Dư âm thiệt hại ở Tonga sau thảm họa kép
Vụ núi lửa phun trào ở Tonga có sức công phá bằng 500 lần quả bom hạt nhân vào giữa tháng 1 vừa qua đã làm hư hại nghiêm trọng hệ thống cáp ngầm dưới biển, khiến Internet đến nay vẫn chưa được khôi phục.
Giám đốc điều hành công ty sửa chữa cáp Tonga Cable Limited, ông James Panuve cho biết một tàu sửa cáp đã xác định được các đầu mối bị đứt trong đường dây cáp dài 840km nối giữa Tonga và Fiji.
Đáng lo ngại, tàu phát hiện một đoạn cáp dài khoảng 80km bị đứt thành nhiều đoạn. Ông Panuve cho rằng đây là hậu quả từ vụ núi lửa phun trào gây ra những đợt sóng xung kích và sóng thần vùi dập đáy biển với sức công phá tương đương một quả bom hạt nhân.
Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào ngày 15/1 vừa qua đã gây sóng thần trên diện rộng, khiến Tonga bị tro bụi độc hại bao phủ và làm ba người thiệt mạng. Hiện công tác cứu trợ nhân đạo trên quốc đảo có khoảng 100.000 dân này đang gặp nhiều khó khăn do giao thông liên lạc bị gián đoạn. Về công tác khôi phục đường dây cáp, ông Panuve cho biết tàu sửa chữa Reliance đang tìm cách khôi phục các đoạn cáp bị đứt ở vùng đáy biển sâu 2,5km và các đoạn cáp trôi dạt tại các khu vực khác. Một đoạn cáp dài 55km vẫn đang thất lạc dưới đáy biển và tàu Reliance đang tìm kiếm đoạn cáp này với hy vọng vẫn sử dụng được.
Bất chấp những khó khăn, ông Panuve vẫn lạc quan Tonga Cable có thể đạt mục tiêu hoàn thành việc sửa chữa đường dây cáp này vào ngày 20/2, đồng thời cho biết công ty đang triển khai một hệ thống mini khắc phục kết nối 80km cáp bị đứt.
Trước đó, Quốc tế tích cực viện trợ Tonga sau thảm họa núi lửa và sóng thần. Trên đảo Mango, toàn bộ nhà cửa đã bị phá hủy hoàn toàn trong khi trên đảo Fonoifua chỉ còn lại 2 ngôi nhà còn đảo Namuka cũng chịu mức độ tàn phá trên quy mô lớn. Chính phủ Tonga cho biết hoạt động sơ tán người dân trên các đảo Atata, Mango và Fonoifua đã được thực hiện sau khi núi lửa phun trào. Ngày 20/1, các chuyến bay đầu tiên từ Australia và New Zealand đã hạ cánh xuống Tonga mang theo nguồn cung cấp nước sạch, cũng như các thiết bị liên lạc và máy phát điện.
Chuyến bay viện trợ thứ hai của Australia dự kiến cũng sẽ đến Tonga trong cùng ngày.
Ngoài ra, một tàu của New Zealand chở 250.000 lít nước và có thể sản xuất 70.000 lít mỗi ngày thông qua một nhà máy khử muối, dự kiến sẽ đến Tonga vào ngày 22/1.
Trước đó, phát biểu họp báo, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết Tonga đã yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp và cơ quan này đang liên hệ chặt chẽ với các nhà chức trách nước này. Các nhóm đánh giá thiệt hại đã được triển khai tới hầu khắp các khu vực của Tonga, bao gồm cả những hòn đảo xa xôi và hẻo lánh.
Liên Hợp Quốc đặc biệt quan ngại về khả năng tiếp cận nguồn nước an toàn cho 50.000 người trên khắp đất nước. Ông Dujarric cho biết chất lượng nước vẫn đang được kiểm chứng và hầu hết mọi người đang dựa vào nước đóng chai.
Chính phủ Tonga xác nhận 3 người thiệt mạng và nhiều nhà cửa bị phá hủy sau vụ núi lửa phun trào gây ra sóng thần ở nước này. Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính vụ phun trào núi lửa ở Tonga có sức công phá lớn gấp 500 lần quả bom hạt nhân Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai.
Khoảng 60.000 người đã bị ảnh hưởng do các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt bị thiệt hại vì tro bụi, xâm nhập mặn và nguy cơ xảy ra mưa axit. Ngoài ra còn có các báo cáo về tình trạng thiếu nhiên liệu. Ngoài khắc phục hậu quả của thảm họa núi lửa và sóng thần, Tonga đang phải ứng phó với dịch Covid-19. Quốc đảo Thái Bình Dương này trong ngày 15/2 ghi nhận 139 ca nhiễm mới. Hiện quốc tế vẫn tiếp tục gửi hàng cứu trợ tới Tonga.
Nguyễn Linh (T/h)