Hỗ trợ doanh nghiệp: Cần nhanh chóng và thiết thực
Gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng đang không đạt được mục tiêu đề ra vì điều kiện cho vay quá khó để doanh nghiệp có thể tiếp cận.
Trong khi đó, gói hỗ trợ doanh nghiệp lần thứ 2 vẫn chưa được thông qua. Yêu cầu được đặt ra cấp thiết hiện nay đối với doanh nghiệp là việc hỗ trợ từ các Bộ, ngành, địa phương cần được triển khai nhanh chóng và thiết thực hơn.
Năm 2020 được đánh giá là một năm nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Hiện nay, những thị trường xuất khẩu chính của nước ta như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc đều giảm sức mua đến 50%. Theo số liệu của Chính phủ, có đến 96% số doanh nghiệp của Việt Nam bị ảnh hưởng và đã có hơn 70.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và đóng cửa, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi các doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì những gói hỗ trợ lại chưa thực sự hiệu quả và kịp thời. Trong lúc doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện nay, việc được mong chờ nhất là Chính phủ có các gói hỗ trợ đủ mạnh để doanh nghiệp có thời gian phục hồi. Còn chính quyền các địa phương thì cần tạo môi trường, hành lang pháp lý ưu việt nhất cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Hiện tại, các gói hỗ trợ vẫn còn xa với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Trong Quý III vừa qua, các doanh nghiệp trong những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, vận tải hàng hóa đường bộ, logistics, du lịch… tiếp tục gặp khó khăn. Họ đang mong đợi các gói hỗ trợ nhanh chóng triển khai để giảm bớt phần nào gánh nặng tài chính, để có thể duy trì hoạt động.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại cho rằng: "Các Ngân hàng công bố rất nhiều gói tín dụng nhưng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận được rất ít và rất chậm. Chính vì vậy giúp đỡ họ là giúp đỡ về tài chính và tín dụng. Làm thế nào các khoản trợ cấp của Chính phủ đến được doanh nghiệp nhỏ để họ có nguồn tài chính để vực dậy sản xuất, kinh doanh”.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những khó khăn về nguồn vốn, công nghệ, thị trường, chất lượng nguồn nhân lực và quy mô của doanh nghiệp còn quá nhỏ khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta chưa cao và không tham gia được vào sân chơi lớn. Thực tế này đặt ra yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp cần kiên kết hợp tác, dám đầu tư, dám chấp nhận khó khăn thách thức và dám chấp nhận rủi ro. Tác động của đại dịch Covid-19 đang đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp phải tăng cường khả năng thích ứng để phát triển. Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất điều chỉnh chính sách tài khóa mạnh hơn để kích thích sản xuất và tiêu dùng ở thị trường nội địa, nhưng tất cả vẫn đang ở thì tương lai.
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Chúng tôi sẽ công khai những dự án đang hỗ trợ, đặc biệt là dự án đang triển khai là kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp đầu chuỗi, đặc biệt là với những doanh nghiệp lớn ở nước ngoài.
Trong đó, chúng tôi sẽ lựa chọn, đánh giá năng lực để biết điểm yếu của họ ở đâu để mời các chuyên gia vào tư vấn cho họ. Làm sao để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cũng như giá thành mà doanh nghiệp đầu chuỗi họ yêu cầu. Hiện nay nhiều doanh nghiệp của Việt Nam chưa đủ tiêu chuẩn, chưa đảm bảo tiến độ và chất lượng khi tham gia vào đó".
Theo khảo sát vừa được công bố của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã chỉ ra một bức tranh không mấy sáng sủa cho các doanh nghiệp Việt. Đặc biệt là có đến 20% doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, 76% không cân đối được thu chi và 2% đã giải thể. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được ưu tiên ban hành nhanh chóng với các điều kiện phù hợp thực tế. Thay vì tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp kiệt quệ, nên hướng đến giúp các đơn vị tiết giảm được dòng tiền chi ra. Qua đó để họ cân đối và sử dụng dòng vốn còn rất mỏng nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ được người lao động và tái cấu trúc doanh nghiệp.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: "Chúng tôi không bao giờ tự nghĩ ra việc doanh nghiệp khó cái này, khó cái kia, mà chúng tôi căn cứ vào tình hình thực tiễn, đo đếm từng khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở đó chúng tôi thiết kế chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp nhỏ, chúng tôi lựa chọn các hoạt động duy trì sản xuất kinh doanh trước theo nguyên tắc thị trường. Tiếp theo chúng tôi lựa chọn cách thức quản lý mới để hướng dẫn doanh nghiệp".
Theo các chuyên gia kinh tế, việc cấp bách hiện nay là Chính phủ cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ, như đã được nhận diện. Cùng với đó, cần sớm xây dựng một số chính sách, gói hỗ trợ bổ sung giai đoạn 2 với quy mô đủ lớn và thời gian phù hợp có thể từ quý 4 này đến hết năm 2021 thì mới có thể giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thành Trung