GS.TS Hoàng Xuân Cơ: "ĐTM trong khai thác niken vô cùng quan trọng"
Theo đánh giá của GS.TS Hoàng Xuân Cơ, chắc chắn khai thác niken sẽ gây ra những tác động tiêu cực cho môi trường nên phải chú trọng đánh giá tác động môi trường, tìm và áp dụng giải pháp giảm thiểu tác động có hại đến môi trường.
Là kim loại quan trọng dùng trong sản xuất thép, hợp kim,... niken ảnh hưởng trực tiếp tới ngành công nghiệp toàn cầu. Đặc biệt hiện nay, nhu cầu niken ngày càng tăng cao do kim loại này được sử dụng làm pin của xe điện.
Mới đây, thông tin giá niken bất ngờ tăng thẳng đứng đã khiến cho giao dịch niken bị đóng băng vô thời hạn, các trader điêu đứng và hàng loạt doanh nghiệp có thể vỡ nợ. Tuy nhiên, đây lại là một cơ hội tốt cho các nhà đầu tư khai khoáng tại Việt Nam và trên thế giới.
Để làm rõ những ảnh hưởng, tác động của quá trình khai thác niken đối với môi trường, từ đó đưa ra các giải pháp bền vững để tránh khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên này gắn với bảo vệ môi trường, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban nghiên cứu khoa học, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).
Thưa ông, vì sao niken lại đang trở thành một trong những tài nguyên được nhiều quốc gia nói chung, doanh nghiệp nói riêng săn đón nhất hiện nay?
- Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất là trong chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, niken là một trong những tài nguyên đang được săn đón hàng đầu trên thế giới, đặc biệt là khi tài nguyên này được sử dụng nhiều trong ngành công nghệ tương lai như pin xe điện (EV).
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 và gần đây nhất là chiến sự căng thẳng Nga - Ukraine đã ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ngành công nghiệp khai thác khoáng sản.
Nguyên nhân là do Nga nắm giữ nguồn cung kim loại dồi dào trên thế giới đang bị cấm vận và xu hướng sản xuất, sử dụng xe điện tăng cao yêu cầu tiêu thụ nguồn niken tăng lên đã tạo ra nhiều vấn đề kinh tế. Trong đó, giá niken trên thị trường quốc tế tăng rất nhanh sẽ thúc đẩy nghiên cứu khả năng sản xuất niken ở Việt Nam trong tương lai.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng niken của Việt Nam? Nếu khai thác hiệu quả thì tài nguyên này sẽ đóng góp như thế nào cho sự phát triển của đất nước?
- Tại Việt Nam, nguồn cung niken được đánh giá là không lớn. Tổng lượng dự báo của 3 vùng Thanh Hóa, Cao Bằng, Sơn La có thể khai thác và chế biến được trong vòng 20 năm tới chỉ khoảng 130.000 tấn niken quy kim loại, tức là vào khoảng 6.000 tấn niken quy kim loại/năm. So với sản lượng tiêu thụ hằng năm của thế giới là 3 triệu tấn niken quy kim loại/năm (theo thống kê năm 2021) thì con số này là rất nhỏ.
Tuy nhiên, nếu niken hình thành giá ở mức cao trên 20.000 USD/tấn thì ngành công nghiệp chế biến niken của chúng ta cũng mang lại lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp. Thực tế với công nghệ hiện nay, giá thành chế biến ra sản phẩm niken kim loại chỉ vào khoảng 9.000 USD/tấn. Như vậy, có thể thấy nếu khai thác triệt để niken thì đóng góp của ngành này cho GDP của Việt Nam không lớn.
Bên cạnh đó, bài toán đặt ra cho các nhà đầu tư Việt Nam là gia tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của ngành công nghiệp thế giới. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm kiếm những nơi có tiềm năng khai thác lớn hơn trong tương lai, và việc dịch chuyển hướng đầu tư sang các nước trong khu vực là điều tất yếu.
Theo ông, thực trạng khai thác tài nguyên này ở nước ta như thế nào? Ông đánh giá gì về những tác động tiêu cực đối với môi trường trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản nói chung, với tài nguyên niken nói riêng?
- Thực tế hiện nay, hoạt động khai thác, chế biến niken ở Việt Nam rất hạn chế. Theo nghiên cứu của ThS Đào Công Vũ đăng trên trang web của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Bộ Công Thương), cả nước hiện chỉ có Công ty TNHH Mỏ niken Bản Phúc (Công ty Bản Phúc) được cấp phép khai thác và chế biến quặng tinh niken, các khu vực mỏ niken khác chỉ dừng lại ở khâu tìm kiếm, thăm dò và chuẩn bị đầu tư. Toàn bộ khối lượng quặng sunfua Ni-Cu được khai thác từ mỏ bằng phương pháp hầm lò, với hàm lượng quặng nguyên khai trung bình khoảng 2%Ni, được đưa vào nhà máy chế biến để sản xuất quặng tinh 9,5% Ni và xuất khẩu.
Một tin vui là năm 2019, Công ty TNHH Mỏ niken Bản Phúc, xã Bản Phúc, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã được Công ty BlackStone mua lại 90% và có định hướng áp dụng sản xuất xanh, giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường.
Theo đó, Blackstone tập trung vào phát triển quy trình sản xuất ra các loại kim loại dùng cho pin điện bằng việc tích hợp giữa thượng nguồn (khai thác) và hạ nguồn (tinh luyện) tại Việt Nam, để sản xuất ra NCM, tiền chất gồm Nickel-Cobalt-Manganate (NCM) cho ngành công nghiệp pin lithium-ion (Li-ion) đang phát triển ở châu Á và cung cấp sản phẩm có chứng thực "xanh" từ mỏ khai thác đến khách hàng.
Do vậy, việc Blackstone nỗ lực tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm khai thác và triển khai theo cách thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng thủy điện tái tạo sẽ giúp đưa Việt Nam đi đầu trong cuộc cách mạng xanh với lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Tôi cho rằng việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong việc khai thác niken là vấn đề hết sức quan trọng, cần được quan tâm đúng mức để tránh ảnh hưởng đến môi trường.
Hiện nay, phát triển xe điện đang là xu thế của Việt Nam và thế giới, đồng nghĩa việc khai thác, sử dụng tài nguyên niken sẽ gia tăng trong thời gian tới. Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để tránh khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên này gắn với bảo vệ môi trường?
- Trong bối cảnh hiện nay, giá niken tăng sẽ thu hút đầu tư vào khai thác kim loại này. Tuy nhiên, sản phẩm khai thác được vẫn chủ yếu để xuất khẩu. Vì vậy, trong thời gian tới, khi cấp phép khai thác niken phải chú ý đến vòng đời của sản phẩm này, sau khi khai thác chế biến sẽ được dùng vào việc gì, ở đâu và nên ưu tiên dự án sử dụng trực tiếp niken ở Việt Nam để nâng cao giá trị gia tăng trong vòng đời sản phẩm ở Việt Nam.
Và do trữ lượng niken không nhiều, nếu chúng ta có chính sách khai thác hợp lý thì vẫn hạn chế được tác động có hại đến môi trường trong tương lai.
Một trong những sản phẩm được làm từ niken là pin lithium-ion, được sử dụng trong hầu hết các loại ô tô điện. Trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, việc xử lý thành phần niken trong pin ô tô điện được thực hiện như thế nào? Liệu Việt Nam đã có đủ cơ sở và công nghệ xử lý các chất phế thải nguy hại này chưa?
- Trong những năm gần đây, ô tô điện đang được khuyến khích sử dụng ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam. Đã có những diễn đàn bàn về lợi ích khi sử dụng phương tiện này và cả những nguy cơ gây tác động của chúng cả khi đang sử dụng và khi đã hết khả năng sử dụng.
Để có thể hoạt động, pin phải được nạp điện nên câu hỏi đặt ra là nguồn điện này từ đâu, có từ điện năng lượng tái tạo không hay lại từ nhiệt điện than? Trong đó, nếu nguồn điện được tạo ra từ nhiệt điện than thì sử dụng xe điện không đạt hiệu quả giảm thiểu phát thải chất ô nhiễm không khí và chất khí nhà kính (vì gián tiếp phát thải qua nhiệt điện than).
Sau khi thải bỏ, pin xe điện là loại chứa nhiều chất có thể gây hại cho môi trường nên cần giải pháp xử lý hiệu quả. Nếu là pin chì thì tuổi thọ thấp, khó xử lý và khả năng tác động lớn, nếu là pin Lithium thì tuổi thọ cao hơn và khả năng xử lý pin thải bỏ cũng hiệu quả hơn.
Được biết, khi tiến hành các hoạt động tái chế ắc quy chì, công nhân sẽ phá vỡ các vỏ pin hoặc bình ắc quy, rồi đổ axit và bụi chì ra đất. Sau đó tiến hành đốt cháy chì trong các lò nung thủ công ngoài trời và khói độc hại sẽ được thải trực tiếp ra môi trường xung quanh gây nguy hiểm cho cộng đồng. Trong pin/ắc quy chì cũng chứa một lượng lớn thủy ngân. Với một lượng thủy ngân có kích thước bằng cúc áo có thể gây ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m2 đất trong vòng 50 năm.
Bên cạnh đó, quá trình thu gom và tái chế và xử lý không đáp ứng các yêu cầu về môi trường, dẫn đến nguồn đất, nước và không khí tại làng nghề và khu vực lân cận có thể bị ô nhiễm bởi khói bụi chì hay nước thải chứa axit. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến mức độ nhiễm chì của người dân, đặc biệt là trẻ em tăng đến mức báo động.
Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, công nghệ tái chế pin lithium đang được đầu tư mạnh mẽ và gặt hái được những thành tựu vượt trội. Các hãng đang hướng tới việc tái chế tới hơn 90% nguyên liệu cấu thành pin. Sau khi được xả hết năng lượng, pin hỏng được nghiền nát và sử dụng những phương pháp đặc biệt để tách lithium, coban, mangan, niken ra thành nguyên liệu thô.
Chính vì vậy, Việt Nam cần có chính sách về sản xuất, lưu hành, sử dụng ô tô, xe máy điện và các loại pin đi kèm, đặc biệt là xử lý pin hiệu quả để tránh những tác động có hại khi cho phép sử dụng rộng rãi phương tiện này ở Việt Nam. Bên cạnh đó, những cục pin không bị thải ra môi trường giúp cuộc sống con người trở nên an toàn hơn trước công nghệ mới.
Xin cảm ơn GS.TS Hoàng Xuân Cơ.
Đánh giá về cơ hội cũng như thách thức cho các nhà đầu tư khai thác khoáng sản tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần CAVICO Việt Nam Bùi Quảng Hà cho rằng: "Xu hướng tất yếu của mọi loại khoáng sản quý là tăng đều do nhu cầu thị trường ngày càng cao trong khi trữ lượng khai thác ngày một giảm dần. Chính vì vậy, luôn luôn có cơ hội cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cơ hội cũng đi liền với thách thức: phải có đủ nguồn lực tài chính, luôn luôn cải tiến, áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và chế biến mới có thể cạnh tranh và mang lại hiệu quả đầu tư cho doanh nghiệp".
Có thể thấy, sự biến động của thị trường cùng với các chính sách hỗ trợ từ chính phủ đang mang lại cơ hội lớn cho các nhà đầu tư khoáng sản tại Việt Nam. Đồng thời, việc nắm giữ và khai thác niken sẽ giúp đảm bảo mang lại nguồn lợi lớn cho Việt Nam.
Do vậy, công tác nâng cao hiệu suất thu hồi kim loại niken và các kim loại có ích đi kèm trong mỏ niken có hàm lượng thấp sẽ ngày càng được chú trọng đầu tư nghiên cứu ứng dụng. Làm được việc này, Việt Nam sẽ trở thành đối tác lớn của các quốc gia có nhu cầu cao về niken.
Lan Anh (thực hiện)