Lượng băng bao phủ Bắc Băng Dương giảm kỷ lục trong tháng 10
Lượng băng trên Bắc Băng Dương bao quanh Bắc Cực đã tan chảy xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 10 này, phản ánh sự phục hồi chậm chạp trong bối cảnh mùa Đông đang đến gần.
Thông thường, vùng biển Bắc Băng Dương thường đóng băng và đến khoảng tháng 3, băng bao phủ hầu như toàn bộ đại dương này với diện tích trên 15,5 triệu km2. Đến mùa Hè, băng biển bắt đầu tan chảy và đóng băng trở lại vào mùa Đông.
Nhà khoa học Rasmus Tonboe thuộc Viện Địa chất Đan Mạch (DMI) cho biết, lượng băng ở Bắc Băng Dương trong tháng 10 sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1979 và tốc độ hình thành băng biển cũng chậm hơn so với bình thường.
Theo DMI, nhiệt độ nước biển ở vùng phía Đông Bắc cực, phía Bắc Siberiam, đã ấm hơn 2 tới 4 độ C so với bình thường. Trong khi ở Vịnh Baffin, nhiệt độ nước biển cao hơn từ 1-2 độ C.
Hồi tháng 9 vừa qua, các nhà khoa học tại Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia (NSIDC) thuộc Đại học Colorado Boulder (Mỹ) cũng cho biết, hình ảnh vệ tinh ghi nhận hôm 15/9 cho thấy băng chỉ còn bao phủ 3,74 triệu km2 ở Bắc Băng Dương, mức bao phủ thấp thứ hai sau mức được ghi nhận hồi năm 2012.
Giám đốc NSIDC Mark Serreze nhận định lượng băng bao phủ Bắc Băng Dương đã giảm xuống mức gần thấp kỷ lục, chủ yếu do đợt nóng ở Siberia và các vụ cháy rừng lớn. Với tốc độ tan băng như hiện nay, vùng Bắc Băng Dương đang hướng tới viễn cảnh không còn băng vào mùa Hè.
Theo ông Carlo Buontempo, Giám đốc Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus tại ECMWF, năm nay, lượng băng ở biển Bắc Cực giảm nhanh bất thường trong suốt tháng 6 và tháng 7. Trong cùng một khu vực đã ghi nhận nhiệt độ cao hơn mức trung bình và diện tích tối thiểu của băng biển giảm xuống mức đặc biệt thấp.
Phía Đông xích đạo Thái Bình Dương ghi nhận điều kiện mát mẻ hơn mức trung bình, phù hợp với hiện tượng La Nina đang diễn ra. Các nhà khoa học cho biết, số liệu nhiệt độ bất thường từ đầu năm đến nay không chênh lệch nhiều so với của năm dương lịch nóng nhất từng ghi nhận là năm 2016. Việc năm 2020 có trở thành “năm nóng nhất từng được ghi nhận” hay không sẽ phụ thuộc vào tác động của La Nina trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm.
Theo các nhà khoa học, mọi thay đổi lớn hơn ở Bắc Cực đều có thể gây ra những tác động nghiêm trọng hơn đối với hệ thống khí hậu toàn cầu.
Khi Bắc Cực nóng lên khiến băng tan, nhiều vùng sẽ tối hơn và hấp thụ nhiệt nhanh hơn. Từ những năm 1970 đến nay, diện tích của biển băng Bắc Cực đã bị thu nhỏ 70% và giảm xuống mức thấp nhất vào năm ngoái.
Nhật Hạ