Hà Nội kiểm soát chặt chẽ quy hoạch nhà ở giai đoạn 2021-2030
Hà Nội sẽ phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây thành phố.
UBND TP.Hà Nội vừa có Quyết định số 3627/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở TP.Hà Nội giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, việc phát triển nhà ở của TP.Hà Nội trong giai đoạn 2021-2030 gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ, quản lý theo quy hoạch, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch; quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm; phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững.
Hà Nội sẽ phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên sông Hồng và sông Đuống...
Song song với phát triển nhà ở bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả, Hà Nội cũng chú trọng phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư, đặc biệt là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở...
Dự báo nhu cầu tổng thể nhà ở giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn thành phố là 89 triệu mét vuông sàn. Trong đó, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021-2025 khoảng 44 triệu mét vuông sàn; giai đoạn 2026-2030 là 45 triệu mét vuông sàn. Dự báo nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở giai đoạn 2021-2030 là khoảng 880.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 11.700 tỷ đồng.
Thành phố phấn đấu đến năm 2025 diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29,5 m2/người; phát triển mới 22,5 triệu mét vuông sàn nhà ở riêng lẻ; khoảng 1,25 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội; khoảng 0,565 triệu mét vuông sàn nhà ở tái định cư; 19,69 triệu mét vuông sàn nhà ở thương mại.
Triển khai cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp), các khu chung cư, nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại có phát sinh trong quá trình kiểm định và các khu chung cư, nhà chung cư khác có tính khả thi, đủ điều kiện để triển khai theo quy định.
Đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 32 m2/người; phát triển mới khoảng 22,5 triệu mét vuông sàn nhà ở riêng lẻ; 2,5 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội; 1,3 triệu mét vuông sàn nhà ở tái định cư; 15,19 triệu mét vuông sàn nhà ở thương mại. Triển khai cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ (6 khu có tính khả thi cao: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân và hoàn thành 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D).
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm: "TP Hà Nội cần xác định rõ quy mô quỹ đất dành cho phát triển nhà ở, đặc biệt với NƠXH, nhà ở giá rẻ ở mỗi phân khu quy hoạch. Dành tỷ lệ đất ở hợp lý trong tổng số đất đai quy hoạch để phát triển NƠXH, từ đó có kế hoạch đảm bảo nguồn cung phù hợp với nhu cầu nhà ở trong từng giai đoạn.
Đồng thời, các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 quy mô từ 10ha trở lên, tỷ lệ bố trí đất xây NƠXH phải đảm bảo nguyên tắc dành bình quân 25% diện tích đất ở theo Nghị quyết của HĐND TP”.
Huyền Diệu