Lập Hội đồng thẩm định Đề án thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 926/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định Đề án thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương.
Theo đó, ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm Phó Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng thẩm định hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi Đề án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương được Chính phủ thông qua. Bộ Nội vụ là cơ quan Thường trực của Hội đồng, tổng hợp, dự thảo kết quả thẩm định của Hội đồng bảo đảm đúng quy định của pháp luật, báo cáo Chủ tịch Hội đồng.
Kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định do ngân sách nhà nước cấp, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của Bộ Nội vụ và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 924/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I.
Phạm vi đánh giá phân loại đô thị là toàn bộ địa giới hành chính hiện hữu của tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên là 4.947,11km2. Khu vực nội thành là khu vực dự kiến thành lập 2 quận trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, gồm toàn bộ địa giới hành chính hiện hữu của TP.Huế, có tổng diện tích tự nhiên là 266,46km2.
Theo quyết định, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác thông tin, số liệu, nội dung của đề án, các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được phê duyệt, quy định pháp luật và các quy định có liên quan.
Đồng thời, tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng khắc phục các tiêu chuẩn chưa đạt, đạt thấp, nhất là tại khu vực các xã dự kiến thành lập phường; chịu trách nhiệm đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu, đánh giá các tiêu chuẩn phân loại đô thị, tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập các phường, quận và báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị của các đô thị trực thuộc.
Theo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế là tổ chức không gian phát triển theo hướng mô hình đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; gắn với các hành lang Bắc - Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây, hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng.
Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị thông minh, thủy lợi và phòng chống thiên tai, hạ tầng các khu chức năng. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế.
Đồng thời, phát huy các tiềm năng, lợi thế so sánh, vị trí chiến lược - cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây với văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú, trọng tâm là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng với Sông Hương Núi Ngự, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.
Nguyễn Trọng