Lan tỏa các hành động bảo tồn đa dạng sinh học
Ngày 20/5, tại Vườn quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, Bộ TN&MT phối hợp cùng UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì sự kiện.
Tham dự Lễ kỷ niệm có ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn; ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn; GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam – Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN; ông Nguyễn Văn Tài, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, (Bộ TN&MT).
Cùng dự còn có đại diện các đơn vị thuộc Bộ TN&MT; đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngoại giao; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Sở TN&MT cùng đại diện các Sở, ban, ngành của tỉnh Bắc Kạn; đại diện các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học, ban quản lý vườn quốc gia một số tỉnh miền núi phía Bắc và đông đảo người dân huyện Ba Bể.
Ngày 22 tháng 5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động về đa dạng sinh học.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, năm 2023, chủ đề Ngày Quốc tế đa dạng sinh học “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học” được Liên hợp quốc phát động, nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050. Qua đó, thúc đẩy thực hiện giải pháp sáng tạo đối phó với cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học, đưa vấn đề này lên hàng đầu trong các cuộc thảo luận toàn cầu về phát triển bền vững.
Để chuyển hóa những thách thức và hưởng ứng chủ đề Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cấp Bộ, ngành, địa phương ưu tiên rà soát hoàn thiện hệ thống chính sách, thể chế, chủ trương của Đảng, Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học; thể chế hóa và nội luật hóa những nội dung điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần có Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học để triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bảo đảm phù hợp với khuôn khổ, mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal. Tiếp tục triển khai các hoạt động để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển và các vùng đất ngập nước quan trọng khác. Qua đó, thực hiện có hiệu quả mục tiêu về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên của Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và vai trò của đa dạng sinh học trong phát triển bền vững; nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên, tiếp cận dựa trên hệ sinh thái để bảo vệ, bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững các hệ sinh thái; củng cố và tăng cường hệ thống di sản thiên nhiên thông qua triển khai đồng bộ các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế sẽ giúp tăng cường năng lực, cơ sở hạ tầng trong việc tiếp cận và kết nối với các bộ ngành, địa phương; đồng thời, đảm bảo sự công bằng, toàn diện, hiệu quả và có trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia và đưa ra các quyết định có liên quan đến đa dạng sinh học gắn với văn hóa bản địa tại từng địa phương.
Về phía địa phương, ông Đinh Quang Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn, nhấn mạnh địa phương này có hệ sinh thái rất phong phú và đa dạng với hơn 1.800 loài thực vật, 86 loài thú, hơn 300 loài chim, nhiều loài động vật quý hiếm…
Tại Bắc Kạn, công tác bảo tồn đa dạng sinh học được coi trọng, kết hợp sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sainh học Vườn quốc gia Ba Bể và các vùng phụ cận. Đây vừa là giải pháp trước mắt, vừa hướng tới các mục tiêu lâu dài nhằm bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, góp phần phát triển kinh tế xã hội theo hướng xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Do vậy, việc tổ chức Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 tại Vườn Quốc gia Ba Bể có ý nghĩa rất lớn, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp trong công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trên địa bàn.
Ông Tuyên khẳng định, tỉnh Bắc Kạn cam kết sẽ chủ động thực hiện các biện pháp sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; khai thác đi đôi với phục hồi và tái tạo; phát triển kinh tế theo hướng thân thiện môi trường.
Trong khuôn khổ sự kiện, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Bắc Kạn cùng các đại biểu đã cùng thả cá giống xuống hồ Ba Bể để tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần giữ cân bằng sinh thái trong khu vực hồ.
Theo Liên hợp quốc, nguyên nhân gây mất đa dạng sinh học được xác định do thay đổi phương thức sử dụng đất và biển, biến đổi khí hậu, các hoạt động như nông nghiệp không bền vững, ô nhiễm và sự xâm lấn của các loài ngoại lai. Nhằm đặt ra các mục tiêu chung về bảo tồn đa dạng sinh học trên toàn cầu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP15). Đồng thời, khẩn trương đảo ngược lại quá trình mất đa dạng sinh học đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu trong vài thập kỉ vừa qua, gấp rút triển khai các nội dung Khung Đa dạng sinh học toàn cầu phù hợp với từng quốc gia.