Chủ nhật, 24/11/2024 04:29 (GMT+7)
Thứ sáu, 26/11/2021 07:30 (GMT+7)

Khói thuốc lá độc hại gấp 10 lần khói xe tải?

Theo dõi KTMT trên

Khói thuốc "sản xuất" ra nhiều hạt muội - yếu tố gây ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất đối với sức khoẻ con người - hơn cả khói diesel.

Khói thuốc là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, trường  học, nơi công cộng và ngoài trời do khói thuốc thải ra ngoài không khí hàng ngàn chất hóa học độc hại.

Hiện tỉ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà là 67,6% và tại nơi làm việc là 49,0%. Đặc biệt, tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ gần 70%, của trẻ em gần 50%. Như vậy, số người phải thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động ở nước ta rất cao.

Một nghiên cứu cho thấy, hàm lượng khí CO trong không khí tại nhà ở của các gia đình có người hút thuốc cao gấp 2,4 lần nồng độ giới hạn cho phép. Hàm lượng nicotine trong không khí tại nhà ở khá cao (trung bình 0,687 mg/m3). 

Khói thuốc "sản xuất" ra nhiều hạt muội - yếu tố gây ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người - hơn cả khói diesel. Những người hút thuốc có lẽ không biết rằng lượng chất độc họ tạo ra khi hút 3 điếu thuốc nhiều gấp 10 lần lượng chất độc do một chiếc xe hơi thải ra.

Khói thuốc lá độc hại gấp 10 lần khói xe tải? - Ảnh 1
Sau những điếu thuốc là những tác hại không lường được với sức khỏe và môi trường. (Ảnh minh họa)

Nồng độ hạt muội đo được trong không khí sau khi động cơ chạy 1 giờ đầu tiên là 88 ug/m3. Trong khi đó, nồng độ này ở những điếu thuốc lá trong cùng thời gian là 830 ug/m3 - lớn hơn gần 10 lần.

Một điểm đáng chú ý là khi hoạt động với công suất lớn nhất, lượng hạt muội mà động cơ diesel thải ra trong garage chỉ lớn gấp đôi nồng độ đo được ngoài trời. Trong khi đó, nồng độ hạt muội từ khói thuốc cao gấp 15 lần nồng độ bên ngoài. Đây là những số liệu này đáng để chúng ta lo ngại.

Trong một thí nghiệm tương tự, các nhà khoa học nhận thấy lượng chất độc hại trong không khí ở một phòng hút thuốc lá nhiều gấp 120 lần một phòng cấm hút thuốc. Mức độ ô nhiễm này cũng tương đương mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Bắc Kinh hay London.

Như vậy có thể thấy, những người sống chung với người nghiện thuốc lá phải tiếp xúc với các phần tử gây ô nhiễm cao hơn gấp nhiều lần so với những hộ gia đình không có người hút thuốc lá.

Bên cạnh đó, quá trình sản xuất thuốc lá cũng giải phóng độc tố vào không khí và đất. Suy thoái đất do ô nhiễm công nghiệp làm cho đất trồng trọt không thích hợp để trồng trọt.

Quá trình sản xuất thuốc lá tạo ra lượng chất thải rất lớn, trong đó ngoài những chất hữu cơ thông thường như bụi than, giấy vụn... và nhiều chất độc khác có trong bụi thuốc lá và môi trường không khí tại nơi sản xuất và khu vực lân cận, bao gồm chất dầu, chất dẻo và amoniac, etylen, glycol, nicotin...

Ở Mỹ, các nhà máy thuốc lá đứng thứ 18 trong danh sách các ngành công nghiệp có chất thải hóa học độc hại. Mỗi năm, ngành công nghiệp thuốc lá trên thế giới thải ra khoảng 300 triệu kg nicotin, một trong những chất mà Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ cho rằng rất độc hại. Trong khi đó, ở nước ta vẫn còn nhiều nhà máy sản xuất thuốc lá nằm trong các khu vực đông dân cư.

Mặc dù doanh nghiệp đã chú ý giảm thiểu ô nhiễm như lắp đặt các hệ thống thiết bị hút gió, thông gió, song hoạt động của các nhà máy này vẫn ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và sức khỏe người dân địa phương.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và nếu không có biện pháp kịp thời, đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người (gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta mỗi năm). Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu mọi người thực hiện nghiêm theo những quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thiết lập môi trường không có khói thuốc lá đã được chứng minh là cách chung tay xây dựng môi trường xanh, sạch.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Khói thuốc lá độc hại gấp 10 lần khói xe tải?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới