Chủ nhật, 24/11/2024 04:23 (GMT+7)
Thứ hai, 08/05/2023 17:43 (GMT+7)

Kết quả của sự nỗ lực!

Theo dõi KTMT trên

Đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, nhiều chính sách tiền tệ được đưa ra khẩn trương… giúp giảm gánh nặng và tạo nguồn lực cho doanh nghiệp. Kết quả phát triển kinh tế-xã hội tháng 4 mà chúng ta đạt được là kết quả của sự nỗ lực!

Những biện pháp mạnh mẽ

Kinh tế vĩ mô nước ta tháng 4 và 4 tháng năm 2023 cơ bản ổn định; hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đã có chuyển biến bước đầu, có thể là tín hiệu tích cực tạo đà cho sự phục hồi trong thời gian tới. Đây là những nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong báo cáo gửi Chính phủ phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 diễn ra ngày 5/5.

Kết quả của sự nỗ lực! - Ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023. (Ảnh: VGP)

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trong bối cảnh nền kinh tế đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do suy giảm sức tiêu thụ của thị trường quốc tế; sự suy cạn nguồn vốn của doanh nghiệp và nguồn lực tài chính người dân sau thời gian dài trải qua đại dịch COVID-19; tâm lý e ngại, sợ sai của cán bộ thực thi công vụ; sự e dè, thu mình của không ít doanh nhân... thì những kết quả đạt được trong tháng 4 đầu năm 2023 đến từ quyết tâm, nỗ lực hành động của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều chỉ số của tháng 4 đã có tín hiệu chuyển biến theo xu hướng khả quan so với những tháng đầu năm là những tín hiệu tích cực trong thời gian tới.

Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm theo xu hướng tích cực. Tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng so với cùng kỳ tăng 3,84%, giảm dần so với quý I (4,18%) và giảm sâu so với 2 tháng đầu năm (4,6%).

Tính chung 4 tháng, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 39% dự toán, trong đó, thu nội địa đạt 39,5% dự toán; thặng dư thương mại (xuất siêu) ước đạt 6,35 tỷ USD (cùng kỳ là 2,35 tỷ USD). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 12,8%. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 4 tháng đạt gần 50.000 doanh nghiệp, tăng 0,6% so với cùng kỳ.

Kết quả trên cho thấy, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn được Chính phủ ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng phát huy tác động tích cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt triển khai rất nhiều biện pháp nhằm nỗ lực gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp phát triển.

Điểm nhấn ấn tượng trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong 4 tháng đầu năm đã trực tiếp chỉ đạo tại gần 600 cuộc họp, hội nghị từ Trung ương đến cơ sở và ngay tại công trường, doanh nghiệp; đã ban hành 31 văn bản quy phạm pháp luật (19 nghị định và 12 quyết định quy phạm của Thủ tướng Chính phủ), 77 nghị quyết của Chính phủ, 498 quyết định cá biệt và 27 công điện, 11 chỉ thị, 398 công văn.

Kết quả của sự nỗ lực! - Ảnh 2
GS.TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, đó là những hành động quyết liệt, sâu sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, là những biện pháp tác động mạnh mẽ đến việc phục hồi sản xuất, tạo đà cho sự phát triển kinh tế.

Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ nhiều nút thắt trong các quy định của pháp luật, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, ứng phó với những khó khăn của nền kinh tế đã được kịp thời triển khai, điển hình như chính sách tiền tệ, khẩn trương hạ lãi suất ngân hàng, mở room (hạn mức) tín dụng, giữ nguyên các nhóm nợ, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách hoãn, giãn các nghĩa vụ tài chính, đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng hỗ trợ và thức đẩy tiêu dùng, giúp giảm gánh nặng và tạo nguồn lực cho doanh nghiệp.

Nền kinh tế đang cần những quyết sách đột phá cho Chính phủ hành động

GS.TS. Hoàng Văn Cường đánh giá, thị trường bất động sản đang nhận được những tác động rất tích cực từ các chính sách của Chính phủ, như Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hay Nghị định 10/2023/NĐ-CP về cấp giấy chứng nhận cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Bên cạnh đó, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, mới đây Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đi đến các tỉnh trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo và gia thời hạn cụ thể cho địa phương phải giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc pháp lý cho các dự án đầu tư.

Kết quả của sự nỗ lực! - Ảnh 3
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bộ GTVT trên ca nô đi khảo sát mỏ cát khai thác trên sông Tiền thuộc tỉnh An Giang. (Ảnh: VGP)

Mặc dù với hành động và chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhưng theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là tâm lý lo sợ, e ngại sai phạm về thể chế pháp lý vẫn đang như là tấm lưới bao phủ, bủa vây hành động, kìm hãm phát triển nền kinh tế. Do vậy, ông Hoàng Văn Cường đã đề xuất một số khuyến nghị cần có giải pháp đột phá, cấp bách ngay trong năm 2023.

Để gỡ nút thắt về thể chế, xoá bỏ tình trạng sợ sai không dám hành động, khuyến khích, thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cần phải thành lập ngay các ban, ủy ban xử lý, giải quyết các vướng mắc về thể chế pháp lý. Trách nhiệm và quyền hạn cảu ủy ban này cần "phân tầng" xử lý giữa Trung ương và địa phương.

Cấp Trung ương do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, cấp địa phương do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đứng đầu. Các thành viên là người đứng đầu của các cơ quan, ban, ngành các cấp, bao gồm cả các cơ quan hành pháp và tư pháp. Ủy ban cấp Trung ương được trao quyền lựa chọn, vận dụng các quy định của pháp luật để xử lý, giải quyết các vấn đề đang vướng mắc phát sinh trên thực tế do bị điều chỉnh bởi các quy định không thống nhất giữa các văn bản pháp luật, hoặc chưa có quy định cách xử lý trong các quy phạm pháp luật hiện hành.

Những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền cấp nào thì ủy ban cấp đó tự quyết định phương thức giải quyết và thực hiện. Những vướng mắc ở địa phương nhưng không thuộc thẩm quyền của cấp địa phương thù ủy ban cấp Trung ương quyết định và thống báo cách giải quyết thống nhất cho tất cả các địa phương thực hiện. Mọi quyết định của ủy ban này đều phải được công khai, minh bạch trước toàn dân và chịu sự thanh tra, kiểm tra giám sát việc các cơ quan thực thi có tuần thủ theo đúng các quyết định của ủy ban đã ban hành.

Cơ chế trên sẽ giải quyết được tình trạng khi có vướng mắc, địa phương gửi lên bộ, ngành, Trung ương, sau một hồi giải thích, hướng dẫn thì đưa ra một câu kết "làm theo quy định của pháp luật"; các đơn vị thực thi công vụ không thể vin cớ vào những vướng mắc của luật pháp để từ chối thực thi nhiệm vụ.

Đánh giá cao những quyết sách hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách tài chính, tiền tệ, GS.TS. Hoàng Văn Cường cũng đề nghị cần chú trọng tăng cường kiểm soát dòng tiền ngân hàng nới lỏng được chảy đúng vào các lĩnh vực, hoạt động, đối tượng được hỗ trợ vốn đang cần phục hồi và phát triển, xác định được thời gian và kiểm soát được dòng tiền để thu hồi vốn. Cần hết sức lưu ý nếu chính sách nới lỏng tín dụng để dòng vốn tín dụng chảy vào những "lỗ đen" của các doanh nghiệp, "xác chết" sẽ không chỉ làm tiêu hao nguồn lực đang hạn hẹp của nền kinh tế, mà còn là nguy cơ dẫn đến mất an toàn cho hệ thống ngân hàng trước bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân đánh giá, nền kinh tế đang có một số tác động rất nhanh từ các nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Điều này không phải ngẫu nhiên, mà đây là một kết quả tất nhiên của việc chúng ta điều hành kinh tế, kiên định trong ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện nhiều biện pháp điều hành linh hoạt, gần như "nghệ thuật" điều hành.

Đồng thời, Chính phủ đã thể hiện sự lắng nghe, cầu thị đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học và đặc biệt là tạo được niềm tin với người dân, doanh nghiệp, nên chúng ta tiếp tục thu hút FDI, các nhà đầu tư quốc tế với lượng đầu tư lớn.

Theo Báo Chính phủ

Bạn đang đọc bài viết Kết quả của sự nỗ lực!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới