Không để lãng phí nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp
Đây là quan điểm Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu ra tại Hội nghị trực tuyến thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Phó Thủ tướng nhận định, đây là nhiệm vụ mang tính khoa học, kỹ thuật phức tạp, khó khăn. Do vừa phải triển khai đúng trình tự, tiến độ đầu tư dự án nguồn điện, hạ tầng truyền tải theo quy hoạch, vừa phải ứng phó linh hoạt với thực tiễn kịp thời nhằm đáp ứng và bảo đảm an ninh năng lượng.
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của 154 dự án điện mặt trời
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, xác định các dự án điện mặt trời tập trung đủ điều kiện triển khai. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến 154 dự án điện mặt trời tập trung thuộc diện thanh tra, điều tra đã có kết luận.
Đây là cơ sở để các địa phương và chủ đầu tư có thể sớm triển khai các dự án phù hợp với cơ cấu nguồn điện.
Đối với các dự án điện gió, Bộ Công Thương kiến nghị đưa ra khỏi kế hoạch thực hiện một số dự án do địa phương chậm đề xuất so với thời hạn, vướng mắc thủ tục, quy hoạch, chồng lấn với khu vực có khoáng sản.
Về vấn đề này, tại cuộc họp, lãnh đạo một số địa phương thông tin có nhiều dự án chỉ bị chậm đề xuất so với thời hạn, hoặc sai phạm, vi phạm thuộc diện khắc phục được, đáp ứng đủ tiêu chí của Bộ Công Thương nhưng vẫn chưa được bổ sung vào kế hoạch thực hiện.
Đồng thời, một số tỉnh cũng đề nghị phân bổ thêm công suất cho dự án điện gió, điện mặt trời có pin lưu trữ, điện rác, điện sinh khối, hoặc cập nhật thêm dự án cho đủ công suất được giao theo Quy hoạch điện VIII.
Cụ thể, tỉnh Bình Dương có quy mô nguồn điện mặt trời áp mái đến năm 2030 là 185 MW, đã rà soát đề xuất danh mục các dự án nguồn điện trên địa bàn tỉnh nhằm bổ sung vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ xem xét phân bổ công suất điện mặt trời tăng thêm đến năm 2030 lên 3.177 MW, đến năm 2050 công suất tăng lên 5.359 MW; tăng quy mô công suất điện sản xuất từ rác đến năm 2030 lên 80 MW.
Về các dự án nguồn điện trong diện đang thanh tra, điều tra, đại diện Thanh tra Chính phủ khẳng định các dự án điện mặt trời đã có kết luận thanh tra thì không còn thuộc diện đang thanh tra, điều tra. Vì vậy, Bộ Công Thương rà soát, xác định rõ những dự án đã khắc phục, xử lý xong theo kết luận thanh tra, đáp ứng đủ tiêu chí để đưa vào kế hoạch.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc rà soát, bổ sung nguồn phát các loại hình điện của các địa phương để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, các dự án, nguồn phát mà các địa phương đề nghị bổ sung phải bảo đảm về mặt pháp lý, không đưa những dự án trong diện đang được thanh tra, điều tra.
Không để lãng phínguồn lực đầu tư của doanh nghiệp
Từ góc độ nghiên cứu quản lý chuyên sâu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nêu hướng xử lý các dự án điện gió chồng lấn với quy hoạch khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản: địa phương có thể chủ động đề xuất điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với định hướng phát triển điện lực, cũng như hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh "không được lãng phí nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương". Do đó, Bộ Công Thương cần tạo điều kiện cho các địa phương rà soát, báo cáo bổ sung những dự án điện mặt trời, điện gió có hệ thống pin lưu trữ, điện rác, điện sinh khối...Đồng thời điều chỉnh, cập nhật kịp thời Quy hoạch điện VIII, tạo thuận lợi cho xu hướng chuyển dịch từ năng lượng.
Phó Thủ tướng lưu ý rà soát 9 nhóm tiêu chí cần thiết để đưa vào Quy hoạch điện VIII, bảo đảm an toàn hệ thống, công nghệ truyền tải. Đối với những dự án cần sớm khắc phục mà Thanh tra Chính phủ đã nêu, phải xử lý, khắc phục xong thì mới được đưa vào bổ sung cho Quy hoạch điện VIII.
Đối với các dự án điện gió chồng lấn với khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, Phó Thủ tướng cho rằng cần tháo gỡ theo hướng đề xuất điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản để hài hòa lợi ích phát triển của địa phương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư có liên quan.
Vào ngày 15/4/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 38/CĐ-TTg về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.
Trước đó, năm 2023, Thủ tướng cũng đã liên tục có chỉ đạo về việc đảm bảo cung ứng điện thông qua chỉ thị, công điện. Từ đó, nhiều dự án đầu tư nguồn lực như đường dây 500kw mạch 3, các đường dây truyền tải điện từ Lào, kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII.. đã được đầy nhanh tiến độ, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, cơ chế để triển khai thực hiện nhanh nhất.
Phạm Thủy