Hành trình trải nghiệm của Gen Z khi chinh phục Đại ngàn Pu Ta Leng
Pu Ta Leng (Tam Đường, Lai Châu) - Khu rừng cổ tích, nơi đã thôi thúc bước chân của biết bao người có niềm đam mê xê dịch. Chúng tôi thật may mắn khi được đồng hành cùng trưởng bản Sì Thâu Chải chinh phục đạị ngàn kì vĩ này.
Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, Pu Ta Leng vinh dự là ngọn núi cao thứ 3 ở Việt Nam với vẻ đẹp hoang sơ và kì vĩ, nơi đây đã thôi thúc bước chân của biết bao người có niềm đam mê xê dịch. Chúng tôi thật may mắn khi được đồng hành cùng trưởng bản Sì Thâu Chải chinh phục đại ngàn kì vĩ này.
Giữa tháng 2 năm Giáp Thìn, khi thời tiết vẫn còn đang mát mẻ, nhóm chúng tôi 8 người nhận được lời mời của anh Lù A Nghi - Trưởng bản Sì Thâu Chải lên đường chinh phục đỉnh núi Pu Ta Leng hùng vĩ và ngắm vẻ đẹp hoa Đỗ Quyên.
Chuẩn bị hành lí, chúng tôi di chuyển từ Hà Nội lên bản Sì Thâu Chải, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu trong niềm háo hức cùng với một chút lo lắng về cung đường tới đỉnh Pu Ta Leng. Đây là cung đường được nhận định vô cùng khó khăn bởi địa hình hiểm trở, các dốc đá trơn trượt nối tiếp nhau chính vì vậy chinh phục ngọn núi này chưa bao giờ là đơn giản.
Chọn cung đường 2 ngày 1 đêm, đoàn chúng tôi dưới sự hướng dẫn của anh Lù A Nghi cùng với 2 anh chị hỗ trợ mà dân leo núi thường gọi là“Porter” khẩn trương xuất phát từ Bản Sì Thâu Chải lúc 6h sáng để có thể ngắm được hoàng hôn trên đỉnh Pu Ta Leng.
Thời tiết giữa tháng 3 khí trời còn se lạnh, nhưng chỉ di chuyên vài trăm mét với chiếc balo đựng đầy đồ ăn, nước uống và một số đồ dùng cá nhân cũng khiến chúng tôi nóng người. Lúc này, tôi mới hiểu mọi người thường không leo các ngọn núi ở phía bắc từ trong khoảng cuối tháng 5 tới tháng 9, bởi thời tiết nắng nóng, hành trình leo núi sẽ rất vất vả.
Theo lịch trình của anh Nghi, chúng tôi sẽ leo 10km đường núi tới nơi ăn trưa. Sau khi ăn trưa cả đoàn sẽ tìm những tán cây để chợp mắt khoảng 15 – 20 phút rồi tiếp tục hành trình 3km tới những lán gỗ được dựng giữa rừng để bổ sung nước và đồ ăn nhẹ đồng thời gửi những đồ nặng không cần thiết để có thể di chuyển nhẹ nhàng hơn. Cuộc hành trình chưa kết thúc ở lán, chúng tôi còn 3km nữa để tới được đỉnh Pu Ta Leng cao 3.049m và phải khẩn trương để có thể ngắm nhìn hoàng hôn trên đỉnh trước khi mặt trời lặn.
Đoạn đường đầu tiên, chúng tôi vượt qua khá đơn giản, di chuyển tới độ cao 1.000 mét đầu tiên, độ dốc tăng dần, cây cối đủ hình dáng, kích cỡ xuất hiện, chúng tôi thấm mệt, cảm thấy cơ thể nóng bừng.
Tuy nhiên, đó chỉ như “món tráng miệng” thôi; ở khoảng 2,5km đó mới thực sự là thử thách về thể chất và tinh thần khi đường đi quá nhỏ và gập ghềnh, chúng tôi thực sự đi sâu vào khu rừng rậm rạp, không hề có đường mà chỉ là những lối mòn bé xíu băng qua những nương thảo quả, nhiều đoạn dốc ngược đến nỗi phải bám vào rễ cây hoặc nắm tay người đi trước.
Đây chính là thử thách "khó nhằn" của Pu Ta Leng, làm cho cung đường leo núi này khó hơn nhiều so với Bạch Mộc và Fansipan. Nhiều đoạn, chúng tôi phải đu mình lên những nhánh cây rừng để leo, có đoạn chúng tôi phải đi bằng "bốn chi" để vượt qua. Có đoạn thì đường lại thoải, chúng tôi thong thả đi dưới những tán cây cổ thụ vừa mát mẻ, vừa cảm nhận hương thơm của núi rừng.
Sau khoảng một tiếng leo, chúng tôi tiếp cận một khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại của Việt Nam, tận mặt chứng kiến một thảm thực vật đa dạng. Xen giữa khu rừng là dòng suối chảy róc rách, nước trong vắt và mát lạnh.
Đến 12h, chúng tôi dừng lại nghỉ ăn trưa. Anh Nghi cùng anh chị porter đã chuẩn bị sẵn đồ ăn và nước uống cho chúng tôi. Những món ăn rất đơn giản nhưng lại là “cao lương mỹ vị” của những người đã thấm mệt.
Anh Lù A Pao - Porter với dáng người mảnh khảnh cùng nụ cười tươi trong sáng vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về nghề nghiệp của mình: “Anh làm nghề porter này từ năm 2018, anh cũng không hiểu về công việc này nhiều nhưng từ khi thấy du khách tới và nhờ anh dẫn đi leo núi anh mới tìm hiểu công việc này và theo đuổi nó tới bây giờ. Tới thời điểm bây giờ anh còn chẳng nhớ nổi anh đã đồng hành cùng du khách leo bao nhiêu quả núi, vượt qua bao nhiêu khó khăn, chạm được biết bao nhiêu cột mốc”.
Anh chia sẻ về sự vất vả của công việc khi mỗi chuyến đều phải cõng trên vai cả chục cân hành lí để hỗ trợ du khách có thể chinh phục các cung đường và phải bám sát hành khách vì chỉ không tập trung rất có thể chúng ta sẽ bị lạc đường; không phải ngẫu nhiên mà các anh được ví như “la bàn sống” trong rừng. Anh còn lưu ý với chúng tôi chuẩn bị đầy đủ nước và thức ăn và điều quan trọng nhất trong chuyến đi là sự an toàn của các thành viên.
Sau bữa ăn, ai nấy tìm những phiến đá bằng phẳng dưới tán lá rừng, tranh thủ chợp mắt 15-20 phút để còn lấy sức tiếp tục cuộc hành trình khó khăn trước mắt.
Sau hành trình 11 tiếng ròng rã, tại độ cao 3.049m, chóp đánh dấu đỉnh Pu Ta Leng là đích đến cuối cùng mà bất cứ người leo núi nào cũng mong được chạm vào và chụp ảnh check-in.
Trong giây phút ấy, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc biết nhường nào, tuy vất vả nhưng đầy cảm xúc khi đã chinh phục được một trong những đỉnh núi khó nhất Việt Nam mà bất cứ tay trekking nào cũng đều mong muốn chinh phục được.
Dường như mệt mỏi như tan biến ngay khi nhìn thấy đỉnh chóp sáng bóng. Cảm xúc còn lại là niềm tự hào khi chinh phục được mục tiêu, bứt phá và vượt qua những giới hạn mà nếu không làm, sẽ chẳng ai nghĩ mình có thể làm được.
Từ đỉnh về lán, chúng tôi di chuyển nhanh hơn vì đường đi xuống dốc, tuy nhiên chúng tôi lại gặp phải một khó khăn khi mặt trời đang xuống núi và chúng tôi sẽ phải di chuyển trong rừng khi trời đã tối để về được lán gỗ. Do đã dự tính trước con đường và từng thời điểm trong ngày anh A Pao đã chuẩn bị sẵn đèn cho chúng tôi đeo trên trán để di chuyển dễ dàng hơn. Mất hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới được lán gỗ nghỉ qua đêm để vệ sinh cá nhân và dùng bữa tối.
Lán nghỉ có thể chứa được 80 người nằm dưới thung lũng kín gió cạnh con suối lớn, mới được một nhóm người dân địa phương dựng cách đây vài năm. Trước đó, người leo phải dựng lều để nghỉ, nếu gặp thời tiết xấu hay trời mưa thì rất lạnh và nguy hiểm, có nguy cơ gặp lũ quét, cành cây gãy đổ rơi,…
Tỉnh dậy sau 1 đêm "vạ vật" với đôi chân rã rời cùng những cơn gió rít từng đợt len qua những khe gỗ của lán dựng giữa rừng. Chúng tôi được anh Pao chuẩn bị bữa ăn sáng và chuẩn bị cho chặng đường lên đỉnh Đỗ Quyên ngắm hoa cùng cuộc hạ sơn kéo dài 10 tiếng tiếp đó.
Vừa đi, các anh vừa kể cho chúng tôi nghe về những loại cây mọc bên đường, nhiều cây với những tên địa phương rất lạ các anh cũng không biết giải thích cho chúng tôi như thế nào. Pu Ta Leng mang trong những sắc thái đủ đầy của cảm xúc; khi thì ma mị, ướt át thử thách chúng tôi bằng những khoảng không đậm đặc sương mờ thấm vào cây, vào những con dốc dựng ngược lấy đi của những kẻ ham mê khám phá như chúng tôi kha khá tinh thần và sức lực.
Trên đường đi, anh Lù A Nghi - Trưởng bản Sì Thâu Chải không chỉ kể cho tôi nghe về những câu chuyện núi rừng anh còn chia sẻ với chúng tôi về những trăn trở: “Ở bản của anh hiện có 63 hộ gia đình, 298 nhân khẩu đều là dân tộc Dao. Tình hình kinh tế trên đây còn nhiều khó khăn lắm anh mong được nhiều người biết tới nơi đây để du lịch đồng thời mong chính quyền quan tâm hơn đến các chính sách phát triển kinh tế, du lịch ở đây để người dân có cuộc sống sung túc hơn nữa”.
Khoảng 12h trưa, chúng tôi đã tới được đỉnh Đỗ Quyên, được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt vời của thiên nhiên núi rừng, khi đứng từ trên ngắm các trảng rừng hoa Đỗ Quyên cổ thụ đỏ, vàng, hồng và tím đua nhau khoe sắc ở phía dưới.
Bông Đỗ Quyên mang vẻ đẹp rực rỡ sắc màu lại tỏa hương thơm ngát quyến rũ, Từ độ cao 1500m trở lên loài hoa Đỗ quyên đủ màu nở ngập khắp núi rừng Pu Ta Leng đã làm nên một bức tranh phong cảnh núi rừng vô cùng hùng vĩ.
Nhìn ra xa, những cây hoa Đỗ Quyên càng nhiều, chúng tôi choáng ngợp trước những cây Đỗ Quyên mọc san sát, hoa nở bung như mời gọi du khách đến với đỉnh Pu Ta Leng.
Vẻ đẹp hoang sơ này đã khắc họa nên một bức tranh Pu Ta Leng không chỉ hùng vĩ mà còn thơ mộng, trữ tình khiến những ai đặt chân đến đây đều phải say đắm.
Anh Nghi cho chúng tôi biết, hoa Đỗ quyên còn có tên gọi khác như hoa Sơn Trà, Mãn Sơn Hồng, Bạch Quyên,… Để được chiêm ngưỡng hoa nở đẹp nhất chúng ta nên đi vào khoảng tháng 4, mỗi màu sắc của hoa là một câu chuyện mang ý nghĩa khác nhau như: Đỗ Quyên vàng tượng trưng cho gia đình và tình bạn; Đỗ Quyên tím và hồng tượng trưng cho sự vui vẻ, thoải mái, không âu lo, căng thẳng; Đỗ Quyên trắng thể hiện sự lịch sự, thanh khiết và biết kiềm chế; Đỗ Quyên đỏ đại diện cho tình yêu lứa đôi, tình cảm vợ chồng lãng mạn và nồng cháy,...
Sau khi chụp ảnh lưu niệm và tận hưởng cảm giác ngắm những ốc đảo ẩn hiển giữa đại dương mây cùng vẻ đẹp ngút ngàn cảu hoa Đỗ Quyên, chúng tôi tranh thủ thu dọn các vỏ chai nhựa và rác thải trên đỉnh và chuẩn bị cho cuộc hạ sơn hơn 10 cây số theo hướng Tả Lèng quay về bản Sì Thâu Chải.
Chúng tôi dự tính với tốc độ xuống núi buổi sáng thì tầm 17h chiều sẽ xuống chân núi. Tuy nhiên, đường xuống núi dài hơn nhiều so dự tính và cảnh đẹp như trong truyện cổ tích. Những cây gỗ lớn thân phủ đầy rong rêu, ngọn núi cao hùng vĩ cũng giữ chân chúng tôi lâu hơn mỗi khi dừng nghỉ ngắm cảnh và chụp ảnh.
Khi xuống tới chân núi, ngoảnh lại nhìn cuộc hành trình đã đi qua chúng tôi cảm thấy tự hào vì đã chinh phục được một trong những ngọn núi khó chinh phục nhất Việt Nam.
Putaleng là một đỉnh núi đáng để thử sức và đáng để leo lại nhiều lần. Chẳng phải là một đỉnh săn mây như Bạch Mộc Lương Tử hay Tà Chì Nhù, vì nơi đây chỉ toàn là cánh rừng rậm rạp, hiếm có nơi nào mà lại còn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp của rừng nguyên sinh như Putaleng. Nếu đặt chân đến đây, tôi tin rằng bạn sẽ bị mê hoặc khi đứng trong khu rừng huyền bí mang tên Putaleng này.
Việt Cường