Chủ nhật, 24/11/2024 05:43 (GMT+7)
Thứ tư, 12/10/2022 07:10 (GMT+7)

Hà Nội: Tăng cường rà soát, quản lý và sử dụng đất đai

Theo dõi KTMT trên

Thực hiện chỉ đạo của Bộ TN&MT, UBND TP.Hà Nội ban hành Công văn số 3195/UBND-TNMT về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ TN&MT, UBND TP.Hà Nội giao Sở TN&MT Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát, tổ chức thực hiện các nội dung:

Tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và thực hiện cung cấp dịch vụ công về đất đai; cải cách thủ tục hành chính công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thực hiện điều tra, đánh giá đất đai; thanh tra, kiểm tra đối với công tác quản lý, sử dụng đất.

Chấn chỉnh công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận; rà soát, thống kê đầy đủ các trường hợp còn tồn đọng chưa đăng ký đất đai, chưa cấp giấy chứng nhận, làm rõ nguyên nhân và có kế hoạch, biện pháp cụ thể giải quyết dứt điểm trường hợp tồn đọng; làm rõ trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với cán bộ, người có trách nhiệm nếu chậm giải quyết hồ sơ đã tiếp nhận... Tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối… để phân lô, bán nền; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định.

Hà Nội: Tăng cường rà soát, quản lý và sử dụng đất đai - Ảnh 1
Hà Nội chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, thanh tra, kiểm tra, rà soát những dự án có sử dụng đất, không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; dự án chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở.

Các vi phạm đối với việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, công trình dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích; thanh tra, kiểm tra vi phạm trong việc tách thửa, phân lô, bán nền làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản; công tác xác định giá đất; công tác thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.

Chấn chỉnh, tổ chức sắp xếp, bố trí hợp lý công tác tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; không để tình trạng quá tải, kéo dài thời gian tiếp nhận, giải quyết hồ sơ làm phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu, gây bức xúc trong nhân dân; rà soát, tham mưu sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục không hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch đất đai. Rà soát, tham mưu sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục không hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch về đất đai.

TP.Hà Nội cũng yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện đối với diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường bàn giao về địa phương quản lý còn khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tổng hợp đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định.

Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế Thành phố tham mưu UBND TP.Hà Nội bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và vận hành hệ thống thông tin đất đai. Trước mắt, ưu tiên bố trí cho hoạt động quản lý, xây dựng, nâng cấp, duy trì, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai.

Nhận thức rõ quản lý đất đai là vấn đề phức tạp, đồng thời các vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập, TP.Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể trong tăng cường quản lý, kiểm tra công tác quản lý đất đai. Trong Kế hoạch triển khai Chương trình số 05-CTr/TU, ngày 16/7/2021, Hà Nội phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành liên quan, chỉ đạo công việc cụ thể cho lĩnh vực này. 

Ngoài ra, theo kiến nghị của Hội đồng nhân dân thành phố, UBND thành phố cũng cần thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế của từng dự án đầu tư; trên cơ sở hồ sơ cụ thể, kiến nghị biện pháp xử lý dứt điểm với các dự án vi phạm Luật Đất đai, nợ nghĩa vụ tài chính kéo dài. Đồng thời, quan tâm giải quyết các đề nghị của cơ quan thuế đối với các hồ sơ có vướng mắc trong quá trình xác định nghĩa vụ tài chính, xác định số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng được khấu trừ (nếu có) của các dự án đầu tư.

Năm 2021, trong công tác quản lý đất đai, Sở TN&MT Hà Nội đã thẩm định, trình UBND Thành phố quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được 255 dự án, diện tích là 370,1ha; kết quả thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất được khoảng 10.880/12.800 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch; thu 11.055 tỷ đồng/20.700 tỷ đồng tiền sử dụng đất, đạt 53,4% kế hoạch; thu 7.250 tỷ đồng/5.820 tỷ đồng tiền thuê đất, đạt 124,5%.

​Về công tác giao đất dịch vụ, Sở đã tổng hợp nhu cầu giao đất dịch vụ trên địa bàn TP, tính đến nay đã giao được 40.535 hộ/49.945 hộ đủ điều kiện, đạt 81,16% tương ứng với 399,67 ha, còn lại 9.410 hộ (18,84%) tương ứng với 142,762 ha chưa được giao đất dịch vụ.

​​Đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Hà Nội năm 2021 cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, tổng số thửa đất cần đăng ký, cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư là 1.678.912 thửa đất, kê khai, đăng ký đất đai và cấp Giấy chứng nhận là 1.672.222 thửa/1.678.912 thửa, đạt 99,6%. Cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở cho 254.389 căn/368.337 căn (tại 787 dự án), đạt 69,1%. Cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tái định 14.243/15.279 căn, đạt 93,22;...

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Tăng cường rà soát, quản lý và sử dụng đất đai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới