“Lá phổi xanh” Rú Chá
Rú Chá tại Thừa Thiên Huế là một trong những khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm không chỉ ở địa phương mà của cả nước. Đây cũng được xem như “bức bình phong” án ngữ, che chắn cho đất liền và là địa điểm thu hút du khách bởi nét hoang sơ, thơ mộng.
Lá phổi xanh
Cách TP Huế khoảng 15 km, nằm cuối hạ lưu sông Hương, gần cửa biển Thuận An, Rú Chá thuộc thôn Thuận Hòa (xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Với diện tích chưa đầy 4 ha, Rú Chá như một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ thơ mộng.
Cái tên Rú Chá hình thành từ xưa bởi ở đây đa phần là cây chá, mọc tự nhiên. Luồn lách dưới những vòm cây chá, trong không gian mát rượi của rừng cây và gió biển, sẽ phát hiện ra những cây chá tuy không cao nhưng lại có bộ rễ thật to, bám chặt vào lòng đất, nơi những chú còng dùng làm nơi trú ẩn, sống chung với loài chá còn nhiều loài cây rừng ngập mặn khác.
Người ta đến Rú Chá với những mục đích khác nhau. Nhiều người, nhiều đoàn học sinh, sinh viên đến đây để thực địa nghiên cứu thế giới nguyên sinh. Nhiều du khách lại chọn đây làm nơi giải tỏa những căng thẳng và bộn bề của cuộc sống. Những ngày đẹp trời, đứng ở Rú Chá có thể ngắm cảnh biển Đông qua cửa biển Thuận An. Đêm ở Rú Chá nhìn ra sóng nước, thấy dàn đèn của những chiếc tàu đánh cá tỏa sáng... lung linh.
Rừng còn là nơi cư ngụ của nhiều loài thủy sinh vùng đầm phá khá phong phú. Đặc biệt, khu rừng quý hiếm này còn là “bức bình phong” trấn lũ, bảo vệ mùa màng, dân cư trong mùa mưa bão. Bao quanh khu vực rú là những vựa tôm, cá, nguồn thủy sản dồi dào cho bộ phận cư dân đầm phá. Thấy rõ vai trò, tầm quan trọng, ngành kiểm lâm cùng với chính quyền địa phương mở rộng diện tích rừng ngập mặn quanh khu vực Rú Chá lên gần 22 ha, gồm đước, sú, vẹt, bần chua, dừa nước...
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong - Trần Viết Chức phấn khởi chia sẻ, Rú Chá được bảo vệ, mở rộng diện tích, nguồn thủy sản sinh sôi, ngày càng phong phú, đa dạng sinh học. Nhiều hộ dân quanh Rú Chá nhờ đánh bắt kết hợp nuôi trồng thủy sản đã ổn định cuộc sống, không ít hộ vươn lên khá giả, làm giàu. Bình quân mỗi năm, toàn xã thu về trên dưới 40 tỷ đồng từ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Con em ngư dân được ăn học, đỗ đạt...
“Người đặc biệt” giữ rừng
Đến Rú Chá, chắc chắn ai cũng được tận mắt thấy vợ chồng lão nông Nguyễn Ngọc Đáp (76 tuổi), người đã dành hơn 40 năm sống tách biệt với cộng đồng để bảo vệ hệ sinh thái nguyên sơ của khu rừng ngập mặn này.
Nhà ông Đáp lọt thỏm giữa Rú Chá, cuộc sống không điện, không nước sạch. Gian nhà nhỏ xíu, kê một chiếc giường tre cũng nhỏ, một manh chiếu trải dưới nền, góc nhà là chạn nhựa đựng bát, cái phích nước nóng, một ấm đun nước, một bình ắc quy... Trải qua biết bao thăng trầm, lão nông vẫn tồn tại cùng Rú Chá.
“Khi ấy Rú Chá chưa có người đặt chân đến, cảnh vật rất hoang vu, cộng thêm đây là vùng nước ngập mặn nên có nhiều tôm cá nhờ thế mà gia đình tui sống ở đây cũng có cái ăn qua ngày”, ông chia sẻ.
Kể từ khi có tay ông chăm sóc, bảo vệ nên cây chá đua nhau bén rễ sinh sôi phát triển, chim muông đua nhau tìm về đậu. Dù đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”, nhưng hằng ngày ông Đáp vẫn chèo ghe đi khắp khu rừng để ngăn cản người chặt cây và gỡ bỏ những chiếc bẫy cò.
“Và bao nhiêu năm, mỗi mùa bão lụt là cây chá con gãy đổ. Năm nào ông ấy cũng ngóng nước rút để đi dặm lại cây. Ông ấy luôn quan niệm là rừng tàn thì làng mạt”, bà Hồng nói.
Nói về khó khăn của cuộc sống hiện tại, ông Đáp bảo rằng cái ăn cái mặc giờ cũng đã đỡ hơn xưa, nhưng nguồn nước sạch thì vẫn khổ, bởi nước ở đây nhiễm mặn. Ông bà thường xuyên phải hứng nước mưa để nấu nướng hoặc thi thoảng vào làng Thuận Hòa chở nước ra sinh hoạt.
Tuy sinh tới 10 người con nhưng ông lại cho họ vào làng, chỉ còn lại giữa rừng có vợ chồng già và người bạn thân thiết là chiếc radio. Chỉ khi nào Tết, giỗ kỵ vợ chồng ông mới vào làng.
“Ở đây quen rồi, vào làng ồn ào, không chịu được. Gì chứ đời lão gắn với Rú Chá này cho đến khi xanh cỏ thì thôi...”, ông Đáp thổ lộ thêm.
Văn Dinh - Minh Trang