Landmark 81 ẩn mình sau lớp "sương"
Thời tiết tại TPHCM tù mù từ sáng tới chiều, nhiều tòa nhà cao tầng bị bao phủ bởi một lớp mù dày đặc. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở ngưỡng 199, đứng thứ 5 trên thế giới về mức độ ô nhiễm.
Tòa nhà cao nhất Việt Nam ẩn mình sau màn "sương"
Theo số liệu từ một số ứng dụng quan trắc không khí, chỉ số AQI (Air Quality Index) - chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày cao nhất tại TPHCM là 199 (báo động đỏ). Nồng độ bụi (PM 2.5) trong không khí cao gấp 7,5 lần so với giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.
Ghi nhận bởi Dân Trí, Vào lúc 11h, tuyến đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) hướng về hầm Thủ Thiêm (quận 1) vẫn mù mịt, những tòa nhà cao tầng phía trước mờ ảo trong lớp bụi mù. Khu vực sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh), là nơi có chỉ số chất lượng không khí khá cao (189 AQI), nồng độ bụi lên tới PM2.5. Lúc 12h30, khu vực trung tâm thành phố (hướng nhìn từ cầu Thủ Thiêm 1 về cầu Thủ Thiêm 2) mờ ảo trong lớp bụi mù. Một số tòa nhà cao tầng như Bitexco, khu Vinhomes,... cũng tù mù khi đứng quan sát từ xa.
Nhìn từ phía TP Thủ Đức, tòa nhà Landmark 81 (tòa nhà cao nhất Việt Nam) mờ ảo bởi một lớp mù dày đặc. Đến 12h, trung tâm TPHCM vẫn còn khá mù mờ trong lớp bụi mù. Chỉ số (AQI) một số điểm cao bất thường như khu vực quận 7 (199), TP Thủ Đức (160), quận Bình Thạnh (189), quận Tân Bình (185).
Tại khu vực nút giao An Phú (TP Thủ Đức) bị bao phủ bởi một lớp mù dày đặc khiến tầm nhìn bị hạn chế, người dân lo lắng không biết là sương mù hay bụi bẩn (Ảnh: Hải Long). Hơn 13h, mặc dù trời có nắng nhẹ nhưng bầu trời tại khu vực trung tâm thành phố vẫn âm u. Gần 14h, tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (hướng từ sông Sài Gòn về quận Bình Thạnh) bụi mù bao phủ như sương sớm ở Đà Lạt.
Sáng 14/12, chỉ số (AQI) trung bình của TPHCM là 177, trở thành thành phố ô nhiễm xếp thứ 5 trên thế giới. Trong khi đó chỉ số (AQI) của TP Hà Nội hôm nay là 91, xếp thứ 33 trên thế giới theo số liệu từ ứng dụng quan trắc không khí Airvisual.
Tác hại của ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí làm cho mọi người phải tiếp xúc với các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm. Các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và nhà máy nhiệt điện chạy than cùng với việc sử dụng nhiên liệu rắn là các nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động và ảnh hưởng tới các nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của con người.
Ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe của người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ước tính mới đây năm 2018 cho thấy rằng 9/10 người dân phải hít thở không khí chứa hàm lượng các chất gây ô nhiễm cao. Ô nhiễm không khí cả ở bên ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu; chỉ tính riêng khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 2,2 triệu người tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, khoảng 60.000 người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Linh Chi