Chủ nhật, 24/11/2024 06:08 (GMT+7)
Thứ bảy, 03/12/2022 20:36 (GMT+7)

Đột phá trong phát triển vùng đồng bằng sông Hồng

Theo dõi KTMT trên

Việc ban hành Nghị quyết mới nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong công cuộc đổi mới và phát triển toàn diện, bền vững Vùng Đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn phát triển mới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước.

Vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và là một trong 4 vùng động lực phát triển kinh tế gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được phân thành 2 tiểu vùng là: Tiểu vùng Bắc Đồng bằng sông Hồng gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; Tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng gồm 4 tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị là sản phẩm kết tinh từ trí tuệ tập thể, là kết quả tổng hợp từ các Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của 11 địa phương trong vùng và 20 bộ, ngành. Có thể nói, Nghị quyết số 30-NQ/TW rất toàn diện, định hướng phát triển vùng thời gian tới với những giải pháp trọng tâm, đột phá.

Đột phá trong phát triển vùng đồng bằng sông Hồng - Ảnh 1

Vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội… (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, đặt phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng trong Chiến lược phát triển chung của cả nước. Phát triển vùng phải phù hợp với các Chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực lớn của cả nước và thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia. Nghị quyết đòi hỏi các ngành, các cấp cần nhận thức đúng đắn hơn về vị trí, tầm quan trọng của vùng và liên kết phát triển vùng; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá; nghiên cứu, xây dựng thể chế điều phối đủ mạnh với quyết tâm chính trị cao để bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng, nhất là quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý môi trường liên tỉnh, phát triển các cụm liên kết ngành.

Thứ hai, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) với các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn...

Phát triển nhanh, bền vững vùng với cơ cấu kinh tế hiện đại để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước dựa vào 3 động lực chính là: Tập trung đầu tư để vùng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước; Phát triển hệ thống đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm của cả nước trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

Thứ ba, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là đất đai và nguồn nhân lực; hình thành một số khu vực đóng vai trò các cực tăng trưởng. Khai thác tốt nhất các thế mạnh về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử. Thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, ít phát thải khí nhà kính, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Thứ tư, phát triển văn hóa làm nền tảng và là sức mạnh nội sinh quan trọng, hướng tới chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức sáng tạo, tinh thần cống hiến, khát vọng phát triển phồn vinh. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch; gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa và không gian, kiến trúc văn hóa vùng đồng bằng Bắc bộ; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới.

Thứ năm, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tăng cường phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, môi trường và tổ chức bộ máy gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Là vùng đất màu mỡ và giàu tiềm năng phát triển, có truyền thống lịch sử văn hiến, cách mạng, anh hùng, Vùng Đồng bằng sông Hồng có nền văn hóa lâu đời, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể quý giá. Đồng thời, đây cũng là trung tâm hàng đầu về y tế, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ với đội ngũ trí thức giỏi và đông đảo lực lượng lao động có chất lượng cao; là cái nôi đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu có uy tín.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Đột phá trong phát triển vùng đồng bằng sông Hồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới