Kon Tum: Xảy ra liên tiếp 3 trận động đất trong sáng nay
Trong buổi sáng ngày 7/3, tại huyện Kon Pl ông tỉnh Kon Tum đã liên tiếp xảy ra 3 trận động đất 2.6, 2.8 và 3.0.
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, trận động đất đầu tiên xảy ra lúc 9h14 phút 52 giây với độ lớn 2.8 trên địa bàn huyện Kon PLông, tỉnh Kon Tum.
Sau đó vào trưa nay, thêm hai trận động đất có độ lớn 2.6 và 3.0 tiếp tục xảy ra ở khu vực này. Đây đều là trận động đất nhỏ với rủi ro thiên tai ở cấp 0.
Từ đầu tháng 2 đến nay, động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Kon PLông, Kon Tum. Nhiều ngày xuất hiện 2-3 trận động đất, phần lớn là các trận động đất có độ lớn dưới 3.5, ít khả năng gây rung chấn
Động đất tại Kon Plông, Kon Tum được Viện Vật lý Địa cầu nhận định là động đất kích thích, xảy ra do hồ chứa thủy điện tích nước gây áp lực lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới, khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.
Trước đó, trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum) cũng liên tục đưa ra các thông báo động đất. Điển hình, vào 9 giờ 10 phút ngày 4/2, tại huyện Kon Plông đã xảy ra 1 trận động đất có độ lớn 3,0; độ sâu chấn tiêu khoảng 8,8km. Tiếp đó, tới ngày ngày 5/2 đã xảy ra liên tiếp 2 trận động đất. Trận thứ nhất xảy ra vào lúc 0 giờ 20 phút có độ lớn 2,7. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8km. Trận thứ hai xảy ra vào lúc 8 giờ 29 phút với độ lớn 3,1.
Ngày 7/2, Viện Vật lý địa cầu tiếp tục ghi nhận thêm 3 trận động đất với độ lớn khác nhau. Cá biệt, ngày hôm qua, 9/2, có 5 trận động đất tiếp tục được ghi nhận với độ lớn từ 2,8 đến 3,4.
Trận động đất lớn nhất có độ lớn 3,4 xảy ra vào lúc 11 giờ 3 phút tại vị trí có tọa độ 14.962 độ Vĩ Bắc, 108.165 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trận động đất nhỏ nhất có độ lớn 2,8 xảy ra ngay sau đó vào lúc 11 giờ 29 phút tại vị trí có tọa độ 15.026 độ Vĩ Bắc, 108.186 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8km, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Như vậy, tính từ sau Tết Nguyên đán 2023, động đất đã xảy ra dồn dập tại huyện Kon Plông, Kon Tum với độ lớn dao động từ 2,5-3,6. Từ một khu vực không có nhiều động đất trong lịch sử (theo số liệu lưu trữ thì từ năm 1903-2020 thì tại khu vực này mới chỉ có hơn 33 trận động đất, trận lớn nhất là 3,9), tuy nhiên từ tháng 4/2021 đến nay, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại địa phương này cũng như các huyện lân cận, trong đó có nhiều trận động đất gây rung chấn diện rộng, lớn nhất là trận động đất xảy ra chiều 23/8/2022 với độ lớn 4,7.
TS Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, từ năm 2021 đến nay, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra hàng trăm trận động đất có độ lớn từ 2,4 đến 4,7.
Trên cơ sở số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông cho thấy, động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn.
Các trận động đất tại khu vực này chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người. Tuy nhiên, các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực.
Viện Vật lý Địa cầu cũng thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này về tình hình nói trên.
Trên cơ sở số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông cho thấy, động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn. Mặc dù đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người tại khu vực trên nhưng chắc chắn các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực.
Khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng, các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5.0. Viện cũng thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này. Để có kết luận chính xác, thời gian theo dõi hoạt động động đất phải đủ lớn, các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.
Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo người dân và chính quyền khu vực này cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng; các cấp chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh. Đặc biệt, khi có động đất xảy ra, chính quyền và người dân tại khu vực bị ảnh hưởng cần thực hiện nghiêm theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần.
Anh Thư