Chủ nhật, 24/11/2024 05:20 (GMT+7)
Thứ bảy, 01/02/2020 15:22 (GMT+7)

Hà Nội ban hành kế hoạch phòng, chống dịch do virus Corona gây ra với 4 cấp độ

Theo dõi KTMT trên

Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) gây ra.

Hà Nội ban hành kế hoạch phòng, chống dịch do virus Corona gây ra với 4 cấp độ - Ảnh 1
Phun thuốc khử trùng tại trường tiểu học Mậu Lương (quận Hà Đông, Hà Nội). (Ảnh: Zing)

Văn bản do Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ngày 31/1 nêu rõ, tại Hà Nội đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh; có 19 trường hợp nghi ngờ (có triệu chứng sốt, ho và có tiền sử đi từ vùng dịch về). Hiện tại, sức khoẻ của tất cả các trường hợp này đều ổn định, không có bệnh nhân nặng. 15 trường hợp đã có xét nghiệm âm tính với nCoV, các trường hợp khác đang chờ kết quả xét nghiệm.

Để chủ động phòng chống bệnh viên đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại do bệnh dịch gây nên, UBND TP.Hà Nội xây dựng Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) gây ra.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp số mắc bệnh và tử vong.

Kế hoạch phân loại cấp độ dịch bệnh thành 4 cấp độ. Trong đó, cấp độ 1: Có trường hợp bệnh xâm nhập; Cấp độ 2: Dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn Thành phố; Cấp độ 3: Dịch bệnh lây lan trên địa bàn Thành phố với trên 20 trường hợp mắc; Cấp độ 4: Dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với trên 1.000 trường hợp mắc.

Ở mỗi cấp độ dịch bệnh, UBND thành phố lên kế hoạch chi tiết về các nội dung hoạt động gồm 4 nội dung: Công tác chỉ đạo kiểm tra; Công tác giám sát, dự phòng và điều trị người bệnh; Công tác truyền thông; Công tác hậu cần.

UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh theo từng cấp độ dịch bệnh nêu trên. Tham mưu UBND TP các giải pháp tăng cường hoạt động phòng, chống dịch; hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên người của thành phố.

Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí bổ sung của các đơn vị y tế báo cáo UBND Thành phố; phối kết hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giám sát dịch bệnh tại cộng đồng; Thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh trên địa bàn để tuyên truyên, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên trang web của Sờ Y tế để người dân được biết và không hoang mang về dịch bệnh; Chỉ đạo mạng lưới y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh ở cả hệ thống điều trị và dự phòng, các đơn vị trong ngành tích cực và chủ động phối hợp triển khai giám sát để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi mắc bệnh tại các cơ sở điều trị và tại cộng đồng, phát hiện sớm ca mắc đầu tiên để cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong và lây lan rộng.

Đồng thời, Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện bố trí khu (phòng) cách ly đặc biệt, có đủ trang thiết bị cấp cứu, điều trị tích cực để thu dung, cách ly đỉều trị người bệnh khi có ca bệnh, ổ dịch. Đảm bảo nhân viên y tế thực hiện nghiêm túc chống, nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở điều trị; Chuẩn bị đầy đủ cơ sở thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch đáp ứng các tình huống dịch xảy ra; Thành lập các đội cấp cứu, điều trị cơ động, sẵn sàng hỗ trợ tuyên dưới. Chuẩn bị sẵn sàng bộ máy, tổ chức, biên chế thành lập Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị người bệnh bị bệnh trong trường hợp bùng phát dịch.

Sở GD&ĐT chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong trường học, chú trọng công tác vệ sinh môi trường, thông thoáng phòng học, hướng dẫn thực hiện vệ sinh cá nhân cho các em học sinh; Phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan phun hóa chất vệ sinh môi trường khử khuẩn tại các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp và các Trường học, Trường Mẫu giáo, các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập trên toàn địa bàn thành phố; Thông báo cho ngành Y tế các Trường học, cơ sở đào tạo có học sinh, sinh viên đi về từ vùng có dịch để phối hợp tổ chức quản lý, giám sát nhằm phát hiện sớm trường hợp bệnh.

Sở Du lịch theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh nCoV, chỉ đạo các công ty du lịch hủy các tour, gói du lịch, không tổ chức các đoàn khách du lịch tới các nơi đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào Thành phố.

Chỉ đạo các công ty du lịch, các khách sạn thông báo kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch; cần nắm bắt tình hình sức khỏe của khách du lịch và hành trình của các đoàn khách đến từ vùng có dịch cho cơ quan y tế địa phương để Sở Y tế chỉ đạo phối hợp giám sát và tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch.

Sở TT&TT chỉ đạo các cơ quan báo, đài thành phố phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo, đài của Trung ương thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố, không để người dân hoang mang lo lắng. Phối hợp với ngành Y tế tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức của người dân để người dân chủ động phòng bệnh và hợp tác với cơ quan y tế trong phòng, chống dịch.

Sở Xây dựng tuyên truyền công tác phòng, chống dịch cho cán bộ, công nhân tại các công trường xây dựng. Chỉ đạo các công trường xây dựng khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi phát hiện có công nhân, người lao động tại công trường bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm.

Đặc biệt với các công trường xây dựng có người lao động đến từ vùng dịch (Trung Quốc), thông báo ngay cho cơ quan y tế cùng cấp để tổ chức giám sát sức khỏe kịp thời; Xem xét tham mưu UBND Thành phố trong việc bố trí địa điểm xây dựng Bệnh viện dã chiến trong tình huống dịch bệnh bùng phát lan rộng trong cộng đồng.

Sở Ngoại vụ phối hợp với ngành Y tế quản lý các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm có yếu tố nước ngoài; Phổ biến, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho người nước ngoài đến Việt Nam.

Sở GTVT có phương án huy động các phương tiện vận tải công cộng đáp ứng với tình huống dịch bùng phát cần di chuyển người dân đến khu vực cách ly theo đề nghị của ngành Y tế; Chỉ đạo thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường phòng, chống các loại dịch bệnh tại nhà ga, bến xe...; Đề xuất các phương án phân luồng cũng như hạn chế giao thông công cộng trong trường hợp dịch bệnh bùng phát để hạn chế lây lan dịch bệnh.

Sở LĐ-TB&XH đảm bảo công tác an sinh xã hội cho những người trong khu vực có dịch bệnh, hỗ trợ kịp thời đối với trường hợp tử vong do bệnh dịch theo quy định. Cung cấp cho ngành Y tế thông tin về các trường hợp đi lao động tại các vùng có dịch trở về Việt Nam và lưu trú trên địa bàn Thành phố.

Sở VH&TT chỉ đạo và hướng dẫn Ban tổ chức Lễ hội các địa phương, khuyến cáo nhân dân hạn chế tập chung đông người và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Corona; Tham mưu UBND Thành phố dừng tổ chức lễ hội do thành phố quản lý nếu thấy cần thiết.

Sở TN&MT chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc và thường xuyên việc thu gom rác thải đặc biệt là rác thải y tế có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố.

Sở NN&PTNT phối hợp Công an thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi săn bắn, bẫy bắt, mua bán, kinh doanh, vận chuyển tiêu thụ và nuôi nhốt trái pháp luật các loài động vật hoang dã.

Cục Quản lý Thị trường Hà Nội phối hợp với Công an thành phố và các Sở, ngành đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng động vật và thực phẩm động vật nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ đang có dịch, các mặt hàng thủy hải sản, nội tạng gia súc gia cầm không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở, nhà hàng kinh doanh tại các Khu Du lịch, Lễ hội kinh doanh các loại động vật hoang dã bị cấm kinh doanh; Tuyên truyền hướng dẫn nhân dân không sử dụng tiêu thụ thức ăn động vật hoang dã. Vận động ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong kinh doanh, cam kết không kinh doanh thịt động vật hoang dã trái quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, dụng cụ bảo hộ khẩu trang, găng tay...) để bảo vệ sức khỏe, dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh của virus Corona để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh. Phát hiện xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng nhu cầu tiêu thụ tăng cao để đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, bán hàng giả không đảm bảo chất lượng nhằm thu lợi bất chính.

Công an thành phố chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã, đặc biệt Công an khu vực của các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Trạm Y tế xã, phường trong việc giám sát quản lý và cung cấp thông tin những người đi về từ vùng có dịch bệnh nCoV đang lưu trú trên địa bàn; Phối hợp thực hiện cưỡng chế cách ly, khử khuẩn, triển khai các biện pháp chống dịch khi cần thiết. Tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo phòng quân Y các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch; Xây dựng phương án triển khai khu vực cách ly và Bệnh viện dã chiến chi viện cho ngành Y tế trong tình huống khẩn cấp vượt quá khả năng đáp ứng của ngành Y tế.

Cảng vụ Hàng không Miền bắc chỉ đạo các đơn vị tại Sân bay quốc tế Nội Bài triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh từ vùng có dịch; Gửi danh sách người nhập cảnh từ vùng có dịch để giám sát sức khỏe kịp thời.

Bảo Khánh

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội ban hành kế hoạch phòng, chống dịch do virus Corona gây ra với 4 cấp độ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới