Hàng không “đua” mở đường bay quốc tế, mong “ngắt lỗ”
Nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh, mở rộng thị trường hàng không, gia tăng doanh thu… nhiều hãng hàng không trong nước và quốc tế cấp tập mở hoặc lên kế hoạch mở đường bay tới các thành phố lớn, điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế khẳng định, ngành hàng không đang phục hồi kinh doanh nhưng doanh thu chủ yếu đến từ các đường bay quốc tế. Số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cũng cho thấy, lượng khách nội địa trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 17 triệu khách, giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng không “kéo” khách bay quốc tế
Theo thông tin từ hãng hàng không Vietnam Airlines, cuối tháng 10 tới đây hãng sẽ đưa vào khai thác đường bay thẳng nối Thủ đô Hà Nội (Việt Nam) với Phnom Penh (Campuchia). Điều này không chỉ thúc đẩy hoàn thiện hơn về mạng lưới đường bay và khả năng kết nối giao thương của Vietnam Airlines mà còn “tạo ra sức hấp dẫn lớn cho du khách tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu có nhu cầu du lịch kết hợp Việt Nam với các điểm đến trong khu vực”, đại diện Vietnam Airlines chia sẻ.
Trong khi đó Vietravel Airlines cũng đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên kết nối Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) tới Phú Quốc (Việt Nam), đánh dấu hành trình nỗ lực mở rộng mạng lưới đường bay quốc tế đến các thị trường gửi khách lớn của Việt Nam trong năm nay. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, Vietravel Airlines cũng đã khai thác thêm các đường bay charter (chuyến bay thuê chuyến): Hà Nội - Tam Á (Trung Quốc), TPHCM - Takamatsu/Fukushima (Nhật Bản), Đà Nẵng - Fukushima.
Thậm chí từ tháng 8/2024, Vietravel Airlines cũng bắt đầu triển khai phát triển mạng đường bay, tăng tần suất khai thác dịp cao điểm hè và mở rộng các chuyến bay đến Trung Quốc như Huế/Đà Nẵng - Đài Trung.
Còn với Vietjet, hãng hàng không giá rẻ này thông tin sẽ nhận thêm 10 tàu bay thế hệ mới, các máy bay mới này dự kiến giao từ tháng 8/2024 phần lớn là các tàu bay A321neo ACF hiện đại nhất hiện nay của Airbus để đáp ứng nhu cầu phát triển, phục vụ người dân, du khách trên khắp các đường bay trong nước, quốc tế.
“Với 10 tàu bay sắp nhận từ nay đến cuối năm 2024, Vietjet sẽ tiếp tục mở rộng mạng bay của mình tại Việt Nam và quốc tế, với các điểm đến mới tại Australia, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia… và xa hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách”, đại diện Vietjet thông tin. Những chuyến bay của Vietjet kết nối các quốc gia, các dân tộc, các châu lục, thúc đẩy phát triển các nền kinh tế, giao lưu văn hóa, du lịch…
Việc khai thác, mở rộng đường bay quốc tế không chỉ diễn ra ở các hãng hàng không Việt Nam mà ngay cả hãng hàng không nước ngoài cũng đã gửi hồ sơ, thủ tục tới Cục hàng không Việt Nam để xin cấp phép bay. Cụ thể, mới đây hãng hàng không Hoàng gia Drukair Royal Bhutan Airlines đã nộp hồ sơ xin cấp phép bay của hãng này nhằm khai thác đường bay Hà Nội/TPHCM – Paro theo hình thức chuyến bay charter (thuê chuyến) với tần suất 2 - 3 chuyến charter/tuần.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, bà Nguyễn Phạm Quỳnh Anh, Giám đốc Marketing Hong Ngoc Ha Travel (đơn vị được Drukair Royal Bhutan Airlines chỉ định làm tổng đại lý bán vé chính thức), việc mở đường bay thẳng từ Việt Nam đến Bhutan sẽ giúp du khách dễ dàng tiếp cận một quốc gia đầy mê hoặc, thúc đẩy du lịch và giao lưu văn hóa giữa hai nước. Đồng thời giúp người Việt tăng thêm sự lựa chọn mới để khám phá quốc gia được mệnh danh là “hạnh phúc nhất thế giới”.
Hay như hãng hàng không West Air (Trung Quốc) vừa ra mắt đường bay mới giữa Trùng Khánh (Trung Quốc) kết nối với Hà Nội (Việt Nam), tần suất 3 chuyến khứ hồi mỗi tuần. Chia sẻ về nguyên nhân mở đường bay mới, West Air cho rằng lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam và từ Việt Nam đến Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng, trong đó đường bay mới giữa Trùng Khánh và Hà Nội được kỳ vọng có thêm nhiều khách hàng lựa chọn.
Theo Kirin Capital, trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường hành khách từ Trung Quốc cũng đã quay trở lại vị trí thứ 2 trong số 10 thị trường quốc tế lớn nhất đến Việt Nam. Trong khi đó, số lượng khách nội địa lại cho thấy dấu hiệu sụt giảm nhẹ so từ mức 43,2 triệu lượt khách trong năm 2022 xuống chỉ còn 42 triệu lượt trong năm 2023, chiếm 56,8% tổng vận tải khách hàng. Tiếp đà sụt giảm, lượng khách nội địa trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 17 triệu khách, giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.
Đón sóng hàng không – du lịch
Theo số liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2024, cả nước đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế và hơn 79,5 triệu lượt khách nội địa. Dự kiến, lượng khách quốc tế lẫn nội địa trong năm nay đều vượt mục tiêu.
Với ngành hàng không, Cục Hàng không Việt Nam dẫn dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho thấy thị trường hàng không toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm nay. Trong đó, thị trường châu Á - Thái Bình Dương (gồm Việt Nam) có thể ngắt mạch lỗ và đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỉ USD.
“Tính đến lịch bay mùa hè 2024, 63 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam đã khôi phục hoàn toàn mạng đường bay quốc tế như giai đoạn trước dịch Covid-19 và còn tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới ở Trung Á, Ấn Độ, Australia. Các hãng hàng không Việt Nam chiếm 44% thị phần hành khách quốc tế với hệ số sử dụng ghế trung bình trên 77%”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thông tin.
Báo cáo “Vận tải hàng hóa hàng không - động lực mới” do Kirin Capital công bố, cũng cho thấy số lượt khách quốc tế quay trở lại thị trường Việt Nam ngày một gia tăng. Năm 2021, thời điểm khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không “chạm đáy” do ảnh hưởng dịch Covid-19, ngành hàng không chỉ phục khoảng 540.000 lượt. Tuy nhiên, đến hết năm 2023, số lượng khách quốc tế đã phục hồi trở lại và đạt mức 32 triệu lượt, chiếm 43,2% trên tổng số lượt khách.
Đón đầu cơ hội, các hãng hàng không Việt Nam cho biết đang và sẽ đẩy mạnh mạng bay quốc tế trong bối cảnh doanh thu của mạng bay này tăng mạnh. Chẳng hạn, Vietnam Airlines có kế hoạch mở thêm hàng loạt đường bay vào năm 2025, bên cạnh đường bay thẳng tới Munich (Đức) sẽ dự kiến đưa vào khai thác từ tháng 10/2024. Chia sẻ về kế hoạch mở rộng đường bay hồi đầu năm 2024, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines thông tin hãng sẽ nghiên cứu mở thêm nhiều đường bay quốc tế như Milan (Ý), Copenhagen (Đan Mạch) và Bắc Mỹ (gồm Seattle - Mỹ, Vancouver - Canada)...
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, các hãng hàng không đều ghi nhận doanh thu tăng mạnh đến từ đường bay quốc tế. Trong đó, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất hơn 53.126 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã vận chuyển gần 11,5 triệu lượt hành khách và 143.000 tấn hàng hóa bưu kiện, tăng lần lượt 10% và 42,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, tổng lượt khách của thị trường quốc tế đạt gần 20 triệu, tăng 42% so cùng kỳ, phục hồi gần bằng mức trước dịch Covid-19.
Trong báo cáo giải trình kết quả kinh doanh tăng đột biến 6 tháng đầu năm 2024, Vietjet cho hay doanh thu hợp nhất đạt 34.016 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.311 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 15% và 433% so với cùng kỳ, với đóng góp không nhỏ của khách quốc tế. Hãng khai thác 149 đường bay, gồm 38 đường bay nội địa và 111 đường bay quốc tế, tới Tây An, Đài Trung, Cao Hùng (Trung Quốc) và Daegu (Hàn Quốc)...
Theo Cục hàng không Việt Nam, hiện 63 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng Việt Nam đã phục hồi tương đương giai đoạn trước dịch Covid-19. Các hãng khai thác gần 160 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với các điểm đến trên thế giới.
Võ Chí Kiên