Không có mặt bằng khó có Vành đai 4
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo kế hoạch sẽ được khởi công trước ngày 30/6/2023 để đưa vào sử dụng từ năm 2027. Để đạt được những mốc thời gian trên tiến độ giải phóng mặt bằng là vấn đề quan trọng nhất.
Kiểm đếm tài sản trên đất trong diện giải phóng mặt bằng
Theo kế hoạch, đường Vành đai 4 đi qua Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh sẽ được khởi công trước ngày 30/6/2023 để đưa vào sử dụng từ năm 2027.
Là 1 trong 7 quận, huyện có Vành đai 4 đi qua, Hoài Đức là huyện phải giải phóng mặt bằng với diện tích lớn nhất lên tới 243 ha. Qua rà soát thực địa, huyện đã xác định có hơn 9.700 hộ dân trong diện bị thu hồi đất.
Hai tháng qua, nhân dân 13 xã của Hoài Đức đã cơ bản hoàn thành việc kê khai, kiểm đếm tài sản trên đất trong diện giải phóng mặt bằng.
Hiện cán bộ của 13 xã trong huyện Hoài Đức và các phòng ban chuyên môn đã được tập huấn hướng dẫn về công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Còn người dân rất đồng thuận và mong mỏi công tác giải phóng mặt bằng được triển khai nhanh, đền bù hợp lý, minh bạch.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội Ông Nguyễn Anh cho hay: "Chúng tôi bố trí tái định cư theo theo phương châm và nguyên tắc là tại địa bàn xã nào sẽ bố trí vị trí tái định cư ở chỗ đó và vị trí tái định cư sẽ là thuận lợi nhất, có điều kiện tốt nhất. Hoàn thành hạ tầng ở khu tái định cư sau mới triển khai thu hồi đất theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị đã chỉ đạo".
7 quận huyện và các sở, ngành của Hà Nội hiện đang tập trung cao độ cho công tác kiểm đếm tài sản trên đất, quyết tâm giao mặt bằng sạch đúng tiến độ vào cuối năm 2023.
Mục tiêu khởi công đường vành đai 4 trong tháng 6/2023
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 94.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028. Dự án sẽ đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai.
Trước đó, Chính phủ giao các tỉnh thành tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước ngày 31/1/2023 và bảo đảm khởi công trước 30/6/2023.
Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ, chất lượng, hiệu quả công trình đối với các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước. Thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư và cấp có thẩm quyền theo các quy định hiện hành trong tổ chức thực hiện các dự án thành phần, đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành dự án năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Đồng thời, kiểm tra, rà soát các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành liên quan đến dự án để kịp thời điều chỉnh theo quy định hiện hành, đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư của dự án.
Dù dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội mới đang ở những giai đoạn pháp lý ban đầu, bất động sản tại một số vị trí quy hoạch dự án đi qua, mặt bằng giá mới đã được thiết lập và ở ngưỡng khá cao. Cá biệt, nhiều khu vực, giá đã gần tiệm cận so với mức giá bất động sản cao nhất của quận, huyện đó.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, dù tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua các địa phương sẽ làm "nóng" thị trường bất động sản nhưng cũng có nhiều rủi ro tiềm ẩn nếu nhà đầu tư chưa xác định được ranh giới quy hoạch, hành lang, tọa độ, mốc giới…
Huyền Diệu