Khám phá lăng vua Gia Long theo phong cách “xanh- sạch-đẹp”
Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chính thức đưa vào vận hành tuyến du lịch xanh, thân thiện môi trường khu vực lăng vua Gia Long. Qua đó góp phần phát triển ngành du lịch theo hướng xanh, bền vững.
Du lịch xanh, bảo vệ môi trường
Lăng vua Gia Long là một điểm đến trong quần thể di tích Cố đô Huế, được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới. Lăng có tên gọi khác là Thiên Thọ Lăng, được xây dựng trong 6 năm (1814 - 1820) gồm nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến vua Gia Long.
Tổng thể lăng nằm trong một vùng núi hoang sơ, sơn thủy hữu tình thuộc thôn Định Môn, xã Hương Thọ, TP Huế. Toàn bộ quần thể lăng gồm 42 ngọn núi, đồi lớn nhỏ cùng nhiều công trình kiến trúc tạo nên hệ sinh thái du lịch văn hóa tâm linh có giá trị.
Việc triển khai tuyến du lịch xanh, thân thiện môi trường ở khu vực lăng Vua Gia Long đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch giúp du khách có nhiều trải nghiệm khi thăm quan tại nơi đây.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, đơn vị đã nhận được sự đồng hành, tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân tham gia, trao tặng phương tiện, cây xanh để làm đẹp, xanh hơn cho khu vực di tích. Tuyến du lịch xanh tại lăng vua Gia Long được kỳ vọng sẽ tạo ra phong trào giao thông xanh, thân thiện môi trường trên khắp thành phố Huế.
Thời gian đầu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ đầu tư gần 80 phương tiện đi lại thân thiện với môi trường như xe đạp, xe đạp điện, ô tô điện. Qua đó bù đắp khoảng 32kg khí thải CO2 và 40 cây xanh hàng năm, thực hiện cam kết hành động của Việt Nam tại hội nghị COP26 về giảm thiểu khí thải, loại bỏ sản xuất điện bằng than vào năm 2040, chấm dứt nạn phá rừng năm 2030.
Hiện nay tại lăng vua Gia Long cũng đã lắp đặt hệ thống trạm tiếp nước hạn chế rác thải nhựa. Không gian được bao phủ bởi cây xanh, hồ nước thích hợp để hướng tới xây dựng điểm đến di sản xanh theo định hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Hướng tới du lịch bền vững
UNESCO khuyến nghị các khu di sản phải hạn chế tối đa các tác động bất lợi như độ rung, khói bụi, tiếng ồn… Do đó việc triển khai các dịch vụ du lịch xanh sẽ góp phần bảo vệ di sản và xây dựng hình ảnh di sản thân thiện, mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách.
Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Phúc thông tin, hiện ngành du lịch đang nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm cùng các đơn vị liên quan mà trong đó có phương tiện xanh, thân thiện với môi trường.
Theo định hướng chung, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn di sản văn hoá. Để hưởng ứng, ngành du lịch cũng sẽ khuyến khích và vận động các doanh nghiệp du lịch có các sản phẩm gắn với thương hiệu xanh của địa phương.
Cụ thể ngành du lịch đã phối hợp tổ chức WWF để có kế hoạch giảm rác thải nhựa. Đặc biệt là tổ chức tour du lịch xanh, khám phá các địa điểm tham quan của thành phố và vùng phụ cận bằng xe điện, xe xích lô, xe đạp điện, xe đạp,...
Nhật Hạ