EU kêu gọi xem xét tác động của cơ chế khí hậu mới đối với các nước đang phát triển
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) có hiệu lực vào năm 2023 như một phần của các biện pháp mới nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2), bao gồm thuế đánh vào các mặt hàng nhập khẩu như dầu, than và khí đốt.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) có hiệu lực vào năm 2023 như một phần của các biện pháp mới nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2), bao gồm thuế đánh vào các mặt hàng nhập khẩu như dầu, than và khí đốt.
Song song với thông báo của EU, UNCTAD đã công bố một báo cáo xem xét các tác động tiềm tàng đối với các quốc gia cả trong và ngoài khối khu vực. “Các cân nhắc về khí hậu và môi trường được đặt lên hàng đầu trong các mối quan tâm về chính sách, và thương mại không thể là ngoại lệ. CBAM là một trong những lựa chọn này, nhưng tác động của nó đối với các nước đang phát triển cũng cần được xem xét”, Isabelle Durant, Quyền Tổng Thư ký UNCTAD cho biết.
Cắt giảm “rò rỉ carbon”
Báo cáo khẳng định, CBAM sẽ giúp giảm “rò rỉ carbon”, một thuật ngữ đề cập đến việc chuyển giao sản xuất sang các khu vực pháp lý với những ràng buộc lỏng lẻo hơn về lượng khí thải. Tuy nhiên, giá trị của nó trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu còn hạn chế, vì cơ chế này sẽ chỉ cắt giảm 0,1% lượng khí thải CO2 toàn cầu.
UNCTAD cho biết, mặc dù, cơ chế này tìm cách tránh rò rỉ sản xuất và phát thải CO2 cho các đối tác thương mại của EU với các mục tiêu phát thải ít nghiêm ngặt hơn, nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ bằng cách nào nó có thể hỗ trợ quá trình khử carbon ở các nước đang phát triển.
“Việc giảm lượng khí thải này một cách hiệu quả sẽ đòi hỏi các quy trình sản xuất và vận chuyển hiệu quả hơn”, báo cáo nhấn mạnh.
Hỗ trợ sản xuất xanh
UNCTAD cũng giải quyết những lo ngại của các đối tác thương mại EU, những người cho rằng, CBAM sẽ cắt giảm đáng kể xuất khẩu trong các lĩnh vực sử dụng nhiều carbon như xi măng, thép và nhôm. Cơ quan này cho biết, những thay đổi có thể không quá mạnh mẽ như một số lo ngại.
Xuất khẩu của các nước đang phát triển sẽ giảm 1,4% nếu kế hoạch được thực hiện với mức thuế 44 USD/tấn khí thải CO2 và 2,4% ở mức 88 USD/tấn. Các tác động sẽ khác biệt rõ rệt theo từng quốc gia, tùy thuộc vào cơ cấu xuất khẩu và cường độ sản xuất carbon của họ. Theo báo cáo, với mức giá 44 USD/tấn, các nước phát triển sẽ thấy thu nhập của họ tăng 1,5 tỉ USD, trong khi thu nhập ở các nước đang phát triển sẽ giảm 5,9 tỉ USD.
UNCTAD khuyến khích EU xem xét sử dụng một phần doanh thu do CBAM tạo ra để thúc đẩy các công nghệ sản xuất sạch hơn ở các nước đang phát triển. Quyền Tổng Thư ký UNCTAD, bà Isabelle Durant cho biết, điều này sẽ giúp “xanh hóa” nền kinh tế và thúc đẩy hệ thống thương mại toàn diện hơn.
Mai Đan
Theo Báo TN&MT