Chủ nhật, 24/11/2024 04:55 (GMT+7)
Thứ năm, 07/04/2022 08:00 (GMT+7)

Kinh tế Việt Nam: Cần nhập khẩu 25 triệu tấn than cho điện và phân bón

Theo dõi KTMT trên

Bộ Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu than của Australia cũng như các đối tác tiềm năng của Nam Phi tăng lượng cung ứng than cho doanh nghiệp Việt Nam ngay từ tháng 4/2022.

Tăng lượng cung ứng than cho doanh nghiệp Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu khoảng 18-25 triệu tấn than phục vụ cho hoạt động sản xuất điện và phân bón trong năm 2022.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây đã có buổi làm việc trực tuyến với bà Tania Constable, Tổng giám đốc Hội đồng Khoáng sản Australia và các doanh nghiệp xuất khẩu than, khoáng sản hàng đầu của Australia để thúc đẩy hoạt động nhập khẩu than từ Australia phục vụ nhu cầu trong nước.

Kinh tế Việt Nam: Cần nhập khẩu 25 triệu tấn than cho điện và phân bón - Ảnh 1
Việt Nam cần nhập khẩu khoảng 18-25 triệu tấn than để sản xuất điện và phân bón. (Ảnh minh họa).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc đã đánh giá cao năng lực xuất khẩu và khai thác, chế biến than và khoáng sản hiện đang đứng hàng đầu thế giới của Australia.

Kinh tế Việt Nam: Cần nhập khẩu 25 triệu tấn than cho điện và phân bón - Ảnh 2
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: "Chính phủ hai nước đã nhất trí thiết lập các cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng về thương mại, năng lượng và khoáng sản". (Ảnh: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi).

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, Việt Nam đang có nhu cầu nhập khẩu khoảng 18-25 triệu tấn than phục vụ cho hoạt động sản xuất điện và phân bón trong năm 2022. Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu than của Australia, đặc biệt là các hội viên của Hội đồng Khoáng sản Australia tăng lượng cung ứng cho doanh nghiệp Việt Nam ngay từ tháng 4/2022.

Nhu cầu nhập khẩu than hiện nay của Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 5% tổng lượng than xuất khẩu ra thế giới của Australia. Do vậy, Bộ trưởng tin tưởng các doanh nghiệp Australia hoàn toàn đủ, thậm chí thừa năng lực cung cấp các sản phẩm than có chất lượng phù hợp với công nghệ sản xuất điện của doanh nghiệp Việt Nam.

Thúc đẩy nhập khẩu than từ Australia

Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị Hội đồng Khoáng sản Australia, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, các Bộ Công nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương kết nối và xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực than, khoáng sản của hai nước.

Đại diện cho Hội đồng Khoáng sản và các doanh nghiệp xuất khẩu than, khoáng sản Australia, bà Tania Constable cho biết, Australia có đầy đủ năng lực cung cấp than và khoáng sản cho nhu cầu của Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam: Cần nhập khẩu 25 triệu tấn than cho điện và phân bón - Ảnh 3
Bà Tania Constable: "Australia có đầy đủ năng lực cung cấp than và khoáng sản cho nhu cầu của Việt Nam". (Ảnh: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi)

Bà Tania Constable khẳng định Hội đồng Khoáng sản Australia sẽ phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương trong thời gian tới để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong việc tăng cường cung ứng than cho Việt Nam cũng như trong lĩnh vực đầu tư, chuyển giao công nghệ khai thác than, khoáng sản bền vững tại hai nước.

Thay mặt Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, ông David Gottlieb, Tham tán Kinh tế khẳng định nền kinh tế của Australia và Việt Nam mang tính bổ trợ lẫn nhau và hai nước là đối tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế.

Kinh tế Việt Nam: Cần nhập khẩu 25 triệu tấn than cho điện và phân bón - Ảnh 4
Ông David Gottlieb-Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Úc tại Việt Nam. (Ảnh: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi).

Hoạt động kết nối giữa Chính phủ và doanh nghiệp hai nước là một hoạt động rất có ý nghĩa giúp tăng cường và thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Úc nhằm triển khai có hiệu quả Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam và Australia đã được Thủ tướng hai nước thông qua vào năm 2021.

Tại buổi làm việc, đại diện Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương và Hội đồng Khoáng sản Australia cũng đã trao đổi cụ thể về nhu cầu và các quy định liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu than, khoáng sản của hai nước.

Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu than hàng đầu của Australia như BHP, Glencore, Yancoal, Whitehaven Coal, Jellinbah Group… và 04 doanh nghiệp nhập khẩu than hàng đầu của Việt Nam là Vinacomin, PVN, EVN và Tổng công ty Đông Bắc đã trực tiếp trao đổi cụ thể về năng lực sản xuất, xuất khẩu, nhu cầu nhập khẩu và khả năng hợp tác thời gian tới của mỗi công ty.

Theo thông tin đáng chú ý từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của tập đoàn này vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn và thiếu hụt.

Toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện, đến nay lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.

Cụ thể trong quý I/2022 vừa qua, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN đạt tỷ lệ 76% so với hợp đồng đã ký.

Vào thời điểm cuối tháng 3 vừa qua, nhiều tổ máy nhiệt điện than với tổng công suất khoảng 3.000 MW đã phải dừng và giảm phát điện do thiếu than. Và cũng theo Tập đoàn điện lực Việt Nam nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất dễ xảy ra.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế Việt Nam: Cần nhập khẩu 25 triệu tấn than cho điện và phân bón. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới