Lo mất điện, Indonesia cấm xuất khẩu than
Theo Bộ Năng lượng Indonesia, bắt đầu từ đầu năm nay nước này ban hành lệnh cấm xuất khẩu than trong tháng 1, do lo ngại việc thiếu nguồn cung than tại các nhà máy điện trong nước có thể dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng.
Được biết, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới, với các khách hàng đầu là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong năm 2020, nước này đã xuất khẩu khoảng 400 triệu tấn than. Trong tháng 1 của những năm gần đây, Indonesia đã xuất khẩu khoảng 30 triệu tấn than.
Ông Ridwan Jamaludin, quan chức phụ trách về khoáng sản và than tại Bộ năng lượng Indonesia cho hay, việc cấm xuất khẩu chỉ là tạm thời và nó có nguyên nhân sâu xa. Nếu lệnh cấm không được thực thi, gần 20 nhà máy điện với công suất 10.850 MW sẽ phải ngừng hoạt động. Do đó, nếu Indonesia không thực hiện bất cứ động thái chiến lược nào, tình trạng mất điện trên diện rộng là hoàn toàn có thể xảy ra.
Chuyên gia kinh tế tại công ty Bahana Sekuritas, ông Putera Satria Sambijantoro cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Indonesia có thể dẫn đến dự báo tiêu thụ điện và than cao hơn so với những dự báo trước đó. Trong bối cảnh Indonesia nằm trong số 10 quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới và than đá chiếm khoảng 60% nguồn năng lượng của nước này, việc đảm bảo nguồn cung trong nước lại càng trở nên quan trọng.
Chính sách Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO) cho thấy, các công ty khai thác than phải cung cấp 25% sản lượng hàng năm cho công ty nhà nước Perusahaan Listrik Negara (PLN). Mức giá được đề ra là tối đa 70 USD mỗi tấn, thấp hơn nhiều so với giá thị trường hiện tại.
Mặt khác, theo ông Ridwan, nguồn cung cấp than cho các nhà máy điện mỗi tháng đều thấp hơn mức được quy định theo chính sách DMO. Điều này đã dẫn tới sự thâm hụt kho dự trữ than vào cuối năm.
Phản ứng lại với lệnh cấm này, Hiệp hội Khai thác Than Indonesia (ICMA) đã kêu gọi Bộ trưởng Năng lượng thu hồi lệnh cấm xuất khẩu. Theo như tổ chức này, lệnh cấm đã “được thực hiện một cách vội vàng mà không thông qua thảo luận với các doanh nghiệp”.
Chủ tịch ICMA Pandu Sjahrir cho biết, lệnh cấm xuất khẩu trên diện rộng có thể làm gián đoạn khối lượng sản xuất than vào khoảng 38 đến 40 triệu tấn mỗi tháng. Hơn nữa, hiệp hội này cũng bày tỏ sự lo ngại về các tranh chấp có thể xảy ra với khách hàng nếu các nhà sản xuất than tuyên bố không thể giao hàng vì lí do bất khả kháng.
Theo ông Sjahrir nhận định: “Các tàu đi đến vùng biển của Indonesia cũng sẽ gặp phải nhiều điều không chắc chắn và chính điều này sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng và độ tin cậy của Indonesia với tư cách là nhà cung cấp than hàng đầu trên thế giới”.
Ông Ahmad Zuhdi Dwi Kusuma cho rằng, một nhà phân tích ngành tại Bank Mandiri thì lệnh cấm này có thể sẽ đẩy giá than toàn cầu lên cao hơn nữa trong những tuần tới khi lượng dự trữ giảm
Theo ông Ahmad Zuhdi Dwi Kusuma, một nhà phân tích ngành tại Bank Mandiri thì lệnh cấm này có thể sẽ đẩy giá than toàn cầu lên cao hơn nữa trong những tuần tới khi lượng dự trữ giảm. Thêm vào đó, các khách hàng của Indonesia có thể sẽ chuyển sang nhập than từ các nơi khác như Nga, Australia hoặc Mông Cổ.
“Trong bối cảnh toàn cầu bất ổn như hiện nay, thị trường thường tìm đến những đối tác đem lại sự an toàn nhất”, ông Ahmad bổ sung thêm.
Chính vì vậy, vào 5/1 sắp tới, lệnh cấm xuất khẩu than vào tháng 1 sắp tới sẽ được xem xét lại. Trước đó vào tháng 8 năm ngoái, Indonesia cũng đã đình chỉ việc xuất khẩu than của 34 công ty khai thác than mà quốc gia này cho rằng không đáp ứng được các nghĩa vụ đối với thị trường nội địa trong 7 tháng đầu năm 2021 vừa qua.
Bùi Hằng (T/h)