Đón năm Rồng, kỳ vọng Việt Nam bay cao, bay xa!
Vị thế của Việt Nam chúng ta đang là điểm đến an toàn, đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế.
Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp, đất nước sẽ tiếp tục có những bước chuyển mình nhanh hơn, uyển chuyển hơn, hiệu quả hơn trên con đường đi tới hùng cường, thịnh vượng, người dân được ấm no, hạnh phúc hơn.
Từ sau Đại hội XIII của Đảng, hơn 40 chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các nước lớn, các nước đối tác chiến lược, hầu hết các nước ASEAN, nhiều đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống; đồng thời nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế lớn thăm, hội đàm đã vẽ lên một bức tranh rất đẹp, rất sinh động và có sức hấp dẫn cao tạo nên một vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế, được dư luận trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại diễn ra hết sức sôi động, liên tục và là điểm sáng nổi bật của năm 2023; việc tổ chức đón lãnh đạo của các cường quốc kinh tế tới thăm và làm việc như: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden. Lãnh đạo các nước anh em, láng giềng như: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thoong-lun Xỉ-xu-lít, Chủ tịch Đảng Nhân dân Cam-pu-chia Hun Sen và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước quan trọng khác đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”. Đến nay, nước ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.
Từ năm 2021 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, thương mại thế giới, kinh tế nước ta vẫn là một điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng màu của kinh tế toàn cầu; kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02% và năm 2023 đạt trên 5%, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; lần đầu tiên GDP của nước ta vượt 400 tỉ USD, đứng thứ 3 trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 ngày 19/12/2023: Cần phải tiếp tục bám sát Nghị quyết của Đại hội XIII và các nghị quyết của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chương trình hành động của Chính phủ, xây dựng và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chương trình, kế hoạch cụ thể của từng cơ quan, đơn vị một cách đồng bộ, khoa học, bài bản, thống nhất, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị theo đúng tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt"!
Trong gần 40 năm đổi mới, Đảng ta đã kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, phát triển trên nền tảng lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam". Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Bởi cây tre Việt Nam luôn gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Thời gian qua một số quốc gia chỉ tập trung khai thác tài nguyên thiên nhiên nhưng thiếu sự quan tâm đến hiệu quả khai thác đã giúp các nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn dài. Tuy nhiên, điều này đã và đang gây ra những tổn hại lớn cho môi trường, như ô nhiễm không khí, nguồn nước, đại dương; suy thoái đất; mất rừng; suy giảm tầng sinh học; gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2, SO2, CH4… đặc biệt là tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Trước bối cảnh đó, kinh tế xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường. Không nằm ngoài xu thế đó, Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xanh. Từ đó, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác triển khai, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững một cách toàn diện, vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái trong giai đoạn mới.
Để cụ thể hóa và hiện thực vấn đề này, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Bảo vệ Môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 để Luật đi vào cuộc sống. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ chính sự sống của chúng ta. Cao hơn nữa đó cũng chính là trách nhiệm của nhân dân tiến bộ toàn cầu cùng nhau bảo vệ Mẹ Thiên nhiên, bảo vệ Mẹ Trái đất - nơi duy nhất tồn tại sự sống.
Cũng trong những ngày cuối năm 2023, Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là có nhiều biến đổi và bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Cùng với các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ ban, ngành về vấn đề môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Có thể thấy đây là những cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thực thi vấn đề môi trường tốt hơn trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Để nước ta thực hiện tốt, có hiệu quả các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Vui mừng với những kết quả đã đạt được, nhưng chúng ta "tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn, không say sưa với thành tích, thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế", bởi tình hình kinh tế đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bởi bức tranh kinh tế đất nước năm 2023 vẫn còn không ít những gam màu trầm.
Dù vẫn còn bộn bề khó khăn phía trước, nhưng chúng ta có niềm tin rằng biểu tượng Rồng vàng Việt Nam sẽ tiếp tục tiến nhanh, bền vững trong hành trình đi tới phồn vinh, hạnh phúc. Chúng ta có quyền hy vọng và kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng cho cả dân tộc, người dân ấm no, hạnh phúc hơn trong năm 2024 – Giáp Thìn.
Văn Dân (ghi)