Hà Nội: Ấn định mốc hoàn thành kiểm định tất cả chung cư cũ
Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch hành động số 02 đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư, chỉnh trang, tái thiết đô thị.
Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP.Hà Nội trước đó được ban hành với nhiều nội dung cụ thể được ấn định thời gian hoàn thành, cho thấy những tín hiệu khả thi trong quá trình thực hiện. Để thực hiện cải tạo chung cư cũ, Hà Nội lập kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, phấn đấu hoàn thành kiểm định tất cả chung cư cũ trên địa bàn thành phố trước quý IV/2023.
Kế hoạch nêu rõ tổ chức thực hiện các kế hoạch liên quan cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố, bao gồm tổng rà soát, khảo sát; phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định tất cả chung cư cũ trước quý IV/2023.
Mặt khác, kế hoạch nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ; phấn đấu hoàn thành trước quý IV/2023.
Cùng với việc thực hiện kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố - đợt 1, tập trung di dời các hộ dân và khẩn trương xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; phấn đấu cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ trong giai đoạn 2021-2025.
Song song với việc nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc thẩm quyền của thành phố, trong đó có các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, hệ số bồi thường K và các cơ chế, chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của thành phố; dự kiến hoàn thành trong quý III năm nay.
Việc thẩm định, đánh giá công tác kiểm định chung cư cũ; thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư cũng được nêu rõ tại kế hoạch này.
Một nội dung khác cũng được đề cập tới, đó là kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, kịp thời giải quyết, xử lý các nhà chung cư phải phá dỡ để xây dựng lại, nhà chung cư xuống cấp.
Ban Chỉ đạo giao UBND cấp huyện chủ trì xây dựng, ban hành các kế hoạch về kiểm tra, giám sát, quản lý, xử lý trật tự xây dựng tại các chung cư cũ trên địa bàn; tổ chức di dời các chủ sở hữu, sử dụng nhà chung cư thực hiện cải tạo, sửa chữa... đồng thời tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Theo đó, Ban Chỉ đạo giao UBND cấp huyện chủ trì tổ chức tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ năng lực của các nhà đầu tư đăng ký tham gia cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; tổ chức lấy ý kiến lựa chọn chủ đầu tư; tổ chức phê duyệt phương án bồi thường; lập danh mục các nhà chung cư, khu chung cư để tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư.
Ban Chỉ đạo cũng giao UBND cấp huyện chủ trì thực hiện giải phóng mặt bằng, tổ chức di dời theo phương án đã được phê duyệt; tổ chức cưỡng chế với các trường hợp phải thực hiện cưỡng chế di dời; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cập nhật dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cùng ngày ký ban hành Kế hoạch này, Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Thành phố Hà Nội cũng đã có Quyết định số 01-QĐ/BCĐ về việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP.Hà Nội.
Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm từng đánh giá, Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP.Hà Nội vừa được TP ban hành được coi là một bước đột phá, không chỉ là định hướng mà còn là công cụ để tổ chức thực hiện xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội. Nội dung Đề án được xây dựng có chất lượng với sự tham gia của các cơ quan quản lý, chuyên gia, tổ chức xã hội, đặc biệt có sự tham gia của người dân, hy vọng sẽ sớm đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, để tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đặt ra, cần sớm cụ thể hóa nhiều vấn đề được nêu trong Đề án như nguồn vốn, lựa chọn chủ đầu tư, công nghệ đầu tư xây dựng, tái định cư, đền bù GPMB.
Bùi Hằng