Chủ nhật, 24/11/2024 06:54 (GMT+7)
Thứ năm, 04/08/2022 09:55 (GMT+7)

Liên Hợp quốc đề xuất đánh thuế cao đối với các "ông lớn" ngành dầu khí

Theo dõi KTMT trên

Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi đánh thuế khoản lợi nhuận khổng lồ mà các công ty dầu khí thu được nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với những người dân nghèo.

Đánh thuế ngành dầu khí để hỗ trợ người nghèo

Phát biểu tại lễ ra mắt báo cáo thứ 3 của Nhóm Ứng phó khủng hoảng toàn cầu về lương thực, năng lượng và tài chính do xung đột ở Ukraine, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi đánh thuế khoản lợi nhuận khổng lồ mà các công ty dầu khí thu được nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với những người dân nghèo.

Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh rằng việc các công ty dầu khí thu lợi nhuận khổng lồ do khủng hoảng năng lượng và đẩy gánh nặng tài chính lên vai những người dân nghèo nhất, đồng thời gây ra hậu quả to lớn cho khí hậu và môi trường là hành động vô đạo đức.

Ông ước tính khoản lợi nhuận các công ty dầu khí lớn nhất thu được trong quý I năm nay lên tới 100 tỷ USD, đồng thời kêu gọi các chính phủ đánh thuế khoản lợi nhuận khổng lồ này để có thêm nguồn thu hỗ trợ người nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Tổng Thư ký Guterres cũng kêu gọi tất cả người dân hãy cùng gửi đi thông điệp dứt khoát đối với ngành dầu khí rằng nhiên liệu hóa thạch đang gây ra khó khăn cho những người dân nghèo và phá hủy hành tinh chung của loài người.

Liên Hợp quốc đề xuất đánh thuế cao đối với các "ông lớn" ngành dầu khí - Ảnh 1
LHQ đề xuất đánh thuế khoản lợi nhuận khổng lồ mà các công ty dầu khí thu được nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với những người dân nghèo.

Người đứng đầu LHQ cũng cho rằng các nước, đặc biệt các nước phát triển, phải có trách nhiệm kiểm soát nhu cầu sử dụng năng lượng của người dân thông qua các biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng và có nhiều giải pháp phù hợp điều kiện thiên nhiên cũng như chuyển đổi sang các loại năng lượng xanh và sạch.

Ngành dầu khí Việt Nam phải nộp thuế như thế nào?

Năm 1993, Luật Dầu khí và sau đó là các luật thuế khác được ban hành nên các PSC cũng được điều chỉnh để phù hợp với các luật. Nội dung điều khoản hợp đồng quy định về quyền lợi kinh tế của các bên được sửa đổi như sau:

Nhà thầu nộp thuế tài nguyên cho Chính phủ Việt Nam bằng 6% đến 29% sản lượng dầu khai thác hàng năm (thuế suất lũy tiến theo khung sản lượng khai thác). Nhà thầu được trích tới 50% sản lượng dầu khai thác hàng năm để thu hồi dần dần cho đến hết toàn bộ các chi phí đã bỏ ra (không tính lãi) cho tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác, bao gồm cả quỹ dự phòng cho thu dọn mỏ khi kết thúc khai thác.

Phần dầu lãi được chia cho Petrovietnam và nhà thầu theo tỷ lệ từ 40/60 đến 20/80 tùy theo mức sản lượng khai thác tăng dần. Nhà thầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho Chính phủ Việt Nam với thuế suất từ 32% - 50% tùy theo từng hợp đồng.

Từ năm 1998, hợp đồng dầu khí tại Việt Nam được ký kết dưới các hình thức: hợp đồng chia sản phẩm; hợp đồng điều hành chung; hợp đồng liên doanh. Hợp đồng dầu khí phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có hiệu lực theo quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư.

Đặc điểm ngành công nghiệp khai thác dầu khí là tìm kiếm thăm dò khai thác tài nguyên dưới lòng đất và đa số ở ngoài khơi xa đất liền, chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao. Vì vậy, tham gia hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn lớn, có trình độ công nghệ cao, nên hầu hết các hợp đồng dầu khí ở Việt Nam hay ở các nước khác đều có xu hướng là hợp tác quốc tế, nhằm mục đích san sẻ rủi ro và tạo ra một lượng vốn đầu tư đủ lớn cho hoạt động của mình.

Các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động dầu khí thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo pháp luật, bao gồm:

Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới Việt Nam có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (hiện hành là Luật số 107/2016/QH14). Các thiết bị, máy móc, vật tư loại trong nước chưa sản xuất được thì được miễn thuế theo qui định. Dầu thô, khí thiên nhiên xuất khẩu nộp thuế xuất khẩu theo mức quy định (hiện hành 10%).

Các loại thuế khác như: Thuế tài nguyên từ 6% đến 29%, lũy triến theo sản lượng khai thác. Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với sản phẩm xăng (7% đến 10%). Thuế giá trị gia tăng (GTGT) thuế suất 10% đối với dầu thô, khí thiên nhiên và các sản phẩm lọc hóa dầu, chế phẩm dầu khí. Dầu thô hoặc khí thiên nhiên xuất khẩu thì không thu thuế GTGT nhưng cũng không được khấu trừ, không được hoàn lại thuế đầu vào. Ưu đãi dành cho giai đoạn tìm kiếm, thăm dò là việc hoàn lại thuế GTGT đã nộp đối với hàng hóa, vật tư mà nhà thầu dầu khí đã mua vào để sử dụng cho tìm kiếm thăm dò trong giai đoạn chưa có phát hiện thương mại.

Thuế TNDN có thuế suất 32% đến 50%, được quy định cụ thể đối với từng hợp đồng, tùy thuộc vào vị trí, điều kiện khai thác và trữ lượng mỏ. Thuế nhà thầu nước ngoài bao gồm thuế: GTGT, TNDN, TNCN khi nhà thầu và nhà thầu phụ nước ngoài không đăng ký pháp nhân Việt Nam nhưng có các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, cung cấp dịch vụ cho hoạt động dầu khí.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Liên Hợp quốc đề xuất đánh thuế cao đối với các "ông lớn" ngành dầu khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới