Chủ nhật, 24/11/2024 06:16 (GMT+7)
Thứ sáu, 30/12/2022 06:30 (GMT+7)

Khơi thông nguồn lực tạo bước đột phá trong thực hiện Net Zero

Theo dõi KTMT trên

Trong Báo cáo quốc gia về Khí hậu và phát triển tại Việt Nam 2022, Ngân hàng thế giới (WB) nhận định, để thực hiện lộ trình phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam, tổng nhu cầu vốn tính riêng cho giai đoạn 2022 - 2040 lên tới 114 tỷ USD.

Cụ thể, khoảng 64 tỷ USD sẽ dành cho đầu tư mới vào năng lượng tái tạo, bù đắp cho tài sản của các nhà máy điện từ năng lượng hóa thạch vẫn chưa hết thời hạn sử dụng (hay nói cách khác là bị “mắc kẹt” trong quá trình chuyển dịch năng lượng). Một phần chi phí khoảng 17 tỷ USD dành để chuyển đổi năng lượng trong công nghiệp, giao thông và nông nghiệp; khoảng 33 tỷ USD cho các chương trình hỗ trợ xã hội, đảm bảo đền bù cho những người lao động và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển dịch.

Phát triển tài chính xanh hiện thực hóa cam kết COP26

Theo WB, đầu tư công có thể chiếm khoảng 1/3 tổng vốn đầu tư, trên cơ sở áp dụng các công cụ định giá các-bon (thuế các-bon, thị trường các-bon) hoặc đi vay ở thị trường trong nước. Trong khi đó, nguồn vốn tư nhân có thể được huy động thông qua tín dụng xanh từ các ngân hàng, cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh, cũng như áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro đối với các dự án, hợp đồng mua bán điện. Việc khai thông nguồn lực toàn xã hội có thể xem là bước đột phá đầu tiên cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu cho giai đoạn tới. Trên cơ sở thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích tài chính xanh và nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức tín dụng. Kết quả, tín dụng xanh đang có những chuyển biến tích cực, ngày càng được quan tâm và tăng hạn mức đầu tư.

Khơi thông nguồn lực tạo bước đột phá trong thực hiện Net Zero - Ảnh 1
Phát triển tài chính xanh hiện thực hóa cam kết COP26. Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia tài chính, một số dấu hiệu ban đầu cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng. Nhiều tổ chức tín dụng đã xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội; tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định tín dụng xanh; xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh và đã quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp tín dụng cho các lĩnh vực này với kỳ hạn chủ yếu là trung, dài hạn và có sự ưu đãi về lãi suất cho các dự án xanh... Việc Lego lựa chọn Việt Nam để đặt nhà máy sản xuất trung hòa các-bon đầu tiên được coi là lá phiếu đầu tiên cho sự tin tưởng của doanh nghiệp này vào khả năng cung cấp vốn của Việt Nam.

Trong Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh phải huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước và cộng đồng quốc tế đóng góp cho sự nghiệp phát triển phát thải thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.

Đặc biệt, sau cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, rất nhiều đối tác quốc tế đã đưa ra lời đề nghị hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải. Các bộ, ngành của Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận hợp tác thực hiện cam kết COP26 với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Bộ Môi trường Hàn Quốc, Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Citi Bank, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng HSBC, Ngân hàng Standard Chartered nhằm huy động tài chính, nguồn lực của khối tư nhân trong việc triển khai các cam kết tại COP26…

Đặc biệt, trong tháng 12 vừa qua, Chính phủ Việt Nam cùng với Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu và một số đối tác phát triển đã thông qua Tuyên bố chính trị nhằm thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Thông qua cam kết này, trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực xanh chảy vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng với sự hỗ trợ của các định chế tài chính hàng đầu thế giới. Đồng thời, bản thân các ngân hàng, doanh nghiệp cũng tự tin đẩy mạnh cho vay, đầu tư vào các dự án tăng trưởng xanh.

Con đường tiến đến Net Zero vào 2050

COP26 được nhiều chuyên gia đánh giá là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp; trong đó Việt Nam đưa ra tuyên bố đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tham gia tuyên bố chuyển đổi từ than sang điện sạch toàn cầu, cam kết loại bỏ dần điện than.

Theo Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Việt Nam hủy bỏ khoảng 7.800 MW nguồn điện than gồm các dự án Quỳnh Lập I&II ở Nghệ An, Vũng Áng III ở Hà Tĩnh, Long Phú II&III ở Sóc Trăng. Đây là kết quả đáng ghi nhận của quá trình kiên trì vận động, đề xuất của các cơ quan chính quyền các tỉnh, người dân địa phương, nhà khoa học và các đối tác phát triển. Đồng thời, tăng thêm công suất điện gió, đặc biệt điện gió ngoài khơi…

Khơi thông nguồn lực tạo bước đột phá trong thực hiện Net Zero - Ảnh 2
Ảnh minh họa.

Ngày 26/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 896/QĐ-TTg  phê duyệt “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050”.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế. Đến nay các nội dung trong chiến lược đang được thực hiện và mang lại hiệu quả cụ thể. 

Linh Chi

Bạn đang đọc bài viết Khơi thông nguồn lực tạo bước đột phá trong thực hiện Net Zero. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới