Hà Nội cho phép mở lại karaoke, massage, quán ba từ 0h ngày 8/4
Từ 0h ngày 8/4, Hà Nội cho phép các loại hình kinh doanh dịch vụ như: Karaoke, massage, quán bar, trò chơi điện tử, internet hoạt động trở lại từ 0h ngày 8/4/2022. Tuy nhiênphải bảo đảm các điều kiện theo quy định, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19
Ngày 6/4, UBND thành phố ban hành Văn bản số 1011/UBND-KGVX về việc điều chỉnh một số biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong tình hình mới trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ như: Karaoke, massage, quán bar, trò chơi điện tử, internet hoạt động trở lại từ 0h ngày 8/4/2022 nhưng phải bảo đảm các điều kiện theo quy định, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan. Đồng thời, khuyến cáo khách hàng khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh như ho, sốt, khó thở, mất vị giác... không sử dụng dịch vụ và tham gia các hoạt động tại các địa điểm trên, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và hướng dẫn.
Văn bản nêu rõ, căn cứ vào tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, các đơn vị, tổ chức và người dân trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới; yêu cầu các sở, ngành, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người dân thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (trong đó thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và khử khuẩn) và các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, thành phố; các cơ quan, đơn vị thường xuyên tự đánh giá nguy cơ và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục thực hiện các nội dung về phòng, chống dịch theo nội dung tại Công văn của UBND thành phố về việc triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và mở cửa lại các hoạt động du lịch trong tình hình mới trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố giao các sở, ngành thành phố: Văn hóa và Thể thao, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Công an thành phố... căn cứ chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về nội dung chuyên ngành hướng dẫn, tổ chức các hoạt động nêu trên bảo đảm đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra xử lý các vi phạm phòng, chống dịch Covid-19.
UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm phối hợp các sở, ngành có liên quan kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nêu trên đủ điều kiện và hướng dẫn, tổ chức các hoạt động nêu trên bảo đảm đúng các quy định của pháp luật và an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Trong những ngày qua, Hà Nội đã giảm từ hơn 30.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày xuống còn khoảng 7.000 nghìn ca/ngày trong cả tuần nay. Bên cạnh đó, tính đến ngày 1/4, Hà Nội đã có 4 tuần liên tiếp không đánh giá, thông báo cấp độ dịch Covid-19.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu quan điểm, tại Hà Nội, số ca Covid-19 đã giảm sâu, chúng ta xác định sống chung với dịch rồi thì vẫn nên cho các dịch vụ hoạt động trở lại. Vì việc dừng quá lâu ảnh hưởng đến người dân rất nhiều, trong khi vốn đầu tư không hề nhỏ.
Theo ông Nga, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế theo dõi sát diễn biến dịch bệnh trên thế giới và trong nước để kịp thời chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Vì thế, việc cho phép karaoke được hoạt động trở lại là phù hợp.
Dưới góc nhìn kinh tế, chuyên gia Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, ở Hà Nội hiện có rất nhiều cơ sở kinh doanh karaoke đã đóng cửa hoặc treo biển cho thuê mặt bằng. Từ đó cho thấy, một lượng lớn đã không thể trụ lại, khiến rất nhiều người mất việc làm hoặc thiệt hại nặng nề về tài chính. Nếu việc đóng cửa kéo dài, tình trạng này sẽ còn nặng nề hơn, thêm nhiều cơ sở nữa sẽ phá sản.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia còn cho rằng, karaoke là một mắt xích trong chuỗi các dịch vụ cần thiết để phát triển kinh tế ban đêm khi Việt Nam mở cửa du lịch, đón khách quốc tế.
Lan Anh