Chủ nhật, 24/11/2024 06:00 (GMT+7)
Thứ sáu, 21/01/2022 10:00 (GMT+7)

Hoạt động từ thiện cá nhân cần chuyên nghiệp hóa để tránh lỗ hổng

Theo dõi KTMT trên

Theo Liên minh quốc tế Oxfam, điểm quan trọng nhất để các tổ chức, cá nhân thực hiện cứu trợ, thiện nguyện thành công là cần đảm bảo kế hoạch bài bản từ khâu vận động đến khu tiếp nhận phân phối và sử dụng.

Ngày 20/1, ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia Oxfam tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo “Tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong hoạt động cứu trợ và từ thiện tại Việt Nam”: Việt Nam là quốc gia đang phát triển đồng thời cũng hay xảy ra thiên tai, dịch bệnh nên hình thành truyền thống cứu trợ từ lâu. Thời gian gần đây, Việt Nam trở thành nước phát triển trung bình thấp, hình thành tầng lớp trung lưu với xu hướng nghĩ nhiều đến việc cứu trợ, thiện nguyện.

Hoạt động từ thiện cá nhân cần chuyên nghiệp hóa để tránh lỗ hổng - Ảnh 1
Nghị định 93 ra đời để điều chỉnh bổ sung nghị định 64 về quy định hoạt động từ thiện của các tổ chức, cá nhân.

Ông Tú nêu vấn đề: "2020 là năm ghi nhận trào lưu thiện nguyện nhiều chưa từng thấy, điển hình là các hoạt động công khai từ thiện của một số nghệ sĩ như Thủy Tiên, Hoài Linh… khiến dư luận quan tâm. Tuy nhiên từ đó cũng nổi lên vấn đề cần quản lý tốt tính minh bạch của các hoạt động cứu trợ, thiện nguyện. Khi chúng ta đã có nguồn lực làm thiện nguyện thì làm sao để sử dụng nguồn lực đó hiệu quả hơn là vấn đề cần được sớm tìm ra cách thức phù hợp".

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 93 ngày 11/12/2021 về tiếp nhận, phân phối các nguồn lực thiện nguyện.

Làm rõ hơn những quy định mới về hoạt động từ thiện của các tổ chức, cá nhân, ông Nguyễn Tiến Lập, Luật sư thành viên cấp cao, Văn phòng luật sư NH Quang & Cộng sự phân tích, Nghị định 93 ra đời để điều chỉnh bổ sung Nghị định 64 qua 2 khía cạnh chính.

Ông Lập cho biết, về vận động tài trợ cần được tiến hành trên các kênh thông tin: Trang thông tin điện tử; Phương tiện thông tin, truyền thông và UBND cấp xã bằng văn bản thông báo gửi UBND cấp xã nơi tiến hành từ thiện.

Quỹ từ thiện cần được giới hạn phạm vi hoạt động, tuân thủ mẫu thông báo liên lạc với ban vận động; Giới hạn thời gian vận động, tiếp nhận, phân phối (không quá 20 ngày) hoặc do ban vận động quyết định.

Vấn đề về quản lý, báo cáo công khai hóa, ông Lập đề cập đến quy định về chi phí quản lý cần được nêu rõ là nguồn tự trang trải hay được trích từ khoản tài trợ khi được sự đồng ý của người đóng góp. Người đứng ra kêu gọi tài trợ cần lập báo cáo để công khai hóa kết quả tiếp nhận, danh sách người đóng góp, danh sách người nhận.

Hình thức công khai hóa sẽ diễn ra trên trang thông tin điện tử, niêm yết công khai tại trụ sở và nơi sinh hoạt cộng đồng và gửi cơ quan tham gia vận động, tiếp nhận và phân phối, phương tiện thông tin đại chúng.

Hoạt động từ thiện cá nhân cần chuyên nghiệp hóa để tránh lỗ hổng - Ảnh 2
Ông Nguyễn Tiến Lập, Luật sư thành viên cấp cao, Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự.

“Những quy định của Nghị định 93 là phù hợp và góp phần giúp đảm bảo tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong quá trình vận động từ thiện của các cá nhân. Những quy định này sẽ giúp “bít” lại lỗ hổng, đã dẫn đến những ồn ào trong dư luận gần đây đối với các cá nhân, nghệ sĩ tham gia vận động quyên góp từ thiện”.

Thời điểm công khai được quy định từ 1-3 ngày trước khi vận động: 15 ngày sau khi tiếp nhận; 30 ngày sau khi phân phối. Thông tin phải được niêm yết 30 ngày hoặc trên 3 số báo liên tiếp hoặc phát 3 ngày liên tiếp trên đài.

Oxfam khuyến nghị về hoạt động cứu trợ nhân đạo

Trên cơ sở “Hiến chương Nhân đạo và các tiêu chuẩn tối thiểu trong cứu trợ nhân đạo”, Oxfam đã xây dựng 4 bước tham gia của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia từ thiện.

Trong bước chuẩn bị đầu tiên, ông Tú cho biết các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần xác định hoạt động cứu trợ nhân đạo, từ thiện dựa theo kết quả đánh giá nhu cầu nhân đạo tối thiểu. Đây cũng là thời gian để chủ thể từ thiện cập nhật các thông tin giao thông, an ninh, an toàn cho đoàn và người hưởng lợi từ đó thông báo khả năng cứu trợ để lựa chọn đúng các hộ có nhu cầu. Sau cùng là chuẩn bị tiền cho các chi phí vận chuyển, đi lại phát sinh.

Bước thứ 2 là vận động tiếp nhận, tài trợ cần xác định mục tiêu cụ thể với các tiêu chí rõ ràng về nhu cầu nhân đạo khẩn cấp hay phục hồi. Ưu tiên vận động bằng tiền để hỗ trợ khôi phục nền kinh tế, sản xuất của các địa phương bị ảnh hưởng. Chia sẻ kết quả vận động cứu trợ với các tổ chức nhân đạo khác kịp thời để tránh thiếu hụt và chồng chéo. Tuân thủ pháp luật nhưng linh hoạt để đáp ứng kịp thời, hiệu quả. Tiếp nhận tiền cứu trợ bằng nhiều công cụ khác nhau, áp dụng công nghệ mới.

Bước thứ 3 mà ông Tú nhắc tới là phân bổ, cấp phát và giám sát. Trong bước này, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đứng ra tổ chức từ thiện cần xác định phân bổ nguồn lực theo phân tích nhu cầu cứu trợ nhân đạo tối thiểu. Tôn trọng các ý kiến đề xuất, phân tích của người dân từ vùng bị ảnh hưởng, không áp đặt việc phân bổ và cấp phát theo ý kiến cá nhân từ các thông tin chưa được chứng thực.

Việc cấp phát cứu trợ cần được tiến hành theo các danh sách người nhận được lập, công khai thông qua các cuộc họp thôn, xã Việc cấp phát cứu trợ nhân đạo, từ thiện nên được giám sát và báo cáo bởi người dân bị ảnh hưởng và UBND các cấp, nhà tài trợ và các bên liên quan.

Cuối cùng là báo cáo công khai minh bạch cần được tiến hành nhanh, kịp thời, liên tục trong suốt quá trình cứu trợ. Báo cáo đầy đủ, chi tiết kết quả cứu trợ trên các kênh thông tin khác nhau, từ đó đúc kết kinh nghiệm và bài học để làm tốt hơn trong tương lai.

Hoạt động từ thiện cá nhân cần chuyên nghiệp hóa để tránh lỗ hổng - Ảnh 3
Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia Oxfam tại Việt Nam.

"Bài học kinh nghiệm của Oxfam trong quá trình thực hiện cứu trợ nhân đạo trên toàn thế giới cho thấy, điểm quan trọng nhất là các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức chuyên nghiệp cần xây dựng quy trình của mình để đảm bảo hiệu quả. Đây chính là kim chỉ nam để tổ chức hoạt động đảm bảo bài bản, chặt chẽ ngay từ khâu vận động đến khâu tiếp nhận phân phối và sử dụng".

“Nghị định 93 cũng đã bổ sung các quy định nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp và đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động vận động tiếp nhận và phân phối sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.

Những quy định này được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo tính hiệu quả của quá trình tham gia vận động đóng góp tự nguyện của các tổ chức và cá nhân có liên quan”, Phó Giám đốc quốc gia Oxfam tại Việt Nam nhấn mạnh.

Khoản 4 Điều 14 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định thời điểm công khai đóng góp tự nguyện:

a) Công khai văn bản về việc tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện ngay sau khi ban hành;

b) Công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện trước từ 01 đến 03 ngày bắt đầu tổ chức thực hiện;

c) Công khai kết quả vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện: Công khai tổng số tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi kết thúc thời gian tiếp nhận; công khai tổng số tiền, hiện vật đã phân phối, sử dụng chậm nhất sau 30 ngày kể từ khi kết thúc thời gian phân phối, sử dụng;

d) Công khai đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ ngay từ khi bắt đầu thực hiện hỗ trợ, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hoạt động từ thiện cá nhân cần chuyên nghiệp hóa để tránh lỗ hổng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới