, 24/11/2024 04:25 (GMT+7)
Thứ sáu, 07/07/2023 16:33 (GMT+7)

Điện gió ngoài khơi: Nguồn năng lượng của tương lai - Cần sàng lọc các dự án điện gió ngoài khơi...

Theo dõi KTMT trên

Điện gió ngoài khơi (ĐGNK) dự kiến sẽ có bước nhảy vọt từ 6GW năm 2030 lên tới 70 - 91,5GW vào năm 2050.

Trò chuyện với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường xung quanh mục tiêu này, TS. Dư Văn Toán - Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) cho rằng, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII sắp ban hành cần sàng lọc được các dự án ĐGNK khả thi đối với Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2030.

Điện gió ngoài khơi: Nguồn năng lượng của tương lai - Cần sàng lọc các dự án điện gió ngoài khơi... - Ảnh 1
TS. Dư Văn Toán - Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT)

PV: Ông nhận định như thế nào về mục tiêu 6GW đến năm 2030 trong Quy hoạch Điện VIII, thưa ông?

TS. Dư Văn Toán: Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển 6GW ĐGNK, chia đều ở hai vùng biển Bắc Bộ và Nam Bộ. Ngoài ra, ưu tiên phát triển các nguồn ĐGNK nhằm phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán vào điện lưới quốc gia (ví dụ để phục vụ sản xuất hydro, amoniac xanh, hóa chất...).

Trước đó, Quy hoạch Điện VII bổ sung đã đưa vào hơn 7GW điện gió trên biển. Thời điểm đó, chúng ta vẫn chưa tách biệt khái niệm điện gió trên bờ, gần bờ, trên biển.

Thực tế hiện nay, nếu tính chung cả các dự án điện gió gần bờ, cả nước đã có khoảng 21 dự án điện gió trên biển đã được nối lưới. Lớn nhất là các dự án tại tỉnh Bạc Liêu với tổng công suất khoảng 400MW, tiếp đó là tỉnh Trà Vinh khoảng gần 300MW, còn lại là các dự án thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Như vậy, tạm tính điện gió trên biển thì Việt Nam đã có hơn 1GW nối lưới điện quốc gia.

Điện gió ngoài khơi: Nguồn năng lượng của tương lai - Cần sàng lọc các dự án điện gió ngoài khơi... - Ảnh 2
Phương án phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam theo Quy hoạch Điện VIII (Nguồn. EVN)

Theo tôi, có lẽ cần hợp nhất hai quy hoạch lại với nhau để đưa ra con số chính thức cho quy hoạch các dự án điện gió của Việt Nam đến năm 2030. Nếu xét cả các dự án theo Quy hoạch Điện VII bổ sung và chờ nối lưới hiện nay thì mục tiêu 6GW không khó để đạt được.

PV: Vậy là khái niệm ĐGNK hiện nay vẫn chưa được thống nhất, thưa ông?

TS. Dư Văn Toán: Đúng vậy. Đến thời điểm hiện tại, cả Quy hoạch Điện VIII và các nghiên cứu đều chưa nêu rõ khái niệm ĐGNK như thế nào. Cách xác định theo khu vực Trung ương quản lý ngoài 6 hải lý và trong phạm vi 6 hải lý do địa phương quản lý; hay là theo độ sâu 10m - 20m? Nếu không làm rõ được vấn đề này thì sẽ tạo vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp khi đầu tư dự án điện gió vì không rõ đơn vị cấp phép khảo sát, triển khai dự án; cũng như định hướng phát triển điện gió cho địa phương, công nghệ móng trụ gió.

Hiện nay, mới chỉ có 2 dự án được cấp phép đo gió và khảo sát tổng hợp; trong khi còn 41 dự án khác đã có đơn xin cấp phép khảo sát.

PV: Thưa ông, ông có thể lý giải vì sao giai đoạn từ năm 2030 - 2050, mục tiêu công suất ĐGNK của Việt Nam có thể tăng vọt gấp tới 15 lần so với giai đoạn trước?

TS. Dư Văn Toán: Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu quốc tế, tới năm 2050, ĐGNK sẽ đóng góp khoảng 39% công suất cho ngành điện toàn cầu. Với Quy hoạch Điện VIII, Việt Nam kỳ vọng ĐGNK xấp xỉ 90GW, tương ứng 14,3 - 16% tổng công suất các nhà máy điện. Điều này phù hợp với xu hướng thế giới.

Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài khá quan tâm đến lĩnh vực ĐGNK tại Việt Nam và sẵn sàng đầu tư. Theo tôi biết, trong hồ sơ Quy hoạch Điện VIII, rất nhiều nhà đầu tư đã đăng ký xây dựng dự án ĐGNK tại Việt Nam, cụ thể là 96 dự án với tổng công suất gần 160GW, gấp đôi mục tiêu trong Quy hoạch Điện VIII.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra, nếu tổng công suất ĐGNK cung cấp đến 2050 có thể đạt 70GW thì Việt Nam sẽ đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Nhật Bản về công suất vận hành, thậm chí có thể vượt Nhật Bản nếu đạt mốc 90GW để chiếm vị trí thứ 2 sau Trung Quốc.

Vấn đề là cần phải có chính sách tận dụng tiến bộ công nghệ, giảm giá thành đầu tư ĐGNK nói riêng và các loại hình năng lượng tái tạo tại Việt Nam nói chung. Trên thế giới, giá thành đầu tư ĐGNK trung bình toàn cầu giai đoạn 2010 - 2020 đã giảm đến 70% (từ 255 USD/MWh xuống còn 83 USD/MW). Từ 2020 - 2030 dự báo sẽ giảm thêm 30% nữa, xuống còn 58 USD/MW. Có thể thấy, giá sẽ rơi tương đối nhanh trong 5 năm nữa.

Ở bất kì nước nào, giai đoạn đầu tư ban đầu sẽ đắt nhất và cần có tầm nhìn trong dài hạn. Nếu Việt Nam đi đúng lộ trình quy hoạch điện, cùng với cam kết đầu tư của các đối tác quốc tế và nỗ lực thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Chính phủ, giá thành có thể hạ sau khoảng 4 - 5 năm triển khai. Khi đó, chúng ta đã có chuỗi cung ứng, cơ sở sản xuất nội địa hóa từ cột trụ đến lắp đặt, bảo dưỡng, tàu bè, đơn vị cung ứng dịch vụ dự báo... rất cạnh tranh với điện từ năng lượng hóa thạch.

Dù dự báo có sai số nhưng chuyển dịch năng lượng là xu thế tất yếu, và năng lượng tái tạo, trong đó có ĐGNK chắc chắn sẽ đóng góp phần lớn trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

PV: Thưa ông, quy hoạch không gian biển Quốc gia hiện nay vẫn chưa được phê duyệt. Ông có khuyến nghị như thế nào cho các địa phương, cơ quan quản lý trong việc xử lý các hồ sơ xin cấp phép điều tra nghiên cứu khảo sát để xây dựng các dự án ĐGNK?

TS. Dư Văn Toán: Quy hoạch không gian biển là quy hoạch đa ngành cho các ngành kinh tế biển chính. Riêng với năng lượng tái tạo hay ĐGNK thì đang thuộc quy hoạch ngành. Cho đến thời điểm hiện tại, ngành năng lượng gió ngoài khơi nói chung vẫn chưa xác định được không gian biển cần thiết cho mình đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Bộ Công Thương và Bộ TN&MT sẽ cần phối hợp để xác định vấn đề này. Hiện, dự thảo Quy hoạch đã có và sẽ được ban hành trong thời gian tới.

Về vấn đề khảo sát, Bộ TN&MT đã hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP; trong đó, đã bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự thẩm định, ban hành văn bản chấp thuận đo đạc, quan trắc, đánh giá tài nguyên biển. Đáng chú ý, dự thảo Nghị định đã đưa ra nội dung về thu phí khảo sát trong 3 năm và giao thuê biển sản xuất điện gió trong 50 năm.

Các tỉnh hoàn toàn có thể có kế hoạch phát triển, cấp phép trong khuôn khổ không gian mà họ đã được phân cấp, phân quyền quản lý trong phạm vi 6 hải lý. Tuy vậy, cần lưu ý việc đánh giá tác động môi trường và thực thi các quy định pháp lý liên quan đến biển. Việt Nam không còn quá non trẻ về điện gió trên biển mà đã phát triển gần chục năm nay. Nếu có thể tận dụng được các lợi ích song hành với phát triển điện gió như du lịch, đây sẽ là điểm nhấn cho phát triển kinh tế của địa phương trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn đang đọc bài viết Điện gió ngoài khơi: Nguồn năng lượng của tương lai - Cần sàng lọc các dự án điện gió ngoài khơi.... Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới