Giá heo hơi hôm nay 30/4: Giá đi xuống ở nhiều địa phương
Giá heo hơi hôm nay ngày 30/4 có xu hướng giảm ở một số tỉnh thành. Trong đó, khu vực miền Nam dần mất mốc 75.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 30/4
Giá heo hơi ngày 30/4/2025 tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trên cả nước, phản ánh sự điều chỉnh của thị trường trong kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5.
Miền Bắc: Giá heo hơi giảm 1.000 đồng/kg tại một số địa phương. Tại Tuyên Quang, Ninh Bình và Hà Nam giá giảm còn 66.000 đồng/kg; Bắc Giang ghi nhận mức giảm về 67.000 đồng/kg. Bình quân, giá trung bình thu mua của thị trường miền Bắc là 67.000 đồng/kg.
Miền Trung – Tây Nguyên: Thị trường tương đối ổn định, duy nhất Lâm Đồng ghi nhận giảm một giá, về mức 74.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại dao động từ 67.000 – 75.000 đồng/kg, với mức 75.000 đồng/kg xuất hiện tại Bình Thuận.
Miền Nam: Giá heo hơi giảm nhẹ một giá tại nhiều địa phương như Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang và Trà Vinh, về mức 74.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại dao động từ 74.000 – 76.000 đồng/kg.
Theo dự báo, giá heo hơi tại nhiều địa phương sẽ tiếp tục hạ trong ngày 30/4 do thị trường vẫn đang có xu hướng đi xuống.Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng đã đạt đỉnh trước kỳ nghỉ lễ, dẫn đến lực mua giảm.

Sản lượng heo hơi xuất chuống của Hà Nội tăng cao
Tính đến quý I/2025, ngành chăn nuôi tại Hà Nội tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, với tổng đàn lợn đạt khoảng 1,25 triệu con.Mặc dù giảm 1,77% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng lợn hơi xuất chuồng vẫn tăng 2,95%, đạt 66.100 tấn, cho thấy hiệu quả trong công tác tái cơ cấu và áp dụng công nghệ vào chăn nuôi.

Thành phố đã hình thành 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm với hơn 219.000 con, chiếm 15,3% tổng đàn.Ngoài ra, có 1.086 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, chiếm 36,5% tổng đàn lợn toàn thành phố, góp phần nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn sinh học.
Để phát triển bền vững, Hà Nội tập trung vào việc xây dựng các chuỗi sản xuất khép kín, ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, giết mổ và chế biến.Mục tiêu đến năm 2030 là có 70% sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo chuỗi liên kết, hướng tới 80% vào năm 2045 .
Công tác phòng, chống dịch bệnh cũng được chú trọng.Trong năm 2024 và đầu năm 2025, hơn 20 triệu lượt gia súc, gia cầm đã được tiêm phòng vắc xin, giúp kiểm soát tốt dịch bệnh và đảm bảo nguồn cung thực phẩm an toàn cho người dân.
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Hà Nội vẫn đối mặt với thách thức như chi phí sản xuất cao và áp lực từ việc di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp theo Luật Chăn nuôi 2018.Việc bố trí quỹ đất và hỗ trợ người chăn nuôi trong quá trình chuyển đổi là vấn đề cần được quan tâm giải quyết.
Phát biểu tại hội nghị "Phòng chống dịch bệnh và Phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới" nhằm gỡ khó cho ngành chăn nuôi hướng tới phát triển bền vững, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến khẳng định, con giống luôn giữ vai trò quan trọng quyết định hiệu quả chăn nuôi, cũng là một trong những giải pháp để ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương căn cứ vào nhu cầu của người chăn nuôi để quy hoạch, mở rộng các cơ sở sản xuất giống bố, mẹ gắn với chọn lọc, nhân đàn, chủ động sản xuất con giống có năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng khoa học trong phát triển nguồn giống, như thụ tinh nhân tạo, lưu trữ, bảo vệ nguồn gen; bình tuyển, quản lý đàn lợn giống cấp cụ kỵ, ông bà đủ tiêu chuẩn để sản xuất giống phục vụ sản xuất.
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu, vận chuyển con giống không rõ nguồn gốc xuất xứ; khuyến cáo người chăn nuôi mua con giống tại các trang trại, cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn, tránh mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa kiểm soát dịch bệnh.
Các địa phương cần tích cực tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chủ động từ con giống đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới ngành chăn nuôi hướng tới chất lượng và giá trị gia tăng hơn là số lượng, chăn nuôi lợn Việt Nam nói riêng và chăn nuôi nói chung sẽ phát triển theo hướng chăn nuôi công nghiệp áp dụng chuyển đổi số, năng suất và chất lượng cao, sản lượng lớn.
Đồng thời, các địa phương khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ; xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa nơi dân cư tập trung, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng tránh dịch bệnh; phát triển chăn nuôi các giống bản địa, đặc sản có giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi; làm chủ công nghệ sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y, chế biến; nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Quỳnh An