EU tranh cãi về mục tiêu phát thải trong đàm phán về biến đổi khí hậu
Tại cuộc đàm phán, các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia tranh luận về mục tiêu mới của EU là giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 1990, thay vì mục tiêu 40% đã được thống nhất vào tháng trước.
Các quan chức của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, một cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU có thể kết thúc mà không thống nhất được giải pháp để đạt được mục tiêu mới của khối về việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do những khác biệt trong việc sửa đổi chính sách khí hậu sắp tới.
Các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia tranh luận về mục tiêu mới của EU là giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 1990, thay vì mục tiêu 40% đã được thống nhất vào tháng trước.
Các nhà lãnh đạo cũng trao đổi về những lĩnh vực và quốc gia nên chịu trách nhiệm lớn nhất. Đồng thời, chỉ ra những thay đổi chính sách để đạt được mục tiêu, trước khi Ủy ban Châu Âu (EC) công bố một gói chính sách khí hậu lớn vào tháng 7/2021.
Các quan chức của 4 quốc gia thuộc EU cho biết có thể cuộc họp sẽ không đưa ra kết luận về biến đổi khí hậu nếu một số quốc gia cố gắng đưa ra các yêu cầu cụ thể làm hạn chế những đề xuất của EC vào tháng 7. Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa cho biết, các nhà lãnh đạo sẽ đưa ra “cái nhìn tổng quan" về cách loại bỏ lượng khí thải tổng thể của EU vào năm 2050.
Một số nước thuộc EU muốn EC thực hiện những thay đổi chính sách cụ thể - chẳng hạn, tăng quy mô của quỹ EU nhằm hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn đầu tư vào năng lượng sạch. Dự thảo kết luận của hội nghị thượng đỉnh được Reuters phát hiện lại không bao gồm điều này. Tuy vậy, các nước trên đã yêu cầu EC duy trì hệ thống hiện tại của EU để đặt ra các mục tiêu cắt giảm khí thải của các nước.
EU đặt ra các mục tiêu quốc gia để hạn chế phát thải trong các lĩnh vực như giao thông và xây dựng, những lĩnh vực không thuộc thị trường carbon của EU. EU cho rằng, cần cải thiện các mục tiêu này để phù hợp với mục tiêu khí hậu mới của EU. Các mục tiêu chủ yếu dựa trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của một quốc gia, có nghĩa là các quốc gia nghèo hơn phải đối mặt với các mục tiêu yếu hơn các quốc gia giàu hơn.
Mai Đan