Chủ nhật, 24/11/2024 05:51 (GMT+7)
    Thứ sáu, 08/04/2022 09:00 (GMT+7)

    Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm xin nộp tiền thành 6 đợt

    Theo dõi KTMT trên

    Theo thông tin, Cục Thuế TP.HCM nhận được văn bản của 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm, đề nghị phân kỳ nộp tiền sử dụng đất từ tháng 4/2022 đến tháng 9/2022, chia thành 6 đợt.

    Hai doanh nghiệp đề nghị phân kỳ nộp tiền sử dụng đất

    Sau khi trúng đấu giá, có nhiều sự kiện trong và ngoài nước ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế nên Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega xin UBND TP.HCM cho trả góp theo từng tháng. Cụ thể, tháng 4 nộp 15% và các tháng 5, 6, 7, 8 mỗi tháng nộp 17%, tháng 9 thanh toán toàn bộ số tiền còn lại.

    Cụ thể, ngày 7/4, Công ty CP Dream Republic (trúng đấu giá lô đất 3-5) và Công ty CP Sheen Mega (trúng giá lô 3-8) đã có công văn gửi UBND TP.HCM xin gia hạn nộp tiền trúng đấu giá đất cùng các loại phí liên quan đến tháng 9/2022.

    Theo công văn của Công ty CP Dream Republic do Tổng giám đốc Trần Thị Mộng Linh ký, trước và sau khi trúng đấu giá công ty đã gặp gỡ các đối tác tiềm năng để xây dựng định hướng phát triển dự án trên lô đất 3-5, Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các đối tác hoàn toàn ủng hộ theo hướng xây dựng định vị thương hiệu thay vì chỉ đặt lợi nhuận lên hàng đầu.

    Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm xin nộp tiền thành 6 đợt - Ảnh 1
    Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm còn lại xin trả góp với UBND TP.HCM theo từng tháng. (Ảnh: Chí Hùng)

    Mặt khác, sau khi trúng đấu giá có nhiều sự kiện trong và ngoài nước ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế, đặc biệt là những thông tin sau khi hai doanh nghiệp bỏ cọc gây tác động xấu, ảnh hưởng đến niềm tin của các đối tác chiến lược, việc công ty chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính là nằm ngoài khả năng kiểm soát của doanh nghiệp. Dù khó khăn nhưng công ty đang nỗ lực để thu xếp nguồn tài chính để nộp vào ngân sách nhà nước tiền trúng đấu giá đất cũng như các khoản phí, lệ phí… liên quan.

    Tương tự công văn của Công ty CP Sheen Mega do Tổng giám đốc Nguyễn Thị Huyền ký gửi UBND TP.HCM và các sở ngành liên quan cũng nêu các khó khăn chủ quan khách quan, dẫn đến việc chậm nộp tiền trúng đấu giá và các khoản phí liên quan. Với mong muốn tiếp tục thực hiện dự án trên các lô đất sau khi trúng đấu giá, từ đó hai doanh nghiệp trên đã kiến nghị các cơ quan chức năng TP.HCM phương án thanh toán chậm việc nộp tiền trúng đấu giá.

    Như vậy, hai doanh nghiệp này xin kéo dài thời gian nộp tiền trúng đấu giá đất và các khoản phí liên quan, bao gồm tiền phạt chậm nộp đến tháng 9/2022. Cụ thể, tháng 4 nộp 15% và các tháng 5, 6, 7, 8 mỗi tháng nộp 17%, tháng 9/2022 thanh toán toàn bộ số tiền còn lại.

    Bộ Tài nguyên đề xuất quy định xử lý bỏ cọc

    Sau ồn ào đấu giá đất Thủ Thiêm, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

    Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm xin nộp tiền thành 6 đợt - Ảnh 2
    Hai doanh nghiệp còn lại đã kiến nghị các cơ quan chức năng TP.HCM phương án thanh toán chậm việc nộp tiền trúng đấu giá.

    Tại dự thảo này, Bộ đề xuất bổ sung quy định về xác định và phê duyệt giá khởi điểm của thửa đất đấu giá; điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá; quy định quyền và trách nhiệm của người tham gia đấu giá...

    Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên; có kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất.

    Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư. Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.

    Phải nộp tiền đặt trước và có tài sản bảo đảm cho tổ chức đấu giá để đảm bảo năng lực tài chính thực hiện dự án khi trúng đấu giá theo phương án được phê duyệt.

    Dự thảo quy định, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện quy định tại điểm 1, điểm 5 nêu trên. Trường hợp cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải bảo đảm các điều kiện quy định nêu trên.

    Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.

    Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới 5 triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.

    Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì sẽ phải bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước. Sau khi người tham gia đấu giá nộp đủ tiền bồi thường cho Nhà nước thì sẽ được nhận lại tài sản thế chấp. Trường hợp người tham gia đấu giá không nộp tiền bồi thường sẽ bị khấu trừ vào tài sản thế chấp.

    “Giá trị của tài sản bảo đảm phải lớn hơn giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá có thể thỏa thuận thay thế tài sản bảo đảm và tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng”, dự thảo nêu rõ.

    Cấm tham gia đấu giá trong 5 năm nếu tự ý bỏ cọc

    Đáng chú ý, dự thảo quy định, trường hợp người tham gia đấu giá tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng, ngoài tiền đặt trước, người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

    Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì trong thời gian 5 năm không được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

    Sau khi người tham gia đấu giá nộp đủ tiền bồi thường cho nhà nước thì sẽ được nhận lại tài sản thế chấp. Trường hợp người tham gia đấu giá không nộp tiền bồi thường sẽ bị khấu trừ vào tài sản thế chấp.

    Theo dự thảo, người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong các trường hợp sau đây: Đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng; bị truất quyền tham gia đấu giá do có hành vi vi phạm quy định của pháp luật; từ chối ký biên bản đấu giá theo quy định; rút lại giá đã trả hoặc giá đã chấp nhận; từ chối kết quả trúng đấu giá mà không có lý do chính đáng.

    Dự thảo quy định, người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến thửa đất đấu giá; có quyền từ chối tham gia cuộc đấu giá và được nhận lại tiền đặt trước trong trường hợp có thay đổi về giá khởi điểm, vị trí, diện tích, loại đất đã niêm yết, thông báo công khai; trường hợp khoản tiền đặt trước phát sinh lãi thì người tham gia đấu giá được nhận tiền lãi đó.

    Thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã được phê duyệt trong phương án đấu giá quyền sử dụng đất; người trúng đấu giá không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì Nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không bồi thường.

    Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung loạt quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó quy định rõ việc xử phạt đối với trường hợp tự ý bỏ cọc khi tham gia đấu giá đất. Đồng thời, đề xuất khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm xin nộp tiền thành 6 đợt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới