Chủ nhật, 24/11/2024 06:21 (GMT+7)
Thứ năm, 30/05/2024 19:49 (GMT+7)

Doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến nhập khẩu 30 tấn vải thiều Việt Nam trong năm 2024

Theo dõi KTMT trên

Ngày 30/5, Đoàn khảo sát thuộc Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đến thăm, đánh giá vùng vải thiều xuất khẩu tại Thanh Hà (Hải Dương). Dự kiến trong năm nay, doanh nghiệp này sẽ nhập khẩu khoảng 30 tấn vải thiều Việt Nam, tăng 120% so với năm 2023.

Đoàn khảo sát của Công ty Aeon Global Merchandising thuộc Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã thăm vườn vải thuộc Tổ sản xuất số 10, Hợp tác xã Thanh Sơn, trực tiếp hái và thưởng thức những trái vải chín tươi ngon tại vườn. Ông Naoki Matsuda, chuyên viên phụ trách thu mua nông sản tươi của Công ty Aeon Global Merchandising cho biết: "Đây là lần thứ hai chúng tôi về thăm vùng vải thiều Thanh Hà. Vải rất ngon. Chúng tôi rất hài lòng về chất lượng vải và hài lòng vì quy trình trồng, chăm sóc được tiến hành đúng theo tiêu chuẩn Global GAP".

Doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến nhập khẩu 30 tấn vải thiều Việt Nam trong năm 2024 - Ảnh 1
Chuyên gia từ Công ty Aeon global Merchandising (Nhật Bản) thăm, khảo sát vườn trồng vải xuất khẩu tại Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Ảnh: TTXVN

Tập đoàn Aeon đã nhập khẩu trái vải Thanh Hà được 5 năm và bày bán quả vải tại hệ thống siêu thị Aeon ở Nhật Bản. Theo chia sẻ của ông Naoki Matsuda, người tiêu dùng Nhật Bản thưởng thức trái vải Thanh Hà đều đánh giá là rất ngon. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân nước này chưa biết đến quả vải của Việt Nam. Vì vậy, thông qua hệ thống siêu thị Aeon, doanh nghiệp này định hướng vừa bán hàng, vừa tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá để người dân Nhật Bản biết đến quả vải nhiều hơn.

Trong quá trình thăm và đánh giá vườn vải, đoàn khảo sát đã trò chuyện với nông dân địa phương, tìm hiểu về quy trình chăm sóc, nắm bắt sản lượng và thời vụ thu hoạch của vải thiều năm nay.

Năm 2024, Công ty Aeon Global Merchandising dự kiến nhập khẩu khoảng 30 tấn vải thiều Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, tăng 120% so với năm 2023. Đại diện công ty cho biết đây là con số chưa lớn, vì vậy doanh nghiệp này định hướng trong những năm tới sẽ tăng sản lượng vải nhập vào thị trường Nhật Bản qua hệ thống Aeon. Để làm được điều này, phía doanh nghiệp mong muốn người sản xuất tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn của Global GAP, kiểm soát chặt chẽ theo yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Các cơ quan, ban ngành nghiên cứu, cải tiến các giống vải để đa dạng hơn, có thể lai tạo, thử nghiệm những giống vải có sức chống chịu với thời tiết khắc nghiệt hơn hoặc có hạt nhỏ, không hạt.

Đối với cơ hội tăng sản lượng vải nhập khẩu sang Nhật Bản, bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Thanh Hà cho biết, huyện sẽ chỉ đạo quá trình trồng, chăm sóc vải để các vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu đảm bảo chất lượng tốt nhất, đáp ứng tốt những kế hoạch tăng sản lượng nhập khẩu vải từ phía doanh nghiệp Aeon trong những năm tiếp theo.

Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ (đơn vị thu mua, xuất khẩu vải thiều Hải Dương) cho biết: Năm nay, sản lượng vải do công ty thu mua, đóng gói và xuất sang thị trường Nhật Bản ước tăng 30 - 40%. Hiện tại, công ty đã sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất sơ chế, đóng gói để đảm bảo được sự tăng trưởng lượng đơn hàng từ phía đối tác Nhật Bản. Từ đầu vụ đến nay, doanh nghiệp này đã xuất khẩu được khoảng 50 tấn vải sang các thị trường châu Âu, Australia, Mỹ, Canada.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, tỉnh này hiện có 198 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu, riêng huyện Thanh Hà có 167 mã số vùng trồng. Đến thời điểm này, tất cả các vùng trồng vải để phục vụ xuất khẩu tại Thanh Hà đều được kiểm soát đủ tiêu chuẩn thu mua, xuất khẩu sang các thị trường "khó tính".

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến nhập khẩu 30 tấn vải thiều Việt Nam trong năm 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Malaysia tăng trưởng cao
Trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu từ Việt Nam sang Malaysia đạt 3,81 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo đạt mức tăng trưởng tới 131,2%, vượt lên trên cả điện thoại các loại và linh kiện…

Tin mới