Chủ nhật, 24/11/2024 05:50 (GMT+7)
Thứ tư, 06/04/2022 14:23 (GMT+7)

Giá LNG tăng cao và vấn đề phát triển nguồn điện khí ở Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù giá thành cao, nhưng LNG sẽ là lựa chọn khả thi để bổ sung cùng với phát triển năng lượng tái tạo thay dần cho nhiệt điện than nhằm bảo vệ môi trường.

Quy hoạch điện VIII (giai đoạn 2021 - 2045) đề xuất phát triển điện khí LNG nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nhiệt điện than là định hướng hợp lý, ngoài việc điện khí có ưu điểm linh hoạt, có thể thay đổi công suất khi cần theo nhu cầu phụ tải, lượng phát thải khí CO2 ra môi trường thấp hơn 50% so với nhiệt điện than. Tuy nhiên, giá LNG liên tục tăng trong năm 2021 đến đầu năm 2022 và tăng chóng mặt sau khi xảy ra xung đột Nga - Ucraina. Khi giá khí tăng cao, liệu việc phát triển nguồn điện này của nước ta có còn phù hợp? Phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Như chúng ta đều biết, một quốc gia có nguồn cung cấp điện năng ổn định, bền vững, giá thành hợp lý là chìa khoá cho thành công công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước... Và trước sự 'đặc biệt quan tâm', 'khát vọng' của nhiều tổ chức, chuyên gia, nhà quản lý, bạn đọc, ngày 27/7/2021, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục các công tác quy hoạch điện hạt nhân, địa điểm, chương trình đào tạo nhân lực và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định đưa điện hạt nhân vào Quy hoạch điện VIII, giữ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất về điện hạt nhân.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII được Bộ Công Thương báo cáo ngày 21/2/2022 gửi Chính phủ, dự kiến tới năm 2030 phát triển điện khí LNG đạt 38.830 MW (bao gồm 23.900 MW điện khí LNG được đầu tư mới và 14.930 MW được chuyển đổi sang LNG do nguồn khí nội địa không đáp ứng được tiến độ cung cấp). Con số này tới năm 2045 là 56.830 MW điện khí LNG (bao gồm 41.900 MW nguồn điện mới dùng khí LNG và 14.930 MW điện khí LNG được chuyển đổi từ các dự án khí trong nước). Các nghiên cứu đề xuất điện khí LNG vào Quy hoạch điện VIII với các quy mô trên liệu có khả thi trong bối cảnh khi giá LNG đã liên tục tăng trong năm 2021 và đầu năm 2022? Chắc chắn sẽ tăng cao khi cuộc xung đột Nga - Ucraina đã xảy ra và chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.

Vậy, khí hóa lỏng LNG có điều gì đặc biệt, ảnh hưởng đến cung - cầu trong ngành năng lượng thế giới, trong đó có Việt Nam?

Khí thiên nhiên hóa lỏng LNG là gì?

Khí thiên nhiên hóa lỏng LNG (Liquefied Natural Gas) là khí thiên nhiên có thành phần chủ yếu là CH4 - Methane (94,3%), không màu, không mùi, không độc hại, được làm lạnh tại nhiệt độ -162º C để chuyển sang thể lỏng, do vậy sức chứa cao hơn rất nhiều so với CNG (gấp 2,4 lần).

Các nhà khai khoáng sẽ khai thác khí thiên nhiên chủ yếu từ các mỏ ở ngoài khơi. Lượng khí này sẽ được dẫn vào đất liền và làm lạnh ở nhiệt độ -162° C (-260° F) bằng hệ thống xử lý khí chuyên biệt. Quá trình này sẽ tạo ra khí LNG ở dạng lỏng và được chứa trong các bình có dung tích lớn.

Do chỉ chiếm 1/600 thể tích so với không khí ở điều kiện tiêu chuẩn (15o C, 1 atm), LNG là sản phẩm khí thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển từ nơi sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trên thế giới. LNG tồn tại dưới dạng lỏng sẽ dễ dàng vận chuyển với sản lượng lớn, mang lại hiệu quả về kinh tế cao. Khi đến nơi tiêu thụ, LNG được chuyển thành khí thiên nhiên đơn thuần qua bộ hóa hơi đặc thù một cách dễ dàng.

Theo các chuyên gia, điện khí LNG có ưu điểm linh hoạt, có thể thay đổi công suất khi cần theo nhu cầu phụ tải. Khí tự nhiên (Natural Gas) được coi là nhiên liệu hóa thạch thân thiện nhất với môi trường, đốt khí tự nhiên sẽ sinh ra một lượng CO2 ít hơn khoảng 30% so với đốt dầu và 50% so với đốt than, còn với khí ô nhiễm Ô xít Ni tơ (NOx) thì có thể giảm tới 90% và không thải bụi.

Đồng thời, điện khí LNG có khả năng vận hành với hơn 90% hệ số sử dụng công suất thiết bị hàng năm, không gặp phải tình trạng gián đoạn, hoặc phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió, hay điện mặt trời.

Giá LNG tăng chóng mặt:

Về giá cả, trong những năm qua, giá LNG đã có sự dao động khá lớn. Từ cuối 2011 đến đầu 2014, LNG có giá bán tương đối cao, đã có thời điểm giá bán LNG trung bình thế giới lên tới 17,24 USD/MMBTU (metric million British thermal unit). Vào những tháng đầu năm 2016, do tình trạng cung vượt cầu mà giá LNG giao ngay tại châu Á đã giảm chỉ còn 4,05 USD/MMBTU, nhưng đến cuối 2016 và đầu năm 2017 do thời tiết quá lạnh (đặc biệt tại châu Âu và Bắc Mỹ) giá LNG giao ngay đã lên tới 9,95 USD /MMBTU. Giá LNG giao ngay trung bình năm 2016 được xác lập tại Đông Bắc Á là 5,52 USD /MMBTU.

Sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường sản xuất khí đốt trong năm 2019 lại khiến nguồn cung bị dư thừa trong khi nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, giá LNG đã lấy lại đà tăng từ 8,21 USD/MMBTU (hồi tháng 1/2021) lên 24,71 USD/MMBTU (vào tháng 1/2022).

Tiếp theo, xung đột Nga - Ukraine nổ ra ngày 24/2/2022 đã khiến giá LNG trên thế giới biến động mạnh, vượt ngoài các dự đoán trước đó.

Theo Purva Jain - nhà phân tích của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA): Giá LNG giao ngay được dự báo ở mức trên 50 USD/MMBTU từ nay đến tháng 9/2022 và 40 USD/MMBTU trong quý 4/2022.

Trước đó, các đánh giá của giới chuyên môn cũng cho thấy: Năm 2022 sẽ chứng kiến bước ngoặt đối với các hợp đồng LNG tính trên cơ sở chỉ số dầu mỏ có xu hướng tăng lên. Thực tế, giá LNG tăng mạnh khiến nhiều người e ngại sẽ ảnh hưởng tới việc triển khai các dự án LNG tại Việt Nam trước mắt cũng như trong trung hạn vì tính bất định nguồn cung khí LNG do hậu quả đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ucraina. Giá khí LNG sẽ quyết định giá thành bán điện của các dự án điện khí LNG.

Quy hoạch phát triển điện khí LNG tại Việt Nam:

Đến thời điểm hiện tại, nước ta chưa có nhà máy điện khí LNG nào được xây dựng và đưa vào hoạt động, mặc dù theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, một loạt nhà máy điện khí LNG đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đã có kế hoạch triển khai thực hiện. Gần đây nhất, ngày 14/3/2022, mới chỉ có dự án điện LNG Nhơn Trạch 3 và 4, công suất 1.500 MW (do PV Power đầu tư) được ký kết hợp đồng EPC với Samsung C&T và Lilama để chuẩn bị khởi công. Hiện nay có 9 nhà máy điện khí khác LNG được chấp nhận chủ trương đầu tư dưới hình thức nhà máy điện độc lập (IPP).

Trong số này, có 5 dự án đã có chủ đầu tư và có thể tiến đến bước đàm phán hợp đồng PPA với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong khi nhiều dự án lớn như LNG Long Sơn, LNG Cà Ná, LNG Long An và LNG Quảng Ninh vẫn chưa, hoặc mới công bố chủ đầu tư chính thức.

Dự án một thời được truyền thông đưa tin nhiều nhất về khả năng được thi công và đưa vào vận hành với giá bán điện dự kiến 7UScent/kWh là Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu.

Dự án Nhà máy điện LNG Bạc Liêu do Công ty Delta Offshore Energy PTE.LTD (DOE) và các đối tác đầu tư (công nghệ tua bin khí chu trình kết hợp) có tổng công suất 3.200 MW (4 tổ máy) được xây dựng tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu; địa điểm kho cảng LNG nằm trên vùng biển tỉnh Bạc Liêu, cách vị trí nhà máy điện 35 km.

Dự án đã đề xuất thời gian khởi công vào năm 2020, đưa vào vận hành tổ máy 1 vào năm 2024, tổ máy 2 năm 2025 và tổ máy 3 - 4 vào năm 2026. Sau khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ cung cấp khoảng 9 tỷ kWh/năm. Ngày 15/8/2019, tại Văn bản số 24/BL-LNG gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (có gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương), Delta Offshore Energy (DOE - Nhà đầu tư đề xuất dự án) khẳng định cam kết giá bán điện của dự án là khoảng 7 UScent/kWh.

Tiếp đó, dự án đã được trao Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore) tại tỉnh Bạc Liêu (ngày 21/1/2020). Dẫu kế hoạch mới nhất của dự án này là khởi công vào quý 2/2022 nhưng hiện tại dự án điện khí LNG Bạc Liêu vẫn chưa đàm phán được giá bán điện với EVN. Và với giá LNG phi mã như hiện nay thì giá bán điện từ Nhà máy này sẽ được đàm phán với EVN ở mức nào vẫn còn là một ẩn số - vì nếu vẫn thỏa thuận giữ giá bán 7 UScent/kWh như cam kết trước đây của chủ đầu tư thì liệu còn hợp lý? Và nếu mức giá cao hơn 7 UScent/kWh thì liệu EVN có thể chấp thuận không?

Các chuyên gia và doanh nghiệp có liên quan đến dự án điện khí LNG đều cho biết, nhà máy điện khí LNG muốn bán điện ở mức giá 8 - 9 UScent/kWh, thì giá LNG đầu vào phải quanh mức 12 USD/MMBTU.

“Năm 2019 - 2020, khi lập báo cáo về dự án điện khí LNG nhập khẩu, chúng tôi tính toán giá khí đầu vào khoảng 10 USD/MMBTU” - một doanh nghiệp đang triển khai dự án điện khí LNG cho hay. Thế mà hiện tại giá LNG giao ngay được dự báo ở mức trên 50 USD/MMBTU từ nay đến tháng 9/2022 và 40 USD/MMBTU trong quý 4/2022 thì không rõ giá bán điện từ nhà máy điện khí LNG sẽ ở mức nào? Dĩ nhiên, nếu mức giá LNG lên tới 40 - 50 USD/MMBTU, thì giá bán điện không thể dưới 20 UScent/kWh - mức khó có thể bán được cho EVN ở tương lai gần.

Ngoài ra, hiện nay lại có hiện tượng lặp lại giống như thời kỳ đăng ký đầu tư điện mặt trời và điện gió - đó là tỉnh nào cũng đua nhau đăng ký có dự án điện khí LNG tại địa phương mình. Các quốc gia trên thế giới đều chọn phát triển các cụm nhà máy điện sử dụng LNG với cảng tiếp nhận LNG có công suất lớn để tối ưu chi phí phát triển hạ tầng đường ống dẫn khí giữa cảng tới các nhà máy điện, và đường dây truyền tải tới các trung tâm tiêu thụ điện.

Theo kinh nghiệm các nước đã phát triển điện khí LNG, kho cảng phải có mức công suất từ 6 triệu tấn LNG/năm trở lên mới được cho là tối ưu hệ thống và giảm giá thành điện. Và các trung tâm điện lực sử dụng LNG trên thế giới đều lựa chọn nơi có điều kiện xây dựng hạ tầng (kho cảng LNG) thuận lợi với chi phí thấp, có vị trí nằm gần trung tâm phụ tải, phù hợp các tiêu chí về môi trường.

Nếu các dự án điện khí LNG được ghi trong dự thảo Quy hoạch điện VIII được thông qua sẽ dẫn tới tình trạng kho cảng nhập LNG và tái hóa khí xuất hiện sẽ phủ kín dọc theo suốt chiều dài bờ biển Việt Nam (từ Quảng Ninh đến Cà Mau) theo cùng một mô hình “một trung tâm điện lực (nhà máy điện) + một kho cảng nhập LNG và tái hóa khí”. Vì vậy, rất mong Bộ Công Thương xem xét thấu đáo, không vì cục bộ một địa phương nào mà trên mục đích lợi ích quốc gia để chọn các trung tâm điện khí LNG phù hợp.

Thay cho lời kết:

Mặc dù giá thành cao, nhưng LNG sẽ là lựa chọn khả thi để bổ sung cùng với phát triển năng lượng tái tạo thay dần cho nhiệt điện than nhằm bảo vệ môi trường. Dù đã giảm đáng kể số nhà máy và công suất, nhưng sự biến động của giá LNG thế giới hiện nay và khó dự đoán trong tương lai khiến việc triển khai dự án gặp thách thức lớn, do đầu vào của các dự án điện khí LNG phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

Nhưng nếu giá LNG tiếp tục tăng cao lên tới mức 40 - 50 USD/MMBTU thì có lẽ sẽ không còn phù hợp để lựa chọn dạng năng lượng này để tăng công suất phát cho hệ thống trong giai đoạn hiện nay đến năm 2030.

Ngoài ra, việc hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu khí LNG sẽ tiếp tục làm tăng sự phụ thuộc về năng lượng của Việt Nam đối với thị trường năng lượng truyền thống quốc tế, theo đó, dẫn đến nguy cơ làm suy yếu an ninh năng lượng của nước ta trong dài hạn.

Trong điều kiện như vậy, nên chăng cần xem xét thêm khả năng phát triển thêm nguồn năng lượng tái tạo (gió và mặt trời) sẵn có của nước ta, đặc biệt là điện gió ngoài khơi đi cùng với việc phát triển hệ thống tích trữ năng lượng, thủy điện tích năng [1] và sản xuất hydrogen.

Về dự án sản xuất hydrogen, Tập đoàn Năng lượng Enterprize Energy (Vương quốc Anh - Singapore) và các nhà đầu tư từ châu Âu đã đề xuất với Chính phủ lập dự án đầu tư Thăng Long Wind 2 (TLW2) sản xuất hydro từ điện phân nước biển phục vụ xuất khẩu tại khu vực dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long (mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận) với quy mô 2.000 MW, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ đô la Mỹ, thời gian triển khai dự kiến từ 2022 đến 2030.

Ngoài ra, do giá năng lượng tăng cao nên một số nước châu Âu hiện đang có kế hoạch khởi động lại việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân nhằm đảm bảo nhu cầu an ninh năng lượng.

Vì vậy, hy vọng cơ quan soạn thảo Quy hoạch điện VIII cùng Bộ Công Thương cân nhắc, xem xét thêm, bổ sung nguồn điện hạt nhân Ninh Thuận [2] với quy mô phù hợp vào Quy hoạch điện VIII nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước trong tầm nhìn dài hạn.

“Pháp may mắn vì Pháp có năng lượng hạt nhân” - Tổng thống Emmanuel Macron thích nhấn mạnh điều này với quan điểm về nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải CO2.

Được biết, từ nay đến năm 2050, EU dự tính cần đầu tư 500 tỷ Euro (568 tỷ USD) vào các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới. Vì vậy, hy vọng cơ quan soạn thảo Quy hoạch điện cùng Bộ Công Thương cân nhắc, xem xét, bổ sung nguồn điện hạt nhân Ninh Thuận với quy mô phù hợp vào Quy hoạch điện VIII.

Rõ ràng, nếu phát triển mạnh điện gió ngoài khơi và phát triển hệ thống lưu trữ điện năng, kể cả thủy điện tích năng, đồng thời thêm thành phần điện hạt nhân Ninh Thuận vào cơ cấu nguồn điện, giảm bớt công suất từ điện khí LNG sẽ đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

TS NGUYỄN HUY HOẠCH - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo:

[1]Vì sao cần bổ sung công suất thủy điện tích năng vào Quy hoạch điện VIII? TS. Nguyễn Huy Hoạch. NANGLUONGVIETNAM online 07:19 | 16/06/2021.

[2]Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét vấn đề điện hạt nhân trong Quy hoạch phát triển điện lực, NANGLUONGVIETNAM online 06:21 | 28/07/2021.

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Giá LNG tăng cao và vấn đề phát triển nguồn điện khí ở Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới