Dù là ngày lễ, Tết chúng tôi sẵn sàng lên đường tác nghiệp
Không như những mảng đề tài khác, phóng viên viết về môi trường không chỉ đòi hỏi phải có kiến thức khoa học, pháp luật mà còn không được ngại khó, ngại khổ khi đeo bám đề tài. Kể cả các dịp lễ, Tết chúng tôi sẵn sàng lên đường tác nghiệp.
Được dân tin, dân mến
Vào tháng 6/2022, Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận được thông tin phản ánh của người dân xóm nhỏ thuộc xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về tình trạng ô nhiễm môi trường từ các mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng.
Sau khi xem xét, Ban Biên tập đã cử nhóm phóng viên về địa phương tìm hiểu thông tin và liên hệ với các cơ quan chức năng để làm rõ nội dung người dân phản ánh.
Phóng viên về gặp gỡ người dân, trên con đường vào xóm Om Ngái gồ ghề ổ voi, ổ gà, từng mảng bụi phủ trắng xóa xóm nhỏ, trong từng ngôi nhà từ bàn ghế, quần áo đến các vật dụng dù che đậy cỡ nào cũng không tránh được bụi cho dù cửa nhà lúc nào cũng phải đóng kín mít. Cực chẳng đã người dân đã phải nhiều lần dùng cây cối, đá học chặn đường vào khu khai thác mỏ.
Bình thường cứ tầm giữa trưa các mỏ đá đồng loạt nổ mìn, thế nhưng khi biết có phóng viên về các mỏ đá dường như nằm im không hoạt động, Bà Bạch Thị Dậu (50 tuổi), người dân tộc Mường, xóm Om Ngái nói như khóc: Biết các anh về, các mỏ dừng hoạt động. Giá như các anh ngày nào cũng ở đây thì người dân chúng tôi đỡ khổ, các anh nhà báo ơi cứu người dân chúng tôi với!
Lời người dân xóm Om Ngái đã thôi thúc phóng viên đi đến cùng sự việc. Để tránh bị phát hiện phóng viên phải giả làm người thu mua nông sản để có thể ghi nhận được tiếng nổ mìn, cảnh xe trọng tải lớn ra vào khu mỏ. Sau nhiều ngày, cuối cùng thì cũng ghi nhận được cảnh nổ mìn, từng đoàn xe trọng tải lớn ra vào khu mỏ, tàn phá con đường.
Bài viết được đăng tải, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các sở ngành phối hợp với Tạp chí Kinh tế Môi trường để làm rõ những nội dung cơ quan báo chí phản ánh. Có những mỏ đá đã bị cơ quan thẩm quyền tỉnh Hòa Bình xử phạt hàng trăm triệu đồng do vi phạm pháp luật về môi trường.
Tin vui nhất là mới đây người dân xóm Om Ngái đã được địa phương hỗ trợ kinh phí về môi trường, xem xét hỗ trợ từng gia đình việc nổ mìn làm lún nứt nhà dân, cùng hàng loạt các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường khác.
Không ngại khó, ngại khổ
Có lần phóng viên thâm nhập vào khu trang trại nuôi lợn ở xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội. Dọc trên con đường ra khu chăn nuôi tập trung là hàng loạt các trang trại lợn (hơn 20 trang trại). Nước thải từ khu chăn nuôi không được xử lý xả thẳng ra môi trường, cho dù đeo 2 lần khẩu trang vẫn không thể chịu nổi, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, trước sự buông lỏng của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Khó khăn nhất là khi đeo bám các đề tài về đổ trộm rác thải, các đối tượng vi phạm thường chọn đêm khuya, ở những khu vực heo hút, ít người qua lại. Phóng viên phải theo dõi từ nguồn phát thải, bám theo xe hàng chục cây số, chỉ cần sơ sẩy để đối tượng phát hiện sẽ mất dấu hoặc có thể bị các đối tượng manh động sẵn sàng dùng bạo lực, đe dọa.
Không ngại khó, ngại khổ mà khi viết về đề tài môi trường, phóng viên cần trang bị, trau dồi kiến thức khoa học, pháp luật bởi cho dù phát hiện được hành vi vi phạm pháp luật nhưng nếu không phân biệt được rác nguy hại, rác thải sinh hoạt hay các quy chuẩn về việc xả thải thì rất khó khi làm việc với các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương.
Trên thực tế khi tiếp nhận thông tin hầu hết chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đều phối hợp tốt với cơ quan báo chí nhằm xử lý kịp thời. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số đơn vị, chính quyền địa phương có tư tưởng né tránh, không phối hợp. Vì vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường tồn tại, kéo dài, khó xử lý, gây bất bình dư luận.
Cho dù viết về môi trường là một mảng đề tài khó nhưng nếu chúng ta thật sự có nhiệt huyết, không ngại khó khăn, gian khổ, thì nhất định chúng ta sẽ góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc bảo vệ môi trường sống không chỉ cho hôm nay, ngày mai và cả tương lai mai sau.
Cũng như lời thầy Thích Huyền Diệu, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới tại Lumbini – Nepal trong buổi trò chuyện với Trung ương Hội Kinh tế Môi trường (tháng 9/2022): Biến đổi khí hậu toàn cầu, những hiểm họa về môi trường, vấn nạn nghèo đói… mà nhân loại đang phải đối mặt chính là hậu quả của tư duy và hành động của con người đối với thế giới tự nhiên. Để bảo vệ môi trường trong điều kiện sống hiện nay, cần phải nghiêm túc đưa giáo dục về môi trường vào cuộc sống, định hướng “sống thiện” với tự nhiên. Thầy Thích Huyền Diệu cũng đã từng viết bức thư kêu gọi bảo vệ môi sinh từ đất Phật Đạo Tràng Ấn Độ, để cứu Mẹ Trái đất, gìn giữ môi sinh cho muôn đời sau.
Năm tới với nhiều chính sách mới của Nhà nước về công tác môi trường có hiệu lực, được đưa vào cuộc sống. Cùng với việc vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và nhất là cơ quan báo chí, chúng ta có quyền hy vọng về một Việt Nam phát triển song hành với nhiệm vụ bảo vệ môi trường như một mùa xuân mới đang về.
Kiên Giang