Chủ nhật, 24/11/2024 04:27 (GMT+7)
Thứ hai, 13/09/2021 11:05 (GMT+7)

HSBC: kinh tế Việt Nam cuối năm 2021 phụ thuộc vào vaccine phòng Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Theo HSBC, sự ngưng trệ trong phục hồi kinh tế của Việt Nam đã được phản ánh rõ nét qua số liệu tháng 8. Chỉ khi có đủ vaccine phòng covid được phủ rộng trong toàn dân, kinh tế Việt Nam mới có thể vực dậy.

Đợt bùng dịch Covid-19 do biến chủng Delta trở nên nặng nề, dẫn đến siết chặt giãn cách ở TP.Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Không ngạc nhiên khi tiêu dùng bị ảnh hưởng trong bối cảnh đó. Nhưng điều đáng báo động hơn là động lực phát triển bên ngoài bị “hụt hơi”. Lần đầu tiên trong một năm, xuất khẩu suy giảm nghiêm trọng trong khi một số ngành đã xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng, và sự đứt gãy về sản xuất.

Thách thức cho Việt Nam chủ yếu nằm ở ngành da giày và dệt may do khu vực Đông Nam Bộ là đầu mối sản xuất quan trọng của thế giới. Các thương hiệu lớn toàn cầu đã chứng kiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng, điều này sẽ tác động lên người tiêu dùng phương Tây trong mùa lễ hội. Tuy nhiên, xuất khẩu điện thoại di dộng lại trụ vững đáng ngạc nhiên. Nguyên nhân là các cụm lắp ráp tập trung tại miền Bắc nơi hoạt động sản xuất đã từng bước trở lại bình thường sau đợt bùng dịch nặng nề hồi tháng 5 và 6. Trong khi kế hoạch di dời chuỗi cung ứng tạm thời đình trệ, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn FDI.

HSBC: kinh tế Việt Nam cuối năm 2021 phụ thuộc vào vaccine phòng Covid-19 - Ảnh 1
Ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 trong tháng 8 (Nguồn: HSBC).

Tương tự, Việt Nam cũng nằm trong nhóm quốc gia sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc đại lục và Bangladesh. Những đợt gián đoạn cung ứng nặng nề sẽ có thể tác động mạnh đến người tiêu dùng tại Mỹ, chỉ riêng nước này đã chiếm gần một nửa lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Thương hiệu quốc tế Adidas đang gặp khó khăn trong sản xuất do Việt Nam chiếm gần 30% sản lượng toàn cầu của họ.

Tuy nhiên, tác động đối với xuất khẩu điện tử lại có xu hướng ngược lại. Cũng giống như ngành hàng da giày và dệt may, xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử giảm 12% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Trái lại, xuất khẩu điện thoại lại duy trì ổn định đáng ngạc nhiên với mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp những khó khăn do biến chủng Delta gây ra. 

Nhìn trên bình diện rộng hơn, đợt bùng dịch biến chủng Delta đã đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng trụ vững của chuỗi cung ứng Việt Nam, đặc biệt là từ các ông lớn ngành công nghệ. Apple và Google là hai trong số các hãng đã trì hoãn việc dời chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam.

Sau thời gian dài chống dịch như chống giặc, thậm chí chấp nhận hi sinh kinh tế để bảo vệ sức khỏe người dân, các cơ quan chức năng đã thay đổi chiến lược phòng chống Covid-19.

Theo đó, Chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết phải “sống cùng virus”, trong đó yếu tố quan trọng là tăng cường triển khai vaccine. Mặc dù có tiến độ khả quan, Việt Nam vẫn đi sau các nước trong khu vực trong đặt mua và triển khai vaccine.

Tuy nhiên, HSBC vẫn thấy nhiều điểm đáng lạc quan khi Việt Nam dự kiến sẽ nhận thêm nhiều vaccine trong quý 4/2021, hy vọng tạo điều kiện để mở cửa lại nền kinh tế một cách bền vững.

Như vậy, càng sớm kiểm soát được đợt bùng dịch Covid-19 thứ tư, Việt Nam càng lấy lại lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn, và phần quyết định trong phương trình này chính là tăng tốc triển khai tiêm phòng. 

Bảo Ngọc

Bạn đang đọc bài viết HSBC: kinh tế Việt Nam cuối năm 2021 phụ thuộc vào vaccine phòng Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới