Chủ nhật, 24/11/2024 05:28 (GMT+7)
    Chủ nhật, 08/05/2022 15:00 (GMT+7)

    Gian nan phát triển vật liệu xanh, xây dựng sạch

    Theo dõi KTMT trên

    Vật liệu xanh, xây dựng sạch mang lại nhiều lợi ích cho môi trường nhưng đang bị vướng nhiều vấn đề khi triển khai ở Việt Nam.

    VLXKN chưa được dùng phổ biến

    Các chuyên gia, khách mời trong Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thương mại hóa vật liệu xây dựng không nung và công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng” do Viện Dầu khí Việt Nam (Vietnam Petroleum Institute – VPI) TP.HCM vừa tổ chức cho biết, theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2020, trên cả nước có khoảng 1600 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN), với tổng công suất thiết kế (CSTK) khoảng 10,2 tỉ viên quy tiêu chuẩn/năm (chiếm khoảng gần 30% tổng công suất thiết kế sản phẩm vật liệu xây), đạt ngưỡng thấp hơn so với mục tiêu của Chương trình 567 (30-40%).

    Với những tỉ lệ sản lượng này, hàng năm Việt Nam tiết kiệm được khoảng 7,5 triệu m3 đất sét (tương đương 375 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), giảm tiêu thụ khoảng 750 nghìn tấn than đá, và giảm lượng phát thải xấp xỉ 2,85 triệu tấn khí CO2.

    Đến nay, với nhu cầu sử dụng VLXKN ngày càng tăng, số lượng doanh nghiệp sản xuất VLXKN. Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho hay, ban đầu chỉ có 4 cơ sở, nay đã tăng lên đến 25 cơ sở, CSTK tăng lên thành 17,5 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm, 66 triệu m2 tấm TC/năm.

    Đồng thời, VLXKN được sử dụng khá phổ biến trong các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình vốn đầu tư công và vốn nhà nước ngoài đầu tư công.

    Gian nan phát triển vật liệu xanh, xây dựng sạch - Ảnh 1
    Vật liệu xây không nung đem lại nhiều lợi ích môi trường nhưng vẫn đang gặp nhiều rào cản.

    Xét về lũy kế từ năm 2013 đến nay, có khoảng 446.326 dự án, công trình được thẩm định, phê duyệt và cấp phép xây dựng; 1.802 dự án, công trình thuộc đối tượng sử dụng VLXKN. Trong đó, 919 dự án, công trình đã hoàn thành, có sử dụng VLXKN.

    Thực hiện theo Quyết định số 2171/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 23/12/2021 về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) tại Việt Nam đến năm 2030, lãnh đạo các cấp đã đề ra mục tiêu cụ thể: Đẩy mạnh sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỉ lệ: 35 - 40% vào năm 2025 và 40 - 45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây, đảm bảo tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình theo quy định.

    Phấn đấu tỉ lệ sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng đến năm 2025, các công trình xây dựng (CTXD) được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công sử dụng tối thiểu 90% VLXKN.

    Đến năm 2030, CTXD được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, sử dụng 100% VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây; CTXD từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 90% VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây. Và theo tính toán của Viện VLXD, nhu cầu vật liệu xây của TP.HCM đến năm 2030 sẽ rơi vào khoảng 4,86 tỉ viên.

    Trước những dự báo phát triển đó, Viện VLXD đã đưa ra định hướng cụ thể về việc khuyến khích sản xuất vật liệu nhẹ, siêu nhẹ dùng để làm tường, vách ngăn; vật liệu chống cháy, chậm cháy, cách âm, cách nhiệt, cách điện, tiết kiệm năng lượng; vật liệu mới, vật liệu xanh…

    Kết hợp phát triển mạnh hơn các sản phẩm VLXKN như: Gạch bê tông, bê tông khí chưng áp, bê tông rỗng, tấm tường... để từng bước giảm bớt sử dụng gạch nung. Đầu tư sản xuất VLXKN theo công nghệ tiên tiến; Da dạng chủng loại sản phẩm, về kích thước để giúp cho những nhà thi công có thể lựa chọn theo yêu cầu.

    Gian nanphát triển VLXKN

    Trình bày tham luận tại buổi Hội thảo, ThS. Nguyễn Ngọc Thanh - Trưởng phòng Vật liệu xây dựng - Sở Xây dựng TP.HCM nói: Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, vẫn còn nhiều hạn chế trong quá tình triển khai thực hiện chương trình phát triển VLXKN.

    Gian nan phát triển vật liệu xanh, xây dựng sạch - Ảnh 2
    ThS. Nguyễn Ngọc Thanh - Trưởng phòng Vật liệu xây dựng - Sở Xây dựng TP.HCM tại Hội thảo.

    “Cho đến hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế, thi công và nghiệm thu riêng cho tường xây bằng gạch; Số lượng, sản lượng công suất sản xuất VLXKN ở TP.HCM chưa thể đáp ứng nhu cầu, dễ dẫn đến tình trạng độc quyền. Đáng nói hơn, việc kiểm soát về giá VLXKN và chất lượng phụ kiện đi kèm vẫn chưa được hoàn chỉnh; Công trình xây dựng thuộc nguồn vốn khác, nhà ở riêng lẻ chưa thực sự hưởng ứng; Giải pháp kỹ thuật để kiểm soát chất lượng, đánh giá nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục hiện tượng nứt, gây tâm lý e ngại; Hệ thống nhân lực và bộ phận kỹ thuật; chiến lược kinh doanh uy tín và lâu dài; Công nhân có tay nghề vẫn chưa đáp ứng nhu cầu và việc quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn nhiều khó khăn”, bà Thanh nói.

    PGS.TSKH Bạch Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới, Trường Đại học Xây dựng, chia sẻ: “Để tăng tỉ lệ đón nhận GKN trong cộng đồng, chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền những lợi ích mang lại từ việc sử dụng GKN, đồng thời việc dùng các dây chuyền hiện đại và sản xuất với năng suất cao, giá thành GKN sẽ rẻ và cạnh tranh được với gạch đỏ trong thời gian tới”.  

    Ghi nhận những đóng góp từ chuyên gia, đưa ra giải pháp để tiếp tục tăng trưởng, phát triển sử dụng VLXKN, thực hiện Quyết định số 2171/QĐ-TTg: Đề án phát triển VLXD TP.HCM đến năm 2030, đẩy mạnh phát triển thị trường sản phẩm VLXD xanh đáp ứng nhu cầu xây dựng xanh. Sở Xây dựng đã đề nghị các cấp tiếp tục tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); Chính sách hỗ trợ, ưu đãi; Kết hợp khuyến khích với quản lý, kiểm soát chất lượng.

    Vận động doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, nâng cao chất lượng, tính năng các sản phẩm. Tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất VLXD mới, thân thiện với môi trường đầu tư sản xuất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của Thành phố; Huy động sự góp sức của tất cả các ngành vào công tác đẩy mạnh phát triển và sử dụng VLXKN.

    Thực hiện liên kết phát triển VLXD mới, thân thiện môi trường giữa Thành phố và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua việc tiếp tục ký kết hợp tác cho giai đoạn mới 2021 - 2030.

    Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền thực hiện Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón); Quyết định số 430/QĐ-BXD ngày 16 tháng 5 năm 2017 của Bộ Xây dựng (Chỉ dẫn kỹ thuật “Xỉ gang và xỉ thép sử dụng làm vật liệu xây dựng”) và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan.

    Tiếp tục tuyên truyền thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2017/BXD “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” và Thông tư của Bộ Xây dựng quy định việc sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng. Tham mưu UBND TP.HCM ban hành cơ chế ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công trình xanh.

    Huỳnh Mai

    Bạn đang đọc bài viết Gian nan phát triển vật liệu xanh, xây dựng sạch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới