Kim ngạch đạt 10 tỷ USD, Việt Nam thành đối tác lớn nhất khu vực của Đức
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn nhất của Đức, trong đó mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Đức là nông sản cũng đang tạo được dấu ấn.
Vượt Malaysia và Singapore, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á từ năm 2020. Kim ngạch hai chiều Việt - Đức tăng trung bình 10%/năm liên tục từ 2010. Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng năm 2021 giữa hai quốc gia vẫn ở mức cao và đạt gần 10 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, xuất khẩu Việt Nam sang Đức đạt gần 5,9 tỷ USD và nhập khẩu đạt gần 3,2 tỷ USD. Các mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam xuất khẩu sang Đức gồm điện thoại, máy tính, dệt may, da giày, cà phê và thủy sản. Ngược lại, Việt Nam nhập từ Đức các sản phẩm như máy móc thiết bị, dược phẩm, sản phẩm từ chất dẻo, hóa chất.
Trong các nước châu Âu, Đức hiện là quốc gia đứng thứ 3 đầu tư vào Việt Nam với 391 dự án còn hiệu lực, tổng số đầu tư đạt hơn 2,55 tỷ USD tại 38 tỉnh thành.
Đã có 41 dự án của Việt Nam đầu tư vào Đức, trị giá hơn 218 triệu USD. Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 đang tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận ở thị trường của nhau và mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.
Trong bối cảnh thương mại song phương ngày càng tăng trưởng, ngày 7/12, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Đức tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến Việt - Đức, nhằm cung những thông tin về thị trường Đức và kết nối giao thương, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Đức Bùi Vương Anh cho rằng, để vào thị trường Đức nói riêng và Châu Âu nói chung, các doanh nghiệp cần duy trì sản lượng, phong phú mẫu mã, đảm bảo chất lượng và phải đáp ứng được quy định mà Đức và EU đưa ra. Yêu cầu này nhằm tránh vi phạm các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu và có kịch bản quảng bá tới thị trường Đức.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, trong số các sản phẩm xuất khẩu, cà phê Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Đức nhiều nhất đạt 181.014 tấn, tương đương 319,52 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2021. Cà phê xuất khẩu sang Đức chiếm 15,3% trong tổng lượng và chiếm 14,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.
Thế mạnh của Việt Nam là nông sản, ông Volker Friedrich, Chủ tịch Ủy ban Chuyên gia Hiệp hội phát triển Kinh tế và Ngoại thương toàn cầu (BWA) cho biết, BWA chủ yếu làm việc với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực thuộc lĩnh vực sản xuất cà phê, nông sản. Trong đó những sản phẩm chất lượng cao từ Việt Nam đã tạo nên thương hiệu và ấn tượng tốt đối với người tiêu dùng. Đây là một trong những lợi thế của Việt Nam tại thị trường Đức.
Theo xu hướng chung của thế giới, hiện tại, thị trường Đức cũng hướng đến việc sử dụng các sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường trên tất cả các lĩnh vực nhập khẩu. Vì vậy, mặt hàng từ Việt Nam cũng cần chú đến yếu tố này khi phát triển các sản phẩm trong tương lai.
Về vấn đề kết nối song phương, ông Ludwig Graf Westarp, đại diện Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức (BVWN) tại Việt Nam cho biết, Đức là một thị trường tiêu thụ rất lớn và cơ quan này có thể đóng vai trò kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp tại Đức, như các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm về nông nghiệp, y tế.
Trưởng bộ phận kinh doanh công ty chuyên nhập khẩu thực phẩm, thủy sản đông lạnh Claus Norup cho biết, công ty chủ yếu nhập khẩu rau quả tươi và thủy sản.
Như vậy, với các doanh nghiệp, để tiếp cận thị trường châu Âu, ngoài yêu cầu về chất lượng, nguồn cung, độ an toàn, thương hiệu, các doanh nghiệp còn cần nâng cao khả năng bảo quản, đẩy nhanh tốc độ giao hàng, để sản phẩm tới tay người tiêu dùng được tươi ngon nhất. Yêu cầu này còn đặc biệt được ưu tiên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thời gian vận chuyển bị kéo dài, chi phí logistics tăng cao, ông Norup khuyến nghị.
Bùi Hằng