Chủ nhật, 24/11/2024 06:48 (GMT+7)
Thứ ba, 13/08/2024 08:58 (GMT+7)

Hà Nội: Đánh giá hiện trạng đất công ích 10 năm bị "xẻ thịt" ở xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai

Theo dõi KTMT trên

Mặc dù hết hạn thuê đất từ 11/2014, tuy nhiên, đến tháng 8/2024, doanh nghiệp vẫn ngang nhiên hoạt động trên hàng ngàn m2 đất công ích ở xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội.

Điều 132 Luật Đất đai 2013 đã có quy định rất rõ về đất công ích. Theo đó, căn cứ vào quỹ đất, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.

Đất công ích xã chưa sử dụng vào các mục đích quy định thì Ủy ban nhân dân cấp xã cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 05 năm.

Từ những thực trạng và đánh giá tính cấp thiết của vấn đề trên, Tạp chí Kinh tế Môi trường tiếp tục triển khai tuyến bài chuyên đề về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói chung, đất công, đất nông nghiệp nói riêng trong tác động kinh tế - môi trường ở địa phương. Để minh chứng cho chuyên đề, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã khảo sát thực tiễn một số địa phương, trong đó có địa bàn xã Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội).

Tại Việt Nam, đất công bao gồm là đất chưa sử dụng, đất nhà nước chưa giao chưa cho thuê, đất sử dụng vào mục đích công cộng và đất do các tổ chức của nhà nước sử dụng. Ngược lại, đất tư là đất do các tổ chức kinh tế không thuộc sở hữu nhà nước, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng.

Từ góc độ giá trị đất đai, nguồn lực đất công luôn được dễ dàng chuyển thành nguồn lực tài chính quốc gia với nhiều biện pháp làm tăng giá trị đất công hoặc sử dụng giá trị đất công thay cho vốn tài chính. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng lãng phí đất công và bức xúc dư luận. Minh chứng rõ ràng nhất là tại xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Hàng nghìn m2 đất công biến thành xưởng sản xuất bằng cách nào?

Theo tìm hiểu của Phóng viên, tại UBND xã Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai), 10 năm qua xảy ra sự việc doanh nghiệp ngang nhiên hoạt động trên hàng ngàn m2 đất công ích mà không có hợp đồng. Điều đặc biệt, đến nay, gần 10 năm trôi qua, đất công tại xã Ngọc Liệp vẫn bị "xẻ thịt", biến thành các xưởng sản xuất nhưng sự việc này vẫn chưa bị xử lý.

Hà Nội: Đánh giá hiện trạng đất công ích 10 năm bị "xẻ thịt" ở xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai - Ảnh 1
Mặc dù đã hết hạn hợp đồng gần 10 năm nhưng các xưởng này vẫn ngang nhiên tồn tại và sản xuất trên đất công ích.

Cụ thể, mới đây, UBND xã Ngọc Liệp vừa có báo cáo số 144 ngày 14/6/2024 về việc sử dụng đất công do UBND xã quản lý và đất nông nghiệp làm xưởng sản xuất, kinh doanh của công ty tư nhân Tuyết Đông, địa chỉ tại Gò Mâu, thôn Liệp Mai, xã Ngọc Liệp. Báo cáo này cho thấy, tại thôn Liệp Mai đang tồn tại vi phạm của công ty tư nhân Tuyết Đông. Theo đó, công ty tư nhân Tuyết Đông thuê đất công của UBND xã Ngọc Liệp có thời gian là 5 năm.

Đến 22/11/2013, UBND xã Ngọc Liệp tiếp tục cho công ty trên gia hạn hợp đồng 01 năm diện tích 4.893,7m2. Đến 22/11/2014, hợp đồng hết hạn và không gia hạn thêm. Được biết, công ty tư nhân Tuyết Đông do ông Chu Văn Đông làm giám đốc có hoạt động sản xuất và kinh doanh đồ cơ khí. 

Thực trạng kiểm tra trên khu đất mà UBND xã Ngọc Liệp cho công ty tư nhân Tuyết Đông cho thấy, công ty này đã xây dựng 2 xưởng sản xuất với cột, kèo sắt, mái tôn và 2 nhà điều hành. Xưởng 1 có diện tích 3.000m2; xưởng 2 diện tích 2.652,3m2; 2 nhà điều hành có diện tích 198m2. Tổng diện tích xưởng, nhà điều hành là 5.821.3m2 và có 1 khu sửa chữa máy móc cơ khí cho doanh nghiệp nước ngoài thuê.

Hà Nội: Đánh giá hiện trạng đất công ích 10 năm bị "xẻ thịt" ở xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai - Ảnh 2

"Diện tích đất công UBND xã trích đo hiện trạng năm 2024 là 14.411m2 bao gồm đất công Gò Đống Mâu và diện tích UBND xã Ngọc Liệp cho Công ty Vinacomix thuê làm trạm trộn bê tông đã hết hạn và thanh lý hợp đồng. Hiện tại, công ty tư nhân Tuyết Đông không có hợp đồng thuê thầu của cấp có thẩm quyền, cũng như không có hợp đồng thuê đất công của UBND xã Ngọc Liệp quản lý", báo cáo của UBND xã Ngọc Liệp nêu rõ.

Được biết, UBND xã Ngọc Liệp đã có thông báo số 16 vào 16/2/2024 gửi công ty tư nhân Tuyết Đông tạm dừng sản xuất, kinh doanh để xác minh lại diện tích đất công và đất nông nghiệp. Tuy nhiên, báo cáo của UBND xã Ngọc Liệp cho thấy, doanh nghiệp này vẫn hoạt động sản xuất.

Theo thông tin mà phóng viên có được, ngày 25/7/2024, Chánh thanh tra huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Luyện đã ký quyết định số 20 về việc thanh tra quản lý, sử dụng đất công tại khu Gò Đống Mâu, thôn Liệp Mai, xã Ngọc Liệp. Thời hạn thanh tra là 30 ngày. Đoàn thanh tra do bà Lê Thị Sáu, Phó chánh thanh tra huyện Quốc Oai làm trưởng đoàn. Trong quyết định này yêu cầu đoàn thanh tra kiến nghị xử lý những sai phạm và đề xuất những giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót trong việc chấp hành các quy định của pháp luật của đối tượng thanh tra (nếu có).

8 năm không hợp đồng cho thuê đất UBND xã vẫn nhận tiền?

Ngày 8/8, để rộng đường dư luận, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Ngọc Liệp. Tại buổi làm việc này, ông Tạ Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Liệp khẳng định, 2 xưởng sản xuất của công ty tư nhân Tuyết Đông nằm trên đất công của UBND xã Ngọc Liệp quản lý và đất nông nghiệp.

Ông Chiến khẳng định, việc cho thuê từ thời lãnh đạo nhiệm kỳ trước. Thời gian cho thuê bắt đầu tư năm 2009 đến 2013 và có gia hạn thêm 1 năm là 2014. Giá công ty thuê đất công ích của xã là 90 triệu đồng/năm. Từ đó đến nay, xã không gia hạn thêm hợp đồng nữa.

Hà Nội: Đánh giá hiện trạng đất công ích 10 năm bị "xẻ thịt" ở xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai - Ảnh 3
Toàn bộ 2 xưởng của công ty tư nhân Tuyết Đông nằm trên đất công do UBND xã Ngọc Liệp quản lý và đất nông nghiệp. 

Phóng viên đặt câu hỏi, tại sao từ năm 2014 đến nay, UBND xã không gia hạn cho doanh nghiệp thuê đất nhưng doanh nghiệp vẫn ngang nhiên hoạt động. Ông Chiến trả lời: "Từ năm 2014 đến 2022, mặc dù UBND xã không gia hạn hợp đồng thuê nữa nhưng hàng năm doanh nghiệp vẫn nộp tiền thuê 90 triệu đồng/năm. Đến năm 2022, tôi mới tham mưu cho Chủ tịch UBND xã là không thu tiền nữa". 

Khi phóng viên đề nghị được tiếp cận với hợp đồng cho thuê đất từ năm 2009 đến năm 2014, ông Chiến nói rằng cán bộ phụ trách không có mặt tại trụ sở UBND xã.

Nói như ông Chiến thì từ năm 2014 đến năm 2022, suốt 8 năm trời, mặc dù UBND xã Ngọc Liệp và công ty tư nhân Tuyết Đông không có hợp đồng cho thuê đất nhưng UBND xã Ngọc Liệp vẫn nhận tiền 90 triệu đồng/năm. Vậy, việc thu tiền không có hợp đồng có đúng quy định và số tiền trong 8 năm này đã được UBND xã sử dụng như thế nào? Câu hỏi này xin được gửi đến UBND huyện Quốc Oai. Và, tại sao đến thời điểm đầu năm 2024, UBND xã mới có báo cáo lên UBND huyện về hiện trạng của việc vi phạm này?

Được biết, thời điểm từ năm 2016 đến 2022, Chủ tịch UBND xã Ngọc Liệp khi đó là ông Nguyễn Danh Thuận. Hiện tại, ông Nguyễn Danh Thuận đang là Chủ tịch UBND xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai).

Ngày 13/8, Phóng viên tiếp tục liên hệ với ông Chu Văn Đông, đại diện công ty như nhân Tuyết Đông. Qua điện thoại, ông Đông từ chối trao đổi với báo chí.

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Cần xem xét có "lợi ích nhóm"?
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS.Trần Khắc Tâm, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam khẳng định, hiện tượng lấn chiếm đất công, sử dụng đất công sai mục đích xảy ra ở rất nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn. Việc chiếm dụng đất công chính quyền không thể nói là “không biết” được. Những hiện tượng nêu trên cho thấy sự bất cập, chồng chéo, kém hiệu quả trong quản lý đất công của các cấp chính quyền.
"Hiện nay, đất công trên địa bàn cả nước còn rất lớn, nếu quản lý khai thác tốt thì đây sẽ là nguồn lực phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, thực tế quản lý thời gian trước đây có sự phức tạp dẫn đến thất thoát tài sản, sai phạm của tổ chức, cá nhân. Tình trạng lãng phí đất công không chỉ gây ra mất mát tài nguyên quý báu của quốc gia mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội và kinh tế. Tôi cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương. Và, cũng cần xem trong các vụ việc chiếm dụng đất công, lãng phí đất công có "lợi ích nhóm" hay không.

Văn Chương

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Đánh giá hiện trạng đất công ích 10 năm bị "xẻ thịt" ở xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới