Chủ nhật, 24/11/2024 06:48 (GMT+7)
Thứ năm, 16/12/2021 13:00 (GMT+7)

Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay có thực sự cần thiết?

Theo dõi KTMT trên

Nhiên liệu bay là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu để vận hành các chuyến bay. Do đó, việc giảm thuế môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ giúp ngành hàng không tích lũy các nguồn lực và duy trì tình trạng tài chính để hỗ trợ nền kinh tế.

Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường nên chi phí thuế bảo vệ môi trường sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, nhiên liệu bay là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu để vận hành các chuyến bay. Do đó, việc giảm thuế môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ tiếp tục là một sự hỗ trợ thích hợp cho ngành này. Việc miễn giảm ở mức sâu hơn sẽ giúp ngành hàng không tích lũy các nguồn lực và duy trì tình trạng tài chính để hỗ trợ nền kinh tế. 

Trước đó, căn cứ nguyên tắc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường tại Luật thuế bảo vệ môi trường, ngày 26/9/2018, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế bảo vệ môi trường (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019), trong đó quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế). Theo đó, trong giai đoạn 2015-2019, số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bình quân gần 2.940 tỉ đồng/năm.

Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay có thực sự cần thiết? - Ảnh 1
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay sẽ giúp ngành hàng không tích lũy nguồn lực và duy trì tình trạng tài chính để hỗ trợ nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

Từ tháng 12/2019, đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia trên thế giới. Nhiều ngành, nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là ngành vận tải do việc hạn chế đi lại cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn. Một trong những ngành vận tải ảnh hưởng nặng nề nhất là vận tải hàng không.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thiệt hại của ngành hàng không là rất nghiêm trọng. Số lượng khách hàng và số chuyến bay khai thác sụt giảm mạnh. Vietnam Airlines phải thực hiện ngừng việc với hơn 6.000 lao động. Dự kiến trong năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm hơn 49.000 tỉ đồng và mức lỗ lên đến gần 16.000 tỉ đồng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 17.000 tỉ đồng trong năm 2020.

Do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp hàng không đối mặt với nguy cơ phá sản cao do không bù đắp được những khoản chi phí lớn để duy trì hoạt động. Sự ngưng trệ của ngành hàng không cũng mang lại những tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm thương mại, dịch vụ, du lịch… bởi vai trò quan trọng của ngành hàng không trong việc cung ứng các dịch vụ trung gian liên quan đến vận chuyển, trung chuyển hành khách và hàng hóa.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp hàng không nói riêng trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo phù hợp với nguyên tắc quy định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể tại Luật Thuế bảo vệ môi trường thì việc đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là một trong những giải pháp cần thiết.

Mặt khác, ngành hàng không là một cầu nối quan trọng để hỗ trợ tích cực cho chủ trương này thông qua việc giảm giá vé và nâng cao chất lượng dịch vụ. Tour du lịch trọn gói hấp dẫn, vé máy bay cạnh tranh thu hút nhiều khách du lịch sẽ là “bước gỡ rối” cho tình hình của ngành hàng không và du lịch hiện nay. Vì lý do này mà việc giảm sâu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu máy bay sẽ giúp các doanh nghiệp hàng không phục hồi, đồng thời, có thể hỗ trợ cho thị trường du lịch quốc tế.

Bên cạnh đó, việc giảm thuế môi trường đối với nhiên liệu máy bay sẽ giúp các doanh nghiệp hàng không cơ cấu lại nợ, giãn nợ và thậm chí là có thể giảm bớt các khoản nợ lớn, khoản thất thu tồn đọng trong thời gian đại dịch vừa qua. Sau nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước thì bước giảm thuế đối với nhiên liệu sẽ giúp doanh nghiệp hàng không cải thiện việc quản lý dòng tiền sau đại dịch thông qua việc đo lường lại tình trạng thanh khoản cũng như đánh giá lại chiến lược các khoản đầu tư tiềm năng và đây cũng là một cách để theo dõi chu kỳ dòng tiền một cách tốt hơn.

Vì vậy, thuế môi trường đối với nhiên liệu máy bay nếu được giảm sâu sẽ là một khoản hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp, phần nào giảm bớt gánh nặng tài chính hiện nay do ảnh hưởng bởi đại dịch.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay có thực sự cần thiết?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới