Chủ nhật, 24/11/2024 05:35 (GMT+7)
Thứ hai, 31/01/2022 11:00 (GMT+7)

Lo Tết

Theo dõi KTMT trên

Chắc chỉ trẻ nhỏ vô tư là không “lo” Tết còn người lớn, đặc biệt là người chủ gia đình, người giữ tay hòm chìa khóa thì đã quan tâm đến Tết từ trước đó vài tháng. Tôi dùng chữ “lo” ở đây với hai nghĩa là “lo liệu và “lo lắng” với những cung bậc khác nhau.

Lo liệu

Không hiểu từ bao giờ chúng ta có Tết với rất nhiều ý nghĩa, đậm bản sắc của người phương Đông, điển hình là Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc... Người xưa đã coi Tết là mốc thời gian hết một năm tuần hoàn của vũ trụ, mặc dù Tết được tính theo âm lịch nhưng ngày Tết thường rơi vào tiết Lập Xuân, bắt đầu từ ngày 4 hay 5 tháng 2 (dương lịch), khi hết tiết đại hàn và kết thúc vào khoảng ngày 18 hay 19 tháng 2 dương lịch.

Tết là thời gian chuyển giao năm cũ sang năm mới (âm lịch), mọi người đón năm mới với tuổi mới, trẻ em lớn thêm một tuổi, thanh niên, trung niên trưởng thành thêm và người già được thêm tuổi thọ trong năm mới. Tết là dịp người thân được tụ họp, được gặp nhau, dù ở xa cũng cố gắng về quây quần bên gia đình, hưởng những giây phút đoàn viên, kể cho nhau nghe những gì đã trải qua trong một năm hoạt động mưu sinh ở nhiều nơi, thậm chí ở quốc gia khác. Tết được coi là thời gian được nghỉ ngơi sau một năm làm lụng vất vả, thậm chí quét nhà, đổ rác cũng được hạn chế và là thời gian được thưởng thức những món ngon mà ngày thường không có hoặc ít ăn. Thức ăn được chế biến sẵn để Tết chỉ việc đem ra ăn nên phải lo liệu từ khá sớm, luộc bánh chưng, muối hành, làm giò, chả, mật mía... vì vậy phải lo thịt lợn, tát ao, kéo mật, mua sắm. Đặc biệt, ở nông thôn trước đây, chủ gia đình phải lo liệu trước để có đủ thức ăn cho ngày Tết và rõ ràng những ngày trước Tết là những ngày tất bật, đầy lo toan.

Lo Tết - Ảnh 1

Ở Thành phố, thời bao cấp lo Tết vẫn còn nhiều việc giống nông thôn nhưng có phần đơn giản hơn, nhiều nhà vẫn tự nấu bánh chưng, vẫn tự gói giò, muối hành... nhưng ngày nay thì mọi thứ đều có thể mua nên không phải lo liệu nhiều. Thế nhưng, vẫn phải lo liệu để có được được cành đào, cành mai, lọ hoa, gói mứt đẹp để cúng Tết và phải lo để có nơi mua được thực phẩm “sạch”, ngon và điều này vẫn chưa thật đơn giản trong giai đoạn hiện nay. Một vấn đề phải định liệu sớm là về thăm quê đối với những người sống, làm việc xa quê, lo phương tiện, lo quà, lo đem đủ quần áo cho cả gia đình trong những ngày ở quê.

Đối với các vị lãnh đạo các cấp thì phải lo toan nhiều hơn, không chỉ cho gia đình mình mà còn lo cho cả xã hội. Thường thì Tết luôn gắn liền với những lễ hội ngày xuân, trẻ em thì có các trò chơi, thanh niên thì trẩy hội, hát giao duyên, các cụ thì xúm quanh các bãi cờ người và nhiều vùng quê còn có lễ rước các vị thần linh nữa nên các cụ, các ông, các chàng trai, cô gái phải chuẩn bị lo liệu từ rất sớm. Các gia đình khá giả hiện nay thì phải chuẩn bị nhiều thứ để có thể đi du lịch chơi Tết, phải suy nghĩ đi đâu?, chỗ đó có gì?, chọn tour hay tự đi, ở nhà nghỉ, khách sạn hay resort?, và nhiều điều khác nữa.

Quả thật, với một bài viết ngắn không thể nêu hết được những lo toan, chuẩn bị cho ngày Tết, cho một cái Tết đầm ấm trong gia đình, cho con trẻ vui vẻ, cho người già an tâm để rồi bước sang năm mới với nhiều niềm vui, nhiều lo toan mới.

Lo lắng

Lo lắng cũng là tâm trạng chung của rất nhiều người và cũng diễn ra rất đa dạng phụ thuộc vào hoàn cảnh mỗi người trong dịp Tết đến. Trong bài viết này chỉ tập trung vào lo kiếm tiền để chi tiêu ngày Tết. Quả thật, Tết đến phải sắm sửa nhiều thứ, phải lo đi đây đó, phải biếu người thân chút quà, vv.., toàn những thứ cần tiền cả. Ở nông thôn trước đây, trước Tết là thời gian phải lo lắng nhiều thứ, nuôi con lợn, đàn gà đấy, mong để bán kiếm tiền tiêu Tết nhưng lo sao không bị dịch hại, nếu không thì dễ bị mất Tết. Còn ở thành phố, nếu ai đã đọc truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan: “Ngựa người, người ngựa” và xem tiểu phẩm cùng tên do nghệ sỹ Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền đóng thì thấy xót xa cho những người nghèo như anh phu xe và chị kỹ nữ.

Hiện tại, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn và cả nhiều nơi ở thành thị vẫn còn nhiều nhà nghèo, cận nghèo, ngày thường mưu sinh còn chật vật thì những ngày gần Tết phải cố gắng nhiều hơn mong có thêm thu nhập. Rất may, Nhà nước, Chính phủ, các đoàn thể xã hội trong chế độ Việt Nam ngày nay có những chính sách, những hoạt động rất có ý nghĩa, rất hiệu quả chăm lo thêm để cái Tết của người nghèo không quá thiếu thốn.

Lo Tết - Ảnh 2

Với những người có công việc ổn định thì mong nhiều vào tiền thưởng Tết của cơ quan nơi mình làm việc, những cơ quan ăn nên làm ra trong năm còn có thêm lương tháng mười ba, mười bốn... nữa.

Tiền thưởng Tết thật ra cũng là tiền do người lao động làm ra, tích cóp trong cơ quan, doanh nghiệp dưới dạng phúc lợi xã hội và được đem phân phát đúng vào dịp Tết. Mức thưởng Tết ở Việt Nam rất khác nhau, có mức chỉ vài trăm ngàn, có mức vài triệu, có mức vài chục triệu, và nghe nói có người còn được lĩnh vài trăm triệu. Rất ít nghiên cứu về sự khác biệt này, tại sao có nơi thưởng Tết quá cao, có nơi lại rất thấp và rồi người ta cũng chấp nhận bằng cách so sánh hơn kém, chẳng hạn được vài trăm ngàn thì cho là có hơn không, được vài triệu thì thấy mình còn khá hơn những người chỉ được thưởng Tết vài trăm ngàn và cứ so sánh như vậy để mà sống. Một số học giả cho rằng sự khác biệt này cũng giống như tiền lương, thu nhập của người lao động của Việt Nam thôi, người làm công ăn lương trong hệ thống Nhà nước quản lý thì có lương theo hệ số quy định sẵn, theo đó hệ số thấp nhất là 1,35 thuộc nhóm 3 (c3) theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước theo mức lương cơ sở 2021 (1,49 triệu đồng/1 đơn vị hệ số) và hệ số cao nhất dành cho cán bộ lãnh đạo cấp cao nhất nhưng chỉ đến hệ số 13 đối với Chủ tịch nước.

Nếu chỉ xét thu nhập bằng lương theo hệ số như vậy thì thu nhập người thấp nhất chỉ là 2.011.500 đồng/tháng và người thu nhập cao nhất cũng chỉ đạt 19.370.000 đồng/tháng. Tất nhiên, còn có các hệ số khác như hệ số chức vụ, phần trăm thâm niên và các cơ quan còn có thêm cả lương hai (phụ) nữa nên mức thu nhập thực tế cao hơn nhưng cộng tất cả vào thì thu nhập của Chủ tịch nước cũng chỉ khoảng trên dưới 30 triệu/tháng (chỉ khoảng 1.200 đến 1.500 đô la Mỹ một tháng. Chắc chắn mức thu nhập này kém xa rất nhiều người ở Việt Nam và nếu coi đây là năng suất lao động thì rất vô lý vì lao tâm khổ tứ lo cho dân cho nước của một số lãnh đạo cấp cao rất đáng được đánh giá ở mức cao nhất. Trao đổi với nhiều Giáo sư kinh tế nước ngoài, họ cũng cho đây là vấn đề phải xem xét lại, đánh giá đúng sức lao động đối với các vị này.

Nhìn chung, chúng ta vẫn chưa có được cách thức trả lương thù lao theo lao động, theo năng suất làm việc một cách thỏa đáng. Các nước phát triển, họ đã có cách tiếp cận rất hay dựa trên thị trường lao động và mức làm lợi (tính ra tiền) của người lao động đem về cho cơ quan, doanh nghiệp mình. Về thị trường lao động, chúng ta còn ở giai đoạn đầu nhưng cũng đã có những thể hiện rõ qua việc người lao động có quyền chọn nơi làm việc có mức thù lao, mức thu nhập cao hơn.

Mới đây nhất, nhiều tờ báo đã nói đến tình trạng xin nghỉ việc của cả ngàn nhân viên y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2020-2021), trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân thu nhập thấp, áp lực công việc cao. Khoan hãy nói tới y đức, đạo đức của số cán bộ này (xin nghỉ việc trong dịp đại dịch) mà chỉ nên coi đây là dịp thể hiện rõ chênh lệch thu nhập giữa khu vực công (nhà nước) và khu vực tư nhân. Chúng ta đã công nhận các cơ sở, doanh nghiệp tư nhân, dân lập thì phải chấp nhận nhiều sự khác biệt, vấn đề cơ bản là phải có chính sách để hạn chế những chênh lệch không đáng có. Bệnh viện tư nhân có thu nhập cao, trường học dân lập cũng có thu nhập cao vì họ được thu mức chữa bệnh, mức học phí cao nhưng nếu không kiểm soát chất lượng dịch vụ thì dễ dẫn đến thiệt thòi cho người dân. Tất nhiên, người ta bỏ tiền cao để có dịch vụ tốt và dần dần nơi nào dịch vụ kém thì sẽ không có khách hàng sẽ bị phá sản, nhưng điều này chỉ đúng khi xã hội đã phát triển ở mức đủ cao, thỏa mãn được các mức tối ưu pareto về hàng hóa và dịch vụ theo lý thuyết kinh tế. Nếu xét về chi phí cơ hội thì làm việc ở cơ quan tư nhân, dân lập sẽ mất những lợi thế có được khi làm việc ở cơ sở công lập, chẳng hạn đợt dịch vừa qua những người làm việc ở cơ quan nhà nước, nhất là người đã có biên chế thì vẫn có lương đầy đủ, thường xuyên.

Về năng suất lao động, nhiều quốc gia đã hình thành cách xác định rất khoa học và dễ điều hành, chẳng hạn, họ định rõ chức danh, việc làm và lượng lao động cần có. Mỗi chức danh việc làm phải đảm nhiệm thực hiện nhiều công việc với cường độ lao động khá cao và được đánh giá thông qua kết quả làm việc, kết quả đem kinh phí về cho cơ sở. Hệ số tính mức năng suất cho từng người được tính thông qua mức hoàn thành công việc và có xét cả thời gian làm việc.

Vì vậy, ở một số nước ngay gần chúng ta như Trung Quốc, Nhật Bản mới có tình trạng lao động quá sức, chịu nhiều áp lực dẫn đến nhiều hậu quả không mong muốn. Ở Nhật Bản có hiện tượng tự tử vì công việc quá sức, ở Trung Quốc nhiều người trẻ không có thời gian chăm sóc cho mình vì làm thêm nhiều, công thức 9.9.6: làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong 6 ngày/tuần là một ví dụ. Rõ ràng ở các cơ sở công lập và bây giờ cả ở những đơn vị tự chủ tài chính lãnh đạo phải định danh công việc, tính mức kinh phí của từng chức danh để tính thu nhập cho người lao động nên có thể thu nhập sẽ cao hơn hẵn.

Vấn đề chênh lệch thu nhập cũng cần được nghiên cứu kỹ trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Ngay cả trong chế độ XHCN, cũng có chênh lệch thu nhập vì “làm theo năng lực hưởng theo lao động” nên người lao động nhiều phải được hưởng nhiều hơn. Tất nhiên, lao động bây giờ cũng có nhiều loại khác nhau, sử dụng nhiều công cụ khác nhau và sản xuất ra nhiều hàng hóa, dịch vụ có mức giá trị khác nhau nên xét trên khía cạnh tối đa hóa lợi nhuận thì phải đầu tư vào những lĩnh vực có khả năng sinh lời nhiều hơn.

Đặc biệt, khi chúng ta kiên quyết nói không với chủ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất thì vẫn còn đó những khe hở pháp luật để nhiều đối tượng lợi dụng trục lợi cá nhân, những bản án nghiêm khắc cho những kẻ cố tình phạm tội, kể cả quan chức cấp cao gần đây là minh chứng. Vì vậy, chúng ta có thể chấp nhận giàu nghèo, chấp nhận chênh lệch thu nhập nhưng giàu, thu nhập cao phải hợp pháp (không trái pháp luật), tránh tình trạng giàu lên phi pháp.

Phân tích nhiều khía cạnh liên quan đến chênh lệch thu nhập để thấy: thu nhập chuẩn bị cho Tết cũng sẽ có chênh lệch lớn. Trong khi những người giàu ung dung chơi Tết thì những người nghèo, cận nghèo phải lo lắng nhiều chuyện liên quan đến tiền nong chi cho cái Tết của mình và gia đình.

Hy vọng năm nay Nhà nước, Chính phủ và các đoàn thể xã hội sớm vào cuộc để lo Tết cho dân, đặc biệt là những người gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra để không một ai bị bỏ lại phía sau.

Lo Tết - Ảnh 3
GS.TS Hoàng Xuân Cơ.

Tiền thưởng Tết thật ra cũng là tiền do người lao động làm ra, tích cóp trong cơ quan, doanh nghiệp dưới dạng phúc lợi xã hội và được đem phân phát đúng vào dịp Tết. Mức thưởng Tết ở Việt Nam rất khác nhau, có mức chỉ vài trăm ngàn, có mức vài triệu, có mức vài chục triệu, và nghe nói có người còn được lĩnh vài trăm triệu.

Quả thật, còn nhiều vấn đề liên quan đến lương, đến thu nhập ở Việt Nam cần phải thảo luận nhiều hơn nữa. Tại sao cùng một đất nước, đôi khi cùng một chức danh nghề nghiệp nhưng thu nhập tại các cơ sở khác nhau lại chênh lệch quá vậy, đặc biệt là giữa cơ sở công lập và tư nhân, kể cả cơ sở đầu tư nước ngoài.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Lo Tết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới