Chủ nhật, 24/11/2024 02:55 (GMT+7)
Thứ hai, 25/05/2020 10:00 (GMT+7)

Định hướng Chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030

Theo dõi KTMT trên

Ngày 22/5, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tổ chức Hội thảo Đánh giá tình hình thực hiện chiến lược, kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH).

Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực BĐKH của Việt Nam về nghiên cứu đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012 – 2020, đề xuất định hướng cho giai đoạn 2021 – 2030.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam coi biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn. Ngay từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Chiến lực quốc gia về BĐKH, sau đó là Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH năm 2011.

Từ đó tới nay, đất nước có nhiều thay đổi, công tác BĐKH có nhiều tiến triển, bối cảnh thế giới cũng có những diễn biến mới. Đặc biệt, từ năm 2021 trở đi, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển sẽ thực hiện theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris, chuyển từ ứng phó BĐKH “tự nguyện” sang “bắt buộc”, có sự kiểm tra, giám sát quốc tế. Vì vậy, Việt Nam cần xác định những nội dung điều chỉnh, bổ sung vào Chiến lược cho giai đoạn tiếp theo phù hợp với tình hình mới.

Định hướng Chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 - Ảnh 1
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại hội thảo.

Đại diện nhóm tư vấn trình bày về kết quả đánh giá, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho biết, về mục tiêu tổng quát của Chiến lược, Việt Nam đã và đang nỗ lực để xây dựng năng lực chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH của con người và các hệ thống tự nhiên. Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các hành động giảm phát thải KNK, hướng tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, tích cực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất.

Chiến lược đã đề ra 18 mục tiêu/chỉ tiêu cụ thể đến 2015 và 2020. Kết quả rà soát, đánh giá cho thấy, có 9/18 (50%) chỉ tiêu có thể đạt được, 7 chỉ tiêu dự báo không đạt được và 2 chỉ tiêu không có số liệu để đánh giá.

Định hướng Chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 - Ảnh 2
TS Nguyễn Trọng Hiệu góp ý tại Hội thảo.

Có thể nhận định, đến 2020, Việt Nam cơ bản đảm bảo an ninh lương thực và an ninh năng lượng, nhưng phải đối mặt với những thách thức về an ninh nguồn nước, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long.

Nền kinh tế các-bon thấp, tăng trưởng xanh chưa trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển bền vững, nhưng việc giảm nhẹ phát thải KNK và tăng khả năng hấp thụ KNK sẽ là bắt buộc từ năm 2021. Nhận thức về BĐKH đã được nâng cao hơn so với trước, môi trường được coi là nền tảng cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững; ứng phó với BĐKH cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển.

Nhóm tư vấn cũng đánh giá về tình hình thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ và chỉ ra hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế đó. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện, kinh nghiệm quốc tế và bối cảnh quốc tế cũng như trong nước để đề xuất các nhóm giải pháp thúc đẩy thực hiện Chiến lược trong giai đoạn 2021-2030.

Bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu, hợp nhất các chương trình, kế hoạch, đề án về BĐKH giai đoạn 2021-2030, nhóm tư vấn khuyến nghị Bộ TN&MT cần xây dựng và ban hành khung giám sát và đánh giá thực hiện chiến lược giai đoạn 2021-2030. Bộ KHĐT, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược, đưa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào quy hoạch cấp quốc gia, ngành, lĩnh vực, cấp vùng và cấp tỉnh trong giai đoạn 2021-2030.

Định hướng Chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 - Ảnh 3
GS Nguyễn Đức Ngữ góp ý tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, hầu hết các chuyên gia cho rằng bản đánh giá được thực hiện nghiêm túc, công phu, bám sát các nhiệm vụ Chiến lược quốc gia về BĐKH và việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH trong thời gian từ năm 2011 – 2019.

Theo TS Nguyễn Đức Ngữ, trong đánh giá đề cập đến hầu hết các lĩnh vực trọng yếu liên quan đến BĐKH đã được các Bộ, ngành địa phương thực hiện. Tuy vậy, cần bổ sung quy trình thủ tục và các phương pháp đánh giá tình hình thực hiện chiến lược, tài liệu cơ sở dữ liệu thu thập được cho phần đánh giá để nâng cao độ tin cậy.

Nội dung được đánh giá là các nhiệm vụ trong chiến lược và kế hoạch mà chưa đánh giá việc thực hiện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. TS Nhuyễn Đức Ngữ cho rằng cần cải thiện vấn đề này trong bản đánh giá và, xây dựng tiêu chí đánh giá đối với từng hoạt động thực hiện chiến lược; bổ sung nhiệm vụ đánh giá chất lượng và hiệu quả chứ không chỉ khối lượng công việc.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh thì cho rằng, trong bản đánh giá, yếu tố mô tả thực hiện nhiều, trong khi yếu tố đánh giá lại mờ nhạt. Cần sử dụng nhiều bảng biểu, thông tin định lượng và tăng tính phản biện trong phần đánh giá hơn nữa. Cuối mỗi phần nên có nhận xét sắc bén, mang tính tổng kết và chỉ ra vấn đề gay gắt đang nổi lên, hay giải pháp sắp tới đâu là đột phá. Bản thân chiến lược có nội dung quan điểm nào ko thích hợp trong 10 năm qua để thay đổi trong chiến lược mới, trong bản đánh giá chưa chỉ ra được…

Định hướng Chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 - Ảnh 4
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học dự hội thảo và tham vấn cho bản đánh giá chiến lược, kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu.

Góp ý tại Hội thảo, TS Nguyễn Trọng Hiệu lại cho rằng, bản đánh giá cần nói rõ hơn về quy hoạch phát triển nhiệt điện và tác động đến sự gia tăng lượng phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, bản đánh giá mới có phần bài học từ kinh nghiệm quốc tế nhưng chưa có bài học từ thực tế triển khai tại Việt Nam. Theo PGS -TS. Nguyễn Danh Sơn, bản đánh giá hiện đang nghiêng về góc nhìn của nhà quản lý, trong khi sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp, xã hội dân sự, tổ chức chính trị xã hội còn mờ nhạt.

Đại diện tổ chức phi chính phủ GREEN ID, bà Ngụy Thị Khanh đưa ra ý kiến, bản đánh giá cần đưa vào yếu tố tác động từ sự phát triển khoa học công nghệ và những cơ hội cho Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể bắt nhịp với thế giới bằng cách phát triển những mô hình kinh tế mới, như mô hình kinh tế tuần hoàn

Tiếp thu các ý kiến tại hội thảo, Cục Biến đổi khí hậu cùng nhóm tư vấn sẽ tiếp tục hoàn thiện bản báo cáo, dự kiến đến hết tháng 6/2020.

Khánh Ly

Bạn đang đọc bài viết Định hướng Chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới