Chủ nhật, 24/11/2024 03:52 (GMT+7)
Thứ sáu, 17/05/2024 07:22 (GMT+7)

Gia Lai - Vùng đất tiềm năng phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững

Theo dõi KTMT trên

Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 371/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Phát triển kinh tế xanh bền vững, giàu bản sắc văn hóa dân tộc
Theo Quyết định 371, vùng Tây Nguyên quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 05 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước... Kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, là các nền tảng quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Bản sắc văn hóa được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; …
Gia Lai - Vùng đất tiềm năng phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững - Ảnh 1
Phát triển kinh tế đêm tại TP Pleiku tạo đòn bẩy cho ngành du lịch.
Trong đó, Gia Lai đang ngày càng phát triển và bám sát với mục tiêu, tầm nhìn mà Quyết định 371 hướng tới. Với 3 trụ cột phát triển là: Nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Toàn tỉnh kỳ vọng sẽ trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao trên quy mô lớn
Gia Lai có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng tốt, quỹ đất canh tác lớn nên rất phù hợp để phát triển nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh đang triển khai các dự án lớn và ưu tiên thu hút đầu tư. Điển hình như dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đak Đoa quy mô 459,04 ha, tổng vốn đầu tư 1.490 tỉ đồng; dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Pleiku với diện tích 100ha, tổng vốn đầu tư 500 tỉ đồng...
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai, tính đến nay tỉnh Gia Lai đã thu hút được 258 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, qua đó đã hình thành nên 18 vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 3.500 ha, tập trung vào các sản phẩm cây trồng có thế mạnh như: bơ, sầu riêng, thanh long, chuối, ớt, hồ tiêu, cà phê, rau, hoa, dược liệu.
Gia Lai - Vùng đất tiềm năng phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững - Ảnh 2
Khu sản xuất của Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai.
Điển hình như Dự án “Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ DHN Gia Lai”, với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng được đầu tư từ Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn. Dự án sẽ ứng dụng công nghệ 4.0 xuyên suốt trong quá trình chăn nuôi. Toàn bộ quy trình chăn nuôi tại dự án được ứng dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Điểm mới trong dự án này là hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống. Hay dự án Doveco Gia Lai, trung tâm chế biến rau quả lớn nhất vùng Tây Nguyên của Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đặt tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.
Phát triển kinh tế đêm, tạo đòn bẩy cho ngành du lịch
Để phát triển kinh tế đêm, TP. Pleiku xây dựng 3 phương án, gồm: di dời chợ rau, củ, quả đường Nguyễn Thiện Thuật đến bãi đậu xe đường Nguyễn Văn Linh (phường Ia Kring); xây dựng phố ẩm thực ban đêm tại chợ rau, củ, quả đường Nguyễn Thiện Thuật; xây dựng chợ đêm tại khu vực suối Hội Phú.
Từ năm 2024 đến 2025, trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai đầu tư, khai thác, kinh doanh hoạt động, dịch vụ phát triển kinh tế đêm tại TP. Pleiku, tỉnh sẽ hình thành các khu vực tương tự tại thị xã An Khê, Ayun Pa và huyện Chư Sê, cũng như một số địa điểm thuận lợi ở các địa phương khác. Sau năm 2025, kinh tế đêm sẽ tiếp tục hình thành tại các huyện còn lại.
Gia Lai - Vùng đất tiềm năng phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững - Ảnh 3
Nhà máy điện gió Dlieyang, thuộc huyện huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.
Kinh tế đêm chính là cách thức gia tăng hoạt động trải nghiệm cho du khách khi đến với Gia Lai. Kinh tế đêm càng được đầu tư sẽ càng kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, khi mô hình này đi vào hoạt động sẽ giúp cho các nét đẹp mang đậm “bản sắc” Tây Nguyên đến gần hơn với du khách như: ẩm thực, diễn tấu cồng chiêng, các gian hàng bày bán sản vật địa phương,…
Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường
Công nghiệp năng lượng tái tạo sẽ trở thành ngành mũi nhọn của toàn tỉnh, giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch trên cả nước. Bên cạnh phát triển thuỷ điện thì tiềm năng điện mặt trời, điện gió cũng đang được phát huy khi nhiều dự án đã đưa vào vận hành, hòa lưới điện quốc gia. Đến nay, tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 88 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 4.362,89 MW.
Gia Lai - Vùng đất tiềm năng phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững - Ảnh 4
Nhà máy điện gió Dlieyang, thuộc huyện huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.
Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết: “Công nghiệp năng lượng tái tạo đang tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với tiềm năng dồi dào, hạ tầng lưới điện truyền tải đảm bảo. Đến nay, Gia Lai đã triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành với tổng công suất 3.101,69 MW. Tổng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo đạt khoảng 12 tỷ kWh/năm cho thấy việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo đã khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển của tỉnh, phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai, tăng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo thêm việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, góp phần tăng nguồn thu ngân sách để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”.

Ngày 5/6/2024 tới đây, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Thủ đô Hà Nội, Tạp chí Kinh môi trường phối hợp cùng Tạp chí Việt – Đức; Công ty cổ phần Nature World; Công ty CP Công nghệ và truyền thông Push Media; Công ty CP Life Media Global sẽ tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế xanh và bền vững - Giảm phát thải nhà kính hướng đến mục tiêu Net Zero"  tại Khách sạn JM Marriot (số 8 Đỗ Đức Dục, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Hội thảo sẽ có sự góp mặt của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước; Đại diện các tổ chức quốc tế; Đại diện một số Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nước (Hiệp hội BĐS, Hiệp hội Công Nghiệp và các Hội ngành nghề liên quan, Ban quản lý các KCN, Các doanh nghiệp sản xuất Công nghiệp, Doanh nghiệp công nghiệp FDI, các Công ty Năng lượng)...

Hồng Vy

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai - Vùng đất tiềm năng phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Siêu bão Man-yi giật cấp 14, chính thức vào biển Đông
Siêu bão Man-yi mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ 20km/h. Vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông.

Tin mới