Chủ nhật, 24/11/2024 03:08 (GMT+7)
Thứ ba, 06/12/2022 15:55 (GMT+7)

Kinh tế số Việt Nam bùng nổ: Thời cơ và thách thức

Theo dõi KTMT trên

Giai đoạn gần đây, nền kinh tế số Việt Nam đang ngày càng phát triển với sự xuất hiện của các hình thức mua hàng trực tuyến, các sàn thương mại điện tử

Viễn cảnh xán lạn cho nền kinh tế số của Việt Nam tiếp tục được củng cố bởi những thống kê, dự báo lạc quan. Cuối tháng 10-2022, báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 do Google, Temaisek và Bain&Company công bố thể hiện, nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng khoảng 28% từ 18 tỉ đô la Mỹ năm 2021 lên 23 tỉ đô la Mỹ năm 2022.

Những thành tựu bất ngờ từ kinh tế số

Trên phạm vi toàn cầu, đại dịch Covid-19 đã khiến các căng thẳng thương mại được xoa dịu hơn trong ngắn hạn, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho các quốc gia biết nắm bắt cơ hội, nhất là thúc đẩy kinh tế số, doanh nghiệp số, chính phủ số và xã hội số.

Kinh tế số Việt Nam bùng nổ: Thời cơ và thách thức - Ảnh 1
Kinh tế số đã gặt hái được nhiều thành công.

Năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ của nền kinh tế số, thể hiện qua lượng dữ liệu cực lớn được luân chuyển trên hệ thống Internet. Lưu lượng dữ liệu toàn cầu hàng tháng dự kiến sẽ tăng từ 230 exabyte năm 2020 lên 780 exabyte vào năm 2026. Quy mô của thị trường Internet of Things (IoT)-Internet vạn vật toàn cầu là 308,97 tỷ USD năm 2020, tăng lên 381,30 tỷ USD vào năm 2021 và ước đạt 1,85 nghìn tỷ USD vào năm 2028.

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang tạo áp lực và cả động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ và bùng nổ kinh tế số ở Việt Nam cả về tốc độ và phạm vi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm những hướng đi mới và hoạt động hiệu quả hơn…

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2021 là một năm rất đặc biệt khi “Covid-19 là cú hích trăm năm cho chuyển đổi số” cả quản lý và sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối và các hoạt động xã hội truyền thống khác. Hoạt động thương mại điện tử, làm việc, hội họp, học tập, tư vấn và kể cả vui chơi giải trí từ xa… ngày càng trở nên phổ biến.

Đó cũng là lý do, các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành thông tin và truyền thông của Việt Nam đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Năm 2021, Việt Nam có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm công nghệ 4.0...

Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 34 nền tảng số Make in Viet Nam. Các doanh nghiệp công nghệ số như: VNPT, Viettel, CMC, FPT… có tiềm lực, có đóng góp lớn trong phát triển chính quyền số, kinh tế số với việc xây dựng các nền tảng số quốc gia. Với tinh thần “Make in Viet Nam”, các doanh nghiệp không chỉ gia công, lắp ráp cho nước ngoài mà vươn lên, sản xuất và làm chủ những sản phẩm, nền tảng công nghệ chuyển đổi số trong nước.

Đặc biệt, doanh thu ngành thông tin và truyền thông ước đạt hơn 136 tỷ USD, tăng hơn 11,4 tỷ USD so với năm 2020. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam đạt 18,779 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng doanh thu (so với mức hơn 3,68 tỷ USD của năm 2018, hơn 11 tỷ USD năm 2019, gần 13,4 tỷ USD năm 2020). Bên cạnh đó, giá trị của Việt Nam tạo ra trong doanh thu của các doanh nghiệp vốn FDI chiếm khoảng 15% (hơn 17,6 tỷ USD).

2022 - Năm bản lề trong chuyển đổi kinh tế số

Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới về hạ tầng số, dữ liệu, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số báo chí...

Kinh tế số Việt Nam bùng nổ: Thời cơ và thách thức - Ảnh 2
Năm 2022 - năm bản lề trong chuyển đổi kinh tế số.

Hướng mạnh đến mục tiêu năm 2025, cả nước có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số, với ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD. Có ít nhất 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trên một tỷ USD. ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang “Make in Viet Nam”, tức làm sản phẩm tại Việt Nam, đạt trên 45%.

Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin bằng từ hai đến ba lần tốc độ tăng trưởng GDP. Giá trị tăng thêm của doanh nghiệp công nghệ số “Make in Viet Nam” tăng gấp hai lần. Phát triển bốn loại hình doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt số lượng 100 nghìn doanh nghiệp; trong đó, ít nhất có 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD…

Để thúc đẩy chuyển đổi số, Việt Nam cần phải đồng bộ thể chế số, hạ tầng số, công cụ sản xuất số, công cụ quản lý số, nhân lực số, thị trường số và quản lý pháp luật số nhằm có một môi trường số lành mạnh, quản lý được các nguy cơ và rủi ro trên không gian mạng.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đòi hỏi sự điều chỉnh trong khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ số hoạt động và sản xuất kinh doanh…

Vì vậy, năm 2022, Việt Nam sẽ tập trung xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số; Xây dựng và bảo vệ được không gian tăng trưởng, phát triển kinh tế số dựa trên các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất, cung cấp, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Thách thức chuyển đổi kinh tế số Việt Nam

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tới tháng 10-2022, 10 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cung cấp dịch vụ thương mại điện tử Việt Nam là Shopee (Singapore), Lazada (Trung Quốc), Grab (Malaysia), Beamin (Hàn Quốc), Tiki (Việt Nam), Gojek (Indonesia), Sendo (Việt Nam), Foody/ShopeeFood (tiền thân là doanh nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Sea của Singapore, công ty mẹ của Shopee mua 82% cổ phần năm 2017), Be (Việt Nam), AhaMove (Việt Nam).

Kinh tế số Việt Nam bùng nổ: Thời cơ và thách thức - Ảnh 3
Cần vượt qua những cái bóng lớn và vươn lên trở thành nền kinh tế độc lập. 

Bốn cái tên trong tốp 10 chỉ có thể là một niềm an ủi liều nhẹ nếu so sánh với thị phần từng nhóm ngành mà các doanh nghiệp này đang nắm giữ (chẳng hạn, cả Tiki và Sendo chỉ chiếm 6,2% thị phần mua sắm trực tuyến năm tháng đầu năm 2022, theo nghiên cứu của Metric.vn), mức độ phụ thuộc của các doanh nghiệp logistics thương mại điện tử với các ông lớn thương mại điện tử nước ngoài.

Về hàng hóa được giao dịch trong các sàn mua sắm trực tuyến, khi định nghĩa “thế nào là hàng Việt” chưa thống nhất, rất khó để bình tĩnh, tự tin trước thực trạng “các ngôi chợ số” vẫn tiếp tục gánh lỗ để phát triển thị phần tại Việt Nam. Xu hướng mua hàng ngoại tại sàn thương mại điện tử nội đã xuất hiện và tương lai, nó chỉ có thể mạnh lên. Đối với các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, cũng như mua bán trực tiếp, quyền lực và phần nhiều lợi nhuận nằm trong các khâu phân phối.

Như vậy, phải chấp nhận cả giả thiết, những lời mời chào, tư vấn, đoán định về sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử Việt Nam nói riêng và kinh tế số Việt Nam nói chung đến từ kỳ vọng thống lĩnh mảng kinh doanh màu mỡ này bao gồm sự thâm nhập về thị trường, công nghệ, hàng hóa…

Vì vậy, dẫu có vui mừng về thành tích tăng trưởng của khu vực này, cũng cần đồng thời nhớ lại kinh nghiệm đã trải qua trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thảm đỏ mang đến phần lớn hoa lợi cho bên đối tác còn chúng ta vẫn đang xoay xở vượt qua “phận gia công”.

Linh Chi

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế số Việt Nam bùng nổ: Thời cơ và thách thức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới