Hỗ trợ khẩn cấp 20 tỷ đồng cho tỉnh Điện Biên, Sơn La để khắc phục hậu quả mưa lũ
Để hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống ngay sau mưa lũ, Thủ tướng quyết định sẽ chi cho Điện Biên và Sơn La mỗi tỉnh 10 tỷ đồng, ngân sách sẽ trích từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024.
Ngày 8/9, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 939/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất tại 2 tỉnh Sơn La, Điện Biên.
Cụ thể, hỗ trợ 20 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho 02 địa phương để hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống ngay sau mưa lũ (Sơn La 10 tỷ đồng, Điện Biên 10 tỷ đồng) như đề nghị của Bộ Tài chính.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh: Điện Biên, Sơn La có trách nhiệm phân bổ cụ thể số kinh phí được bổ sung nêu trên, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan; bảo đảm đúng mục đích sử dụng, không để thất thoát, tiêu cực. Sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống ngay sau mưa lũ.
Những ngày qua, tại các tỉnh miền núi phía bắc, nhất là ở 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, 3 đã có mưa to đến rất to, làm lũ quét, lũ ống làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Tỉnh Sơn La đang chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Tình trạng mưa lớn, lũ quét và sạt lở xảy ra tại nhiều huyện như Mộc Châu, Vân Hồ, Mường La.
Mưa bão cũng làm ngập, sạt lở, ách tắc cục bộ tuyến Quốc lộ 6, Quốc lộ 43 và một số đường tỉnh lộ; làm hỏng gần 200 ha nông nghiệp. Nhiều tuyến đường, khu dân cư, trường học bị ngập nước khoảng từ 0,5 - 1 m.
Riêng huyện Mộc Châu ghi nhận thiệt hại nặng về cơ sở vật chất và tài sản. Huyện đã thành lập 5 đoàn công tác để đi đến các xã, thị trấn chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa bão.
Cụ thể, tính đến sáng 8/9, mưa lớn đã khiến 6 ngôi nhà của người dân tại huyện Mộc Châu bị tốc mái, sạt lở đất; ngập cục bộ một số đoạn đường nội thị, một số khu dân cư, trường học, một số tuyến đường bị ngập nước khoảng 20 - 40 cm; nhiều khu ruộng lúa bị ngập.
Mưa lớn kèm theo dông lốc làm hư hại hơn 4,6 ha cây nông nghiệp; 1.400 m2 nhà khung sắt mái nylon trồng cà chua bị hư hỏng; một số cây bị đổ ở tuyến đường, công sở, trường học; một số tuyến giao thông bị sạt lở nhỏ.
Đặc biệt, nhiều khu dân cư thuộc các tiểu khu 3, 6, 10 và bản Mòn thị trấn Mộc Châu; tiểu khu 12, xã Tân Lập; tiểu khu 70, tiểu khu Bó Bun, tiểu khu 40, thị trấn Nông Trường Mộc Châu; bản Tong Hán, bản Tắt Ngoẵng, xã Chiềng Hắc đang bị ngập lụt; có đoạn nước sâu hàng mét.
Tại bản Co Hó, xã Song Khủa, huyện Mộc Châu, một người đàn ông sinh năm 1953 đã tử vong do trong lúc đi kiểm tra ruộng, bị trượt chân ngã xuống suối, nước lũ cuốn trôi.
Còn tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, mưa to xảy ra lũ quét, lũ ống khiến 2 nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, 1 nhà phải di dời khẩn cấp, 20 ha lúa bị vùi lấp, thiệt hại 5 ha ao cá. Ước thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.
Tại huyện Bắc Yên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn huyện Bắc Yên, mưa lớn kéo dài từ ngày 7 - 8/9 đã gây sạt lở một số tuyến đường và nhà dân của xã Háng Đồng. Mưa lớn đã làm sạt lở, gây ách tắc các tuyến đường từ xã Tà Xùa đến Háng Đồng (địa phận bản Chống Cha), đường vào khu Sống lưng Khủng Long và vào bản Háng Đồng khu 2. Mưa lớn cũng gây sạt lở 5 nhà dân của bản Chống Cha và Háng Đồng, phải di dời khẩn cấp.
Trong khi đó, tại huyện Vân Hồ, theo thông tin ban đầu, mưa lớn khiến nhiều nhà ở và diện tích sản xuất của người dân ở các bản: Nậm Dên, Nà Sàng của xã Chiềng Xuân bị ngập; một số hộ dân tại bản Nà Hiềng, xã Xuân Nha bị sạt lở đất đá vào nhà; nhiều điểm trên tuyến đường từ xã Xuân Nha đến xã Chiềng Xuân bị sạt lở, gây ách tắc; 3 cột điện tại xã Chiềng Xuân bị đổ gãy. Huyện Vân Hồ đã thành lập các đoàn công tác đến các xã kiểm tra, chỉ đạo hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo thống kê, ở các huyện Phù Yên, Mường La, Mộc Châu, Bắc Yên, Vân Hồ, mưa lũ đã gây ảnh hưởng tới 380 ngôi nhà. Trong đó, phải di dời khẩn cấp 62 nhà; 18 nhà tốc mái, 106 nhà bị ngập, 1 nhà có nguy cơ sập; 45 hộ bị ảnh hưởng có nguy cơ mất an toàn và 46 nhà có nguy cơ sạt lở; gây sụt lún 11 nhà.
Ngoài ra, mưa lũ còn làm 4 trường học bị ảnh hưởng, 1 cầu qua suối bị xói mòn móng trụ chân cầu, 1 nhà văn hóa bị ngập và nhiều vị trí trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sụt, sạt, gây nguy hiểm cho người đi đường; sạt lở, nghiêng 2 vị trí cột điện trung thế; 3 vị trí cột hạ thế bị gãy đổ, hỏng 6 quả chống sét 35kV, 1 máy cắt 35kV.
Hiện các tổ công tác của tỉnh Sơn La, các huyện, thành phố đã trực tiếp xuống các bản để thống kê thiệt hại, giúp đỡ các hộ gia đình di dời tài sản, sửa chữa, khôi phục nhà cửa.
Tỉnh Điện Biên, thời gian qua phải đối mặt với nhiều đợt thiên tại, mưa lũ kéo dài. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cho do ảnh hưởng của mưa lớn, sạt lở, ngập lụt từ ngày 24 đến 25/8 trên địa bàn các huyện thuộc tỉnh này đã gây thiệt hại về tài sản của người dân.
Tại các huyện Nậm Pồ, Mường Ảng, thành phố Điện Biên Phủ thiệt hại về nhà ở là 34, trong đó, 5 nhà bị thiệt hại nặng từ 30 - 50%, 16 nhà bị thiệt hại một phần dưới 30%, 13 nhà phải di dời khẩn cấp.
Đối với nông nghiệp có 15,24 ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó, 0,2 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn trên 70%, 4 ha lúa bị thiệt hại rất nặng từ 50 - 70%, 10,4 ha lúa bị thiệt hại nặng, 0,2 ha cây nho bị thiệt hại từ 30 - 50%, 0,04 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại trên 70%, 0,4 ha bí xanh bị thiệt hại trên 70%. Về giao thông, có 13 tuyến đường bị sạt lở ách tắc, trong đó, thành phố Điện Biên Phủ có 2 tuyến. Số liệu thống kê ban đầu cho thấy, ước tổng thiệt hại khoảng 1,1 tỷ đồng.
Anh Thư